Việc tỷ lệ sở hữu giảm xuống mức thấp, kết hợp với biến động về cơ cấu thành viên HĐQT, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chiếc ghế của chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) tại HAGL Agrico thời gian tới...
Bầu Đức liệu có 'buông' HAGL Agrico?
HAGL còn lại gì ở HAGL Agrico?
Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE:
HNG) vừa công bố nội dung cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường, diễn ra vào ngày 8/1/2021 sắp tới.
Theo đó, ngoài việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, BKS, giới chủ HAGL Agrico còn muốn trình phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ và huy động thêm vốn cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Tờ trình về phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho biết, hiện nay HAGL Agrico không đáp ứng đủ điều kiện để chào bán cổ phiếu ra công chúng, hoặc chào bán cho cổ đông hiện hữu do khoản lỗ ghi nhận tại cuối năm 2019 là hơn 2.440 tỷ đồng và lỗ lũy kế tính đến ngày 30/6/2020 là hơn 2.310 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, công ty chỉ có phương án duy nhất là phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, để giải quyết nhu cầu vốn cấp thiết, cũng như thực hiện chiến lược sản xuất kinh doanh đến năm 2023.
Dự kiến, HAGL Agrico sẽ hoán đổi hầu hết khoản nợ của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) nhằm cải thiện các chỉ số tài chính.
Mặt khác, số tiền huy động được cũng sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động cho chiến lược kinh doanh năm 2021-2023, nhằm đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Theo kế hoạch, khối lượng chào bán tại đợt kêu gọi vốn này là hơn 741 triệu cổ phiếu, trong đó 550 triệu cổ phiếu dùng để hoán đổi nợ, số còn lại để bổ sung vốn hoạt động. Tổng giá trị theo mệnh giá là hơn 7.410 tỷ đồng, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.
Hiện nay, HAGL Agrico có vốn điều lệ hơn 11.085 tỷ đồng, với hai nhóm cổ đông chính là Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE:
HAG) chiếm khoảng 45% cổ phần, trong đó HAGL sở hữu 40% vốn; kế đó là nhóm Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) sở hữu hơn 38% vốn (Thaco chiếm 26,3% vốn).
Ngay khi HAGL Agrico thực hiện tăng vốn thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên 18.500 tỷ đồng. Và với việc đang có kế hoạch bán ra 47,5 triệu cổ phiếu
HNG thì sau khi tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của nhóm HAGL tại HAGL Agrico dự kiến giảm xuống còn khoảng hơn 24% cổ phần.
Cũng trong khuôn khổ cuộc họp bất thường sắp tới, HĐQT HAGL Agrico cho biết đã nhận đơn từ nhiệm khỏi vị trí thành viên HĐQT của ông Đỗ Xuân Diện (đại diện phía Thaco), ông Võ Trường Sơn và ông Nguyễn Quan Anh. Cùng với đó, công ty cũng nhận được đơn từ nhiệm của ông Lê Hồng Phong hiện là thành viên BKS.
Về phía ông Đỗ Xuân Diện, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, HAGL Agrico đã bầu ông Diện ứng cử vị trí thành viên HĐQT, thay thế cho ông Nguyễn Hùng Minh, Phó chủ tịch Thaco, người đã có đơn xin từ nhiệm để tập trung công tác chuyên môn.
Đến ngày 14/5/2019, công ty tiếp tục thông qua nghị quyết về việc bầu ông Đỗ Xuân Diện làm Phó chủ tịch HĐQT phụ trách mảng chiến lược HAGL Agrico, bắt đầu từ ngày 14/5/2019.
Các quyết định miễn nhiệm thành viên nói trên sẽ có hiệu lực từ ngày 8/1/2021, hiện HAGL Agrico chưa công bố danh sách ứng cử viên thay thế.
Việc tỷ lệ sở hữu giảm xuống mức thấp, kết hợp với biến động về cơ cấu thành viên HĐQT, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chiếc ghế của chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) tại HAGL Agrico thời gian tới.
Trong trường hợp bầu Đức rời vị trí chủ tịch, HAGL Agrico sẽ không còn là công ty con của HAGL, đồng nghĩa với nằm ngoài kết quả kinh doanh hợp nhất.
Trong bối cảnh "khát vốn", HAGL Agrico vừa thông qua quyết định chuyển nhượng 100% vốn góp tại An Đông Mia cho Thagrico. Đây là công ty cao su thứ tư được HAGL Agrico chuyển nhượng cho Thaco.
