Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo, thị trường chứng khoán Việt cũng không nằm ngoài xu thế chung khi đã có lúc rơi vào trạng thái "hoảng loạn".
Cổ phiếu nhiều nhóm ngành đã vấp phải phản ứng tiêu cực từ các nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm ngành hàng không vốn được cho là ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch. Trong khi cổ phiếu trên sàn giảm sâu thì các sân bay thiếu vắng lượng khách, giá vé máy bay đua nhau giảm giá.
"Khó trăm bề"
Tính đến phiên giao dịch ngày 21/2, cổ phiếu
HVN của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đang có mức giá 26.900 đồng/cp, giảm 21,6% so với đầu năm, tương đương vốn hoá thị trường của
HVN "bốc hơi" gần 11.000 tỷ đồng chỉ trong gần 2 tháng.
Tương tự, cổ phiếu
VJC của Vietjet Air cũng "đánh rơi" hơn 10.000 tỷ đồng khi giá trị giảm mạnh từ mức 148.000 đồng/cp hồi đầu năm về mức 128.600 đồng/cp như hiện nay; cổ phiếu
ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (
ACV) cũng giảm 22,5% từ 77.400 đồng/cp xuống còn 60.000 đồng/cp trong gần 2 tháng đầu năm, vốn hoá thị trường giảm còn 130.619 tỷ đồng.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp phụ trợ trong ngành hàng không cũng chịu chung cảnh giảm giá như cổ phiếu
AST của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco vừa có 5 phiên giảm liên tiếp (từ 17-21/2) về mức giá 69.500 đồng/cp.
Tại mức giá này
AST đã giảm hơn 18,2% giá trị so với đầu năm, vốn hoá thị trường giảm tương đương 697,5 tỷ đồng; cổ phiếu
ARM của CTCP Xuất nhập khẩu hàng không Cencon Việt Nam giảm 17,8%; cổ phiếu
NCS của CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài giảm gần 12%...
Trước đó, theo ước tính của
ACV, ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể khiến tổng sản lượng vận chuyển hành khách thông qua toàn mạng cảng giảm 35 triệu lượt trong năm 2020. Điều này có thể khiến cho lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chỉ đạt 1.700 tỷ đồng, giảm hơn 6.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm.
Năm 2019,
ACV đạt mức doanh thu thuần 18.293 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.343 tỷ đồng, đây là kết quả kinh doanh kỉ lục của doanh nghiệp này nhờ tăng trưởng cả khối lượng hành khách và hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không.
Theo số liệu mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong tháng 2/2020 đạt gần 8,1 triệu khách, giảm 11,6% so với cùng kỳ 2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 2,4 triệu, giảm 29,8%, khách nội địa đạt 5,7 triệu, giảm 0,7%.
Trong tháng 2, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 3,7 triệu khách, giảm 13,7% so với tháng 2/2019. Trong đó, lượng khách quốc tế giảm tới 39,5%, chỉ còn 870 nghìn khách. Khách nội địa giảm nhẹ 0,7%, đạt 2,8 triệu khách.
Trước tình trạng hành khách hạn chế đi lại, các hãng bay phải đồng loạt giảm giá vé, hay mở đợt bán vé siêu rẻ nhằm thu hút khách hàng, thậm chí một vài chặng bay đã phải giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Cơ hội hồi phục mong manh
Mới đây, bộ phận nghiên cứu của Chứng khoán
SSI đã đánh giá triển vọng ngành hàng không trong ngắn hạn là "tiêu cực" do tác động của dịch Covid-19. Tất cả hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh này, khi nhu cầu đi du lịch giảm, nhất là hoạt động du lịch liên quan đến Trung Quốc. Năm 2019, trong tổng số 18 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam, khách Trung Quốc chiếm tới 32,2%.
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết thị trường Trung Quốc đang chiếm 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế của các hãng hàng không trong nước. Việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc khiến các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu trung bình của khoảng 400.000 lượt khách/tháng.
Theo số liệu thống kê, chỉ riêng 1 tuần sau khi dừng khai thác các chuyến bay đi/đến Trung Quốc (từ ngày 1-2), sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam giảm 4%, riêng vận chuyển quốc tế giảm 28% so với cùng kỳ. Ước tính sơ bộ thiệt hại ban đầu của các hãng lên tới hơn 10.000 tỷ đồng.
Trong khi thị trường Trung Quốc chưa có lối thoát thì ngành hàng không Việt Nam lại tiếp tục đón nhận thông tin tiêu cực khi Hàn Quốc đã có hơn 600 ca lây nhiễm và 5 người thiệt mạng do Covid-19, Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ 2 trong tình trạng "báo động tối đa".
Trên thị trường bắt đầu có tin đồn về việc cấm vô thời giạn các chuyến bay giữa Việt Nam - Hàn Quốc và Việt Nam - Nhật Bản gây hoang mang cho nhiều hành khách có lịch trình đi lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản, ảnh hưởng tới hoạt động khai thác hàng không chung. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã bác bỏ và cho biết, đó là thông tin hoàn toàn bịa đặt.
Bên cạnh những yếu tố chủ quan từ hoạt động ngành, nhóm cổ phiếu hàng không cũng khó có thể hồi phục được trong bối cảnh chỉ số Vn-Index đang trở thành chỉ số chứng khoán tệ nhất thế giới với mức giảm gần 3% kể từ đầu năm đến nay.
Hàng loạt tác động khách quan như căng thẳng chính trị Mỹ - Iran hay dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, áp lực rút vốn của khối ngoại cũng là một trong những tác động tiêu cực khi họ bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên toàn thị trường chỉ tính riêng trong tháng 2.
Tuy nhiên, đưa ra nhận định khả quan hơn, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường Chứng khoán KB Việt Nam phân tích, có thể khẳng định rằng kết quả kinh doanh quý I và quý II của doanh nghiệp ngành hàng không sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
“Tuy nhiên, theo tôi đây là những ảnh hưởng xấu xảy ra trong ngắn hạn trong một hai quý, còn triển vọng dài hạn của doanh nghiệp hàng không hầu như không bị ảnh hưởng” – ông Trần Đức Anh khẳng định.
Linh Đan
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.