Luật chứng khoán sửa đổi Quốc hội đã thông qua cuối năm ngoái. Việc hoàn thành hệ thống văn bản hướng dẫn cho luật này, theo ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC), là một khối lượng công việc rất lớn. Nói với VnExpress, ông Dũng cho biết, bình quân mỗi quý có thể phải xong một nghị định và mỗi tháng một thông tư. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ bắt buộc trong năm nay nên SSC đang cấp tập triển khai.
Ưu tiên thứ hai là vận hành hệ thống giao dịch mới sau nhiều năm chờ đợi. Hệ thống này có nhiều tính năng hiện đại nên việc triển khai giao dịch, thanh toán bù trừ, giám sát thuận tiện hơn rất nhiều. Từ cơ sở này, SSC có thể triển khai thêm các sản phẩm mới được nhà đầu tư mong mỏi như giao dịch trên đường về, giao dịch trong ngày hoặc các sản phẩm phái sinh mà hệ thống hiện tại không cho phép.
"Hệ thống mới không chỉ là câu chuyện đổi mới giao dịch, tăng thanh khoản mà còn là nền tảng để tái cấu trúc thị trường", ông Dũng nói.
Khi hệ thống này được vận hành, theo ông Dũng, SSC sẽ có điều kiện sáp nhập HoSE và HNX thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, đồng thời chuyển toàn bộ cổ phiếu niêm yết vào giao dịch tại "sàn TP HCM", còn "sàn Hà Nội" sẽ chuyên về thị trường phái sinh và trái phiếu.
Công việc quan trọng còn lại là xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sau khi thị trường cổ phiếu và trái phiếu chính phủ đã hoạt động tốt. 2019 là năm bùng nổ phát hành trái phiếu doanh nghiệp nên nhu cầu về vốn đầu tư cũng được giải quyết khá nhiều. Tuy nhiên, nếu có thị trường trái phiếu minh bạch, quản trị rủi ro cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư thì hiệu ứng có thể đã tốt hơn rất nhiều.
Ông Dũng nhìn nhận, công việc thứ hai và thứ ba là "mong ước và quyết tâm cao" của lãnh đạo Uỷ ban. Nếu làm dứt điểm tất cả các hạng mục thì diện mạo và cấu trúc thị trường chứng khoán sẽ lên một tầm cao mới. Điều này cũng tác động không nhỏ đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi theo đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán được Thủ tướng thông qua từ tháng 2/2019.
Những chỉ tiêu định lượng như quy mô, vốn hóa, số lượng doanh nghiệp, trị giá hàng hóa... để xét nâng hạng đến nay đã đạt được. Nền kinh tế vĩ mô, khuôn khổ pháp lý, hệ thống giao dịch... cũng đang chuyển động tích cực để các "chỉ tiêu mềm" tiệm cận tiêu chuẩn cao hơn. Nếu GDP duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay, chính sách mở cửa, ba luật sửa đổi được ban hành và hệ thống giao dịch mới được vận hành trơn tru, ông Dũng cho rằng, mục tiêu nâng hạng trước năm 2025 hoàn toàn khả thi.
Việc sửa đổi đồng thời ba luật chứng khoán, doanh nghiệp, đầu tư cũng là cơ hội tốt để xử lý vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Nói về mong mỏi nới "room" của các nhà đầu tư, lãnh đạo SSC nhìn nhận, không riêng Việt Nam, bất cứ quốc gia nào, đặc biệt là đang phát triển, đều có vấn đề hạn chế người nước ngoài đầu tư vào một số ngành nghề.
Nhà đầu tư nước ngoài đang đề nghị có một số cơ chế riêng để giải quyết vấn đề như nới room, tổ chức hệ thống giao dịch riêng cho cổ phiếu hết room hoặc cho ra đời sản phẩm NVDR (cổ phiếu/chứng chỉ không có quyền biểu quyết)... . Các đề xuất này, theo Ủy ban chứng khoán, đến nay chưa đủ điều kiện thực hiện. Điều này đang là rào cản không nhỏ để thị trường chứng khoán trong nước tiệm cận đường đua thế giới.
"Chúng ta phải chuẩn bị nội lực của mình thật tốt để được thừa nhận chứ không tìm cách "son phấn" cho đẹp đẽ, có một danh hiệu nhưng sau đó khiến người khác thất vọng", ông Dũng nhấn mạnh.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.