Với mức ngân sách dự trù khoảng 7.000 tỷ đồng dùng cho năm sau, Dic Corp dự tính dành 5.000 tỷ đồng vào các dự án nhà đất, 2.000 tỷ đồng cho các dự án nghỉ dưỡng.
Phối cảnh "siêu dự án" của Dic Corp ở Vũng Tàu.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) Nguyễn Thiện Tuấn vừa hé lộ kế hoạch đầu tư năm 2021 của Tập đoàn qua thông điệp gửi cổ đông dịp cuối năm.
Tại thông điệp gửi cổ đông, ông Tuấn cho biết, trong năm tới dự tính sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng cho các dự án bất động sản; trong đó khoảng 5.000 tỷ đồng vào các dự án nhà đất, 2.000 tỷ đồng cho các dự án nghỉ dưỡng; các lĩnh vực kinh doanh mới dự tính sẽ được đầu tư khoảng 300 - 400 tỷ đồng mỗi năm.
Cụ thể hơn, ông Tuấn cho biết, Dic Corp sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai một loạt các dự án trên khắp các tỉnh thành cả nước như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Hậu Giang, Quảng Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam,.…. Đồng thời, Tập đoàn đang nghiên cứu mở rộng việc đầu tư phát triển BĐS ở các tỉnh thành khác như Hòa Bình, Ninh Thuận, Cần Thơ, Long An…
Ngoài ra, Dic sẽ mở rộng tham gia đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ hậu cần sau cảng, các dự án giao thông, điện khí ...
Đề cập đến tình hình kinh doanh năm 2020, ông Tuấn cho biết, 2020 là một năm đầy thách thức, khó khăn và bất ổn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Là một doanh nghiệp đầu tư bất động sản (BĐS), Dic cũng không nằm ngoài tác động từ Covid – 19 tới nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Điển hình như, hệ thống khách sạn (3 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, 1 khách sạn tiêu chuẩn 4 sao và 1 khách sạn tiêu chuẩn 3 sao) phải tạm thời đóng cửa; công tác tiếp thị, bán hàng bị gián đoạn; tâm lý dè chừng trước tình hình dịch bệnh cũng như sự trì hoãn trong thủ tục pháp lý của các dự án là những khó khăn mà Tập đoàn phải đối mặt trong thời gian vừa qua.
Trước tình hình đó, Dic Corp vẫn kiên định đi theo chiến lược kinh doanh tập trung vào 2 mảng chính là đầu tư BĐS và đầu tư tài chính. Chính điều này đã giúp doanh nghiệp hạn chế các khoản tín dụng vay mượn, giữ vững tốc độ phát triển và đạt được các kết quả kinh doanh khả quan.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, Tập đoàn hoàn thành gần 75% kế hoạch doanh thu nhưng còn cách rất xa chỉ tiêu lợi nhuận được giao. Tuy nhiên, với sự tăng tốc trong quý 4, tính đến ngày 23/12/2020, doanh thu thuần công ty mẹ đạt 2.340 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 620 tỷ đồng; hoàn thành các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận kế hoạch đề ra từ đầu năm 2020.
Như vậy, với kế hoạch sẽ đầu tư 7.000 tỷ đồng vào các dự án trong năm 2021, số phận của “siêu dự án” rộng 90,5ha ở Vũng Tàu dường như vẫn bỏ ngỏ.
Liên quan đến dự án này, hồi cuối tháng 8 vừa qua, do khó huy động vốn và lo ngại dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu (tên thương mại là DIC Solar City Vũng Tàu) vốn đầu tư hơn 4000 tỷ đồng có khả năng bị thu hồi do chậm triển khai, Dic Corp đã công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua phương áp hợp tác dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu với Him Lam.
Tại văn bản gửi đến cổ đông, Dic cho biết, nếu được cổ đông thông qua, 2 bên sẽ góp vốn thành lập công ty TNHH 2 thành viên với vốn điều lệ dự kiến là 1.700 tỷ đồng. Ban đầu, vốn điều lệ pháp nhân mới là 700 tỷ đồng, sau đó tăng thêm 1.000 tỷ đồng lên 1.700 tỷ đồng.
Về tỷ trọng, Dic Corp sở hữu 65% vốn điều lệ, Him Lam sở hữu 35%. Phía Him Lam giao toàn quyền quyết định đầu tư cho Dic Corp và không tham gia vào các vấn đề đầu tư liên quan đến dự án. Tuy nhiên, lợi ích sẽ phải chia theo tỷ lệ vốn góp, dự kiến dự án sẽ mang lại nguồn thu từ 2021-2026; quý 2/2021 sẽ bắt đầu bán hàng.
Dự kiến, trong đợt 1, Dic Corp sẽ góp 455 tỷ đồng bao gồm tiền, quyền phát triển dự án và chi phí đầu tư dự án đã thực hiện. Him Lam sẽ góp 245 tỷ đồng bằng tiền mặt, khoản tiền này dùng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khu C ngay trong năm nay.
Tuy nhiên, kế hoạch này của lãnh đạo Dic Corp đã bị cổ đông bác.
Gần đây nhất, Hội đồng quản trị Dic Corp cũng đồng ý chủ trương chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Đại Phước Thiên Minh cho đối tác có năng lực để triển khai đầu tư vào khu đất 14,4 ha tại Phân khu 7.1, dự án Khu đô thị (KĐT) du lịch sinh thái Đại Phước. Giá trị chuyển nhượng yêu cầu không thấp hơn giá trị vốn góp là 759 tỉ đồng.
Tương tự, Dic Corp cũng sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp 2.349 tỉ đồng tại Công ty TNHH Đại Phước Thiên An để tìm đối tác đầu tư vào khu đất 31 ha tại Phân khu 1, 2, 3 của KĐT Đại Phước. Giá trị chuyển nhượng yêu cầu không thấp hơn giá trị vốn góp.
Theo tìm hiểu, Khu đô thị Đại Phước nằm ở khu vực Nam cù lao Ông Cồn, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Dự án này có diện tích 464 ha với kinh phí đầu tư hơn 7.500 tỉ đồng, được khởi công từ năm 2005.
Theo BCTC hợp nhất quý 3/2020 của DIC Corp, tại thời điểm ngày 30/9/2020, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của KĐT Đại Phước là gần 719 tỉ đồng.