Nhà quản lý nổi tiếng của các quỹ đầu tư lớn như Paul Singer của Elliott Management, Andrew Law của Caxton Associates và Danny Yong của Dymon Asia Capital đều lạc quan vào vàng, kim loại quý ghi nhận mức tăng khoảng 12% kể từ đầu năm nay.
Họ dự đoán việc các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ, thậm chí trực tiếp cấp vốn cho chính phủ chi tiêu, để giảm thiểu thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra sẽ kéo giảm giá trị của các đồng tiền pháp định, đồng thời kích thích giá vàng lên cao hơn.
“Vàng là tài sản đảm bảo trước làn sóng in tiền không giới hạn”, ông Yong, Giám đốc đầu tư và đối tác sáng lập của Dymon Asia, nói. Tài sản của quỹ này tăng 36% kể từ đầu năm nay nhờ đặt cược vào giá vàng.
Tháng 4, Elliott, quỹ quản lý số tài khoản khoảng 40 tỷ USD, từng nói với giới đầu tư rằng vàng là một trong những tài sản bị định giá thấp nhất và giá trị hợp lý của kim loại này phải gấp nhiều lần so với hiện tại. Lợi nhuận từ các vị thế đặt cược vào vàng đã giúp tài sản của quỹ này tăng khoảng 2% trong quý I.
Caxton, một trong những quỹ đầu tư vĩ mô lâu đời nhất thế giới, cũng hưởng lợi từ việc đặt cược vào giá vàng thông qua các hợp đồng tương lai và hợp đồng EFP (cho phép hoán đổi hợp đồng tương lai thành hàng hóa vật chất). Tài sản quỹ toàn cầu và vĩ mô của Caxton tăng lần lượt 15% và gần 17% kể từ đầu năm nay.
Vàng từ lâu được xem là tài sản giúp chống lại lạm phát và là nơi trú ẩn của giới đầu tư trong các giai đoạn căng thẳng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích từng bất ngờ khi vàng cũng bị bán tháo theo cổ phiếu khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mà nguyên nhân là giới đầu tư tin tưởng vào sự an toàn của tiền mặt hơn cả. Khi đó, giá vàng giảm từ gần 1.680 USD vào ngày 9/3 xuống còn hơn 1.450 USD/ounce vào ngày 16/3, ngay trước khi S&P 500 chạm đáy hơn 3 năm.
Diễn biến của giá vàng so với S&P 500 kể từ đầu năm nay. Ảnh: Financial Times.
Sau đó, giá kim loại quý này bật tăng lên cao nhất 8 năm ở 1.747 USD vào ngày 14/4 và giao dịch xung quanh 1.700 USD/ounce trong phiên 4/5. Đà phục hồi này được hỗ trợ bởi làn sóng mua vào của các quỹ ETF vàng trong quý I. Tổng số vàng nắm giữ bởi các quỹ này lên kỷ lục 3.185 tấn tính tới hết tháng 3.
Cũng theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới, dịch Covid-19 là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất và duy nhất đối với nhu cầu vàng trong quý I. “Các quỹ ETF vàng ghi nhận quý có dòng vốn đổ vào cao nhất 4 năm qua do tình hình thế giới bất ổn và các thị trường tài chính biến động mạnh”.
“Theo tôi, các ngân hàng trung ương đã bắt đầu nghi ngờ khả năng thanh toán nợ của nhau và họ sẽ dùng vàng như là một phương tiện thanh toán thay thế cho USD, yên, euro hay bất kỳ đồng tiền giấy nào khác”, ông Jerry Haword, CEO của quỹ 36 South Capital Advisors, viết trong một bức thư gửi nhà đầu tư.
Các nhà quản lý khác cũng nhìn thấy cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu liên quan tới vàng. David Neuhauser, giám đốc quản lý quỹ Livermore Partners, nói với Financial Times rằng ông đã tăng nắm giữ cổ phiếu của các hãng khai thác vàng trong năm nay vì dự đoán sẽ xảy ra lạm phát hoặc lạm phát kèm suy thoái.
“Dù là trường hợp nào thì cũng đều là tín hiệu tốt với giá vàng”, ông Neuhauser nói.
Theo dự báo của UBS Investment Bank, giá vàng có thể phá đỉnh của đầu năm nay. “Theo quan điểm của tôi, giá vàng ngày càng có nhiều khả năng tăng vượt 1.800 USD/ounce”, bà Joni Teves, chiến lược gia kim loại quý tại UBS Investment Bank, cho biết. Ngân hàng này đưa ra giá mục tiêu trong ngắn hạn với vàng là 1.790 USD/ounce.
Tất nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục rằng giá vàng sẽ tăng. Theo một số chuyên gia quan sát thị trường, nhu cầu mua vàng trên thị trường bán lẻ tại Ấn Độ và Trung Quốc đều rất yếu, trong khi các ngân hàng trung ương như Nga cũng dừng mua vàng trong năm nay.
Fulcrum Asset Management, quỹ từng hưởng lợi từ vàng trong năm nay, lại bán phần lớn số vàng hiện có. CEO Suhail Shaikh của quỹ này cho biết động lực chính khiến giá vàng tăng mạnh là lợi suất trái phiếu giảm. Tuy nhiên, đến nay, còn rất ít dư địa để lợi suất trái phiếu giảm sâu hơn.