Chỉ tính riêng trong 2 ngày gần đây giá vàng thế giới đã bị “thổi bay” gần 40 USD/ounce, trong khi đó, giá vàng trong nước không theo xu hướng thế giới, vẫn neo cao mở mức 56 triệu đồng/lượng, kéo rộng khoảng cách chênh lệch lên gần 4 triệu đồng/lượng.
Hai thái cực của giá vàng
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước liên tục nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới do giá vàng thế giới lao dốc.
Ghi nhận lúc 6h30 ngày 30/10, Công ty Bảo tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở trong phiên cuối cùng trong ngày là 55,81 – 56,09 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long đang đứng ở 53,33 - 53,98 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 55,80 - 56,30 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Như vậy, diễn biến lạ của thị trường trong nước được cho là do vẫn kỳ vọng giá tăng trở lại, bởi do trước nhà đầu tư đã mua vào với giá cao hơn nên không bán ra, khiến nguồn cung hạn hẹp. Các nhà kinh doanh vàng bạc cũng không “mặn mà” với chiều bán ra.
Trên thị trường vàng thế giới, ghi nhận lúc 6h30 (giờ Việt Nam) ngày 30/10, giá vàng trên sàn Kitco giao dịch ở mức 1.867, giảm 11 USD/ounce so với thời điểm giao dịch ngày 27/10 lúc 7h30 là 1.878 USD/ounce.
Trong 4 phiên gần đây, thị trường vàng liên tục ghi nhận những đợt bán tháo vàng của nhà đầu tư, ngay khi giá vàng giảm mạnh, giới đầu tư lại dừng giao dịch. Nguyên nhân được cho là do Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận rằng các biện pháp kích thích kinh tế không có khả năng được thông qua trước cuộc bầu cử ngày 3/11 vì đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vẫn còn cách biệt nhau về giá trị của gói các biện pháp kích thích. Từ đó, giới đầu tư tài chính suy đoán kinh tế toàn cầu sẽ còn u ám trong dài hạn.
Giá vàng giao dịch trên sàn Kitco lúc 7h30 ngày 30/10 (giờ Việt Nam).
Giới chuyên gia phân tích, vàng đang bị cuốn vào một đợt bán tháo trong ngắn hạn, nhưng nhìn trung và dài hạn, vàng vẫn là tài sản được hưởng lợi từ những rủi ro ngày càng tăng xoay quanh đợt bùng phát Covid-19 và sự bất ổn kinh tế toàn cầu. Một khi các gói kích thích kinh tế lớn được kích hoạt, khi đó nhu cầu vàng sẽ tăng trở lại.
Ông Jeffrey Sica, Nhà sáng lập Circle Squared Alternative Investments, cho biết: “Vàng hiện đang chờ đợi các tín hiệu mới xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, lo ngại về sự phục hồi kinh tế và tình trạng Covid-19. Xu hướng đối với vàng vẫn sẽ tiếp tục tăng giá”.
Trước những biến động thất thường của giá vàng, giới chuyên gia dự báo trong ngắn hạn, vàng vẫn đang phải chịu nhiều áp lực giảm vì những biến động của thị trường chứng khoán và đồng USD. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trong những giao dịch vàng ở thời điểm này.
USD trở thành kênh "trú bão" an toàn
Trên thị trường ngoại tệ thế giới, ghi nhận vào lúc 6h30 ngày 30/10, USD Index - thước đo sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) ở mức 93,80 điểm.
Trong bối cảnh thị trường tài chính và hàng hóa chao đảo, đồng USD lại trở thành kênh trú bão an toàn đối với các nhà đầu tư, điều này càng tạo áp lực giảm giá lên kim loại quý. Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tiến 0.7% lên mức cao nhất trong gần 2 tuần. Với dự báo các biện pháp phong tỏa mới ở châu Âu sẽ gây áp lực lên đồng Euro và đẩy mạnh đà lao dốc của chứng khoán.
Trên thị trường ngoại tệ trong nước, ghi nhận lúc 6h30, tỷ giá USD/VND ở một số ngân hàng phổ biến ở quanh mức: 23.090 đồng/USD và 23.270 đồng/USD.
Hiện tại, Vietcombank và BIDV niêm yết tỷ giá ở mức: 23.090 đồng/USD và 23.270 đồng/USD. Vietinbank: 23.088 đồng/USD và 23.268 đồng/USD. ACB: 23.110 đồng/USD và 23.260 đồng/USD.
Tỷ giá Euro đứng ở mức: 26.823 đồng (mua) và 27.909 (bán). Tỷ giá Bảng Anh: 29.649 đồng (mua) và 30.578 đồng (bán). Tỷ giá Yên Nhật ở mức 216,8 đồng (mua vào) và 225,8 đồng (bán ra). Nhân dân tệ được mua vào ở mức: 3.410 đồng và bán ra ở mức 3.517 đồng.