Mới đây, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen vừa thực hiện nghi lễ quy y Tam Bảo với sự chứng minh truyền thọ của Đức Hòa thượng Đệ Tam Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ tại Chùa Viên Minh.
Trước khi quy y, ông Vũ đã từng có thời gian lên núi sống tĩnh tâm, 1 tháng chỉ có mặt ở Hoa Sen 2 lần mỗi lần 2 tiếng. Ông Vũ cho biết dù sống ở xa nhưng ông vẫn nắm được hết mọi công việc của công ty.
Điểm sáng kinh doanh
Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố thông tin về kết quả kinh doanh quý III và lũy kế 9 tháng niên độ tài chính 2019-2020. Theo đó, trong quý III Tập đoàn ghi nhận 7.228 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ 5,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 161 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm niên độ tài chính 2019 - 2020, doanh thu Hoa Sen ước đạt 19.189 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ, đạt 69% kế hoạch niên độ. Mặc dù doanh thu giảm song lợi nhuận sau thuế công ty ước đạt 689,7 tỷ đồng, tăng 149% so với cùng kỳ, hoàn thành 172% kế hoạch niên độ. Trước đó, trong niên độ 2018 – 2019, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 28.000 tỷ đồng, vượt 1,2 tỷ USD.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động đến nhiều doanh nghiệp thì việc tăng trưởng lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen một tín hiệu rất tích cực. Thực tế, kết quả kinh doanh của Hoa Sen tăng mạnh trở lại trong 3 quý gần đây sau khi công ty đã hoàn tất tái cơ cấu hệ thống chi nhánh.
Hiện nay, Hoa Sen chỉ còn 55 chi nhánh tỉnh và chuyển các chi nhánh khác sang cửa hàng trực thuộc chi nhánh. Điều này góp phần tiết giảm chi phí, kéo lợi nhuận tăng trở lại kể từ quý IV/2019.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh tăng vọt, ban lãnh đạo công ty cho biết, Hoa Sen chủ trương không theo đuổi chính sách cạnh tranh về giá để tập trung chất lượng sản phẩm, dịch vụ nên biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể; chủ động giảm nợ vay ngân hàng và kiểm soát hàng tồn kho để giảm chi phí.
Theo chiến lược kinh doanh trước dịch bệnh, Hoa Sen phải đối mặt với 4 khó khăn cụ thể, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến rào cản thuế quan được dựng lên ở nhiều quốc gia, tỷ giá biến động mạnh, nguy cơ bị điều tra về tránh thuế và thị trường bất động sản hạ nhiệt khiến nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm.
Tại phiên họp thường niên, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen, nhận định không có dự báo nào là chắc chắn trong bối cảnh hiện tại. Các chỉ tiêu kinh doanh năm nay vì thế được đề ra tương đối thận trọng, theo đó doanh thu đạt 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là mục tiêu của Hoa Sen trước thời điểm diễn ra dịch bệnh.
Niềm tin nào cho giá cổ phiếu?
Sau một thời gian tăng mạnh từ đáy, cổ phiếu
HSG đã có nhịp điều chỉnh về mức giá dưới 12.000 đồng/cp kể từ cuối tháng 6 đến nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là nhịp điều chỉnh kỹ thuật cần thiết.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/7, cổ phiếu
HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen tăng nhẹ lên 11.550 đồng/cp nhưng so với đầu tháng 7 thì mã này vẫn giảm gần 3,8%. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại là trước đó
HSG đã có thời gian tăng phi mã gần 170% từ vùng giá 4.000 đồng/cp.
Trước đó, trong một phát biểu của Chủ tịch Lê Phước Vũ đã đưa ra dự báo về việc cổ phiếu
HSG sẽ sớm trở lại vùng giá 20.000 đồng/cp, thậm chí lên 30.000 đồng/cp.
Như để khẳng định niềm tin vào cổ phiếu
HSG, mới đây ông Lê Phước Vũ đã mua vào 20 triệu cổ phiếu sau khi công ty riêng của ông là công ty TNHH Đầu tư Hoa Sen bán ra đúng bằng số lượng. Hiện ông Vũ đang nắm giữ 74,3 triệu cổ phiếu Hoa Sen, chiếm 16,72% công ty.
Nhìn chung, tính đến thời điểm hiện tại mọi đánh giá tốt đều tập trung vào cổ phiếu
HSG và bản thân ông Lê Phước Vũ đã khẳng định nếu ông làm sao thì cổ đông cũng không sao, vì Hoa Sen đã không còn lệ thuộc vào ông.
Tuy nhiên, điều khiến các nhà đầu tư phải băn khoăn về "lời hứa" của ông Lê Phước Vũ là trong năm 2018 Hoa Sen rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có khi bất ngờ lỗ nặng với nợ vay cao ngất ngưởng nhưng bản thân ông Vũ vẫn có những thương vụ mua bán cổ phiếu lãi đậm gây ồn ào, thậm chí đi ở ẩn.
Tại thời điểm đó, cổ phiếu
HSG có lúc tụt giảm hơn 70% giá trị vốn hoá "bốc hơi" nghìn tỷ, dự án thép Cà Ná bị tạm dừng cùng với sự nổi lên của các đối thủ như Hoà Phát và Nam Kim. Hoa Sen phải sử dụng chiến lược gia tăng vay nợ để đầu tư nhà máy mới giành lại thị phần, cải thiện vị thế đã khiến Hoa Sen gánh khoản nợ 800 triệu USD (tương đương hơn 18.000 tỷ đồng).
Tính đến thời điểm hiện tại, con số này đã giảm khá nhiều chỉ còn hơn 8.500 tỷ đồng cả ngắn và dài hạn nhưng đây cũng không phải là một con số nhỏ, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 6.000 tỷ đồng. Ngoài ra, theo nhận định của một chuyên gia chứng khoán, việc đầu cơ nguyên liệu HRC của Hoa Sen trong năm 2020 là không nhỏ, bởