Ông Joerg Wuttke - người đứng đầu Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc - bày tỏ lạc quan về việc hai bên có thể ký kết một thỏa thuận trong những ngày còn lại cuối cùng của năm 2020.
Các doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc đang hy vọng Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận đầu tư vào cuối năm nay, mặc dù Bắc Kinh đã từ chối đưa ra cam kết thời hạn.
Trao đổi với phóng viên hãng tin AFP của Pháp ngày 26/12, ông Joerg Wuttke - người đứng đầu Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc - bày tỏ lạc quan về việc hai bên có thể ký kết một thỏa thuận trong những ngày còn lại cuối cùng của năm 2020.
Theo ông, đây sẽ không phải là một thỏa thuận hoàn hảo mà là "một bước tiến lớn."
Trước đó, trong một tuyên bố ngày 24/12, Bộ Thương mại Trung Quốc đã không đưa một thời hạn chót trong dịp cuối năm và giới chức Bắc Kinh dường như đã sẵn sàng cho việc kéo dài các cuộc thảo luận.
Bộ này khẳng định "để duy trì lợi ích an ninh và phát triển của mình, Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc đàm phán theo tốc độ của riêng mình và cố gắng đạt được một thỏa thuận đầu tư cân bằng và đầy tham vọng với EU."
Ngoài ra, bộ này nhấn mạnh thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-EU là nhằm mở ra nhiều cơ hội đầu tư hơn nữa và đảm bảo thể chế hợp lý cho hai bên, nhưng để đạt được nó đòi hỏi những nỗ lực chung.
Tiến trình đàm phán Thỏa thuận Đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc đã kéo dài hơn 6 năm mà chưa có kết quả.
Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ giúp các công ty châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, viễn thông, xe điện...
Thỏa thuận nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các các doanh nghiệp châu Âu làm ăn tại Trung Quốc, vốn từ lâu đã phàn nàn về các điều khoản ưu đãi dành cho các doanh nghiệp trong nước.
Văn kiện này cũng sẽ tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty châu Âu và cấm ép buộc chuyển giao công nghệ.
Tuần trước, một quan chức EU cho biết nhờ sự thúc đẩy từ Đức, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của EU tới cuối năm 2020, hai bên đang tiến gần tới việc ký kết thỏa thuận. Đức cũng là quốc gia châu Âu xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất.
Hiện thỏa thuận đang vấp phải sự phản đối của một số nghị sỹ tại Nghị viện châu Âu và chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden do lo ngại vấn đề Trung Quốc sử dụng nhân lực không mang tính tự nguyện.
Jake Sullivan, người đã được ông Biden bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh quốc gia, đã tuyên bố chính quyền tới đây tại Mỹ sẽ hoan nghênh các cuộc tham vấn với các đối tác châu Âu về những quan ngại chung liên quan tới các thông lệ trong nền kinh tế Trung Quốc./.