Trước đó, năm 2019, HAGL Agrico đã lần lượt bán toàn bộ phần vốn góp tại ba công ty con là Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương, Đông Pênh và Cao su Trung Nguyên cho Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi - một thành viên khác của Thaco.
Loạt thương vụ M&A "nhập nhằng" của bầu Đức
Những thương vụ chuyển nhượng nhập nhằng, dưới phương thức hoán đổi công nợ phải thu, hay scandal kiểm toán... là chuỗi sự kiện quen thuộc đối với HAGL, công ty mẹ của HAGL Agrico.
Đầu tháng 9 vừa qua, HĐQT HAGL đã thống nhất phương án hoán đổi số công nợ phải thu hơn 5.865 tỷ đồng thành cổ phần Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai, tương ứng với khối lượng 586 triệu cổ phiếu.
Đây là một trong những khoản công nợ lên đến 10.800 tỷ đồng, mà tại báo cáo tài chính bán niên 2020 của HAGL, đơn vị kiểm toán phải tiếp tục đưa ra kết luận ngoại trừ.
Theo đó, mặc dù công nợ của Chăn nuôi Gia Lai là hơn 6.080 tỷ đồng, song giá trị thu hồi kiểm toán có thể xác định chỉ là 768 tỷ đồng.
Sau khi trở thành công ty mẹ của Chăn nuôi Gia Lai, HĐQT HAGL kỳ vọng sẽ phần nào nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh và đầu tư của công ty này, do có thể tham gia vào điều hành, tái cấu trúc bộ máy.
Thế nhưng, sẽ không có gì đáng nói nếu Chăn nuôi Gia Lai kể từ khi thành lập vào năm 2014, đã ngay lập tức trở thành một trong những "con nợ" quen mặt và ngày càng phình to của HAGL.
Tại thời điểm cuối năm 2014, HAGL mới chỉ ghi nhận khoản cho vay ngắn và dài hạn tại Chăn nuôi Gia Lai là hơn 830 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2015, con số này đã vọt lên ở mức hơn 2.060 tỷ đồng...
Hồi tháng 3/2018, HAGL cũng mua lại Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai bằng cách bù trừ với các khoản nợ phải thu. HAGL đã nhận chuyển nhượng gần 77 triệu cổ phần của Hưng Thắng Lợi Gia Lai với giá 32.200 đồng/cổ phần, qua đó trở thành công ty mẹ sở hữu 98% vốn.
Khi đó, Hưng Thắng Lợi Gia Lai là một trong những cổ đông lớn của HAGL Agrico, nắm giữ 50 triệu cổ phiếu
HNG, từ đợt chào bán đầu năm 2018 để hoán đổi khoản nợ vay có giá trị hơn 512 tỷ đồng (tính tại ngày 31/7/2017).
Đến nay, tỷ lệ sở hữu của công ty này tại HAGL Agrico chỉ còn gần 4%, mặc dù từng tăng lên mức gần 9% vào giữa năm 2019.
Giới tài chính đồn đoán rằng, hầu hết các "con nợ" lớn của HAGL đều có "sứ mệnh" rất riêng, song mục đích cuối vẫn là "tô điểm" cho báo cáo tài chính của "công ty mẹ".
Điển hình như trường hợp của nhóm công ty An Phú, được HAGL cho vay nợ đến hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ mua lại chính tài sản của HAGL.
"Sứ mệnh" của An Phú được tiết lộ trong báo cáo tài chính năm 2013 của HAGL. Theo đó, tại thuyết minh về hợp đồng cho An Phú vay, HAGL cho biết mục đích khoản vay là để "hỗ trợ tài chính cho An Phú trong việc mua lại các công ty con và các dự án của tập đoàn theo kế hoạch tái cấu trúc của tập đoàn".
Với mục đích tái cấu trúc, An Phú nhiều khả năng đã mua lại các tài sản "xấu", tài sản dở dang của HAGL nhằm đẩy lượng tài sản này ra khỏi báo cáo tài chính, giúp tình hình tài sản, nguồn vốn, dòng tiền cũng như tình hình kinh doanh của HAGL trở nên "đẹp" hơn về con số.
"Chiêu bài" này cũng tương tự như việc các ngân hàng đẩy nợ xấu sang VAMC, giúp tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách đẹp hơn, dưới ngưỡng quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng thực ra nếu tính đúng, tính đủ, con số vượt ngưỡng rất nhiều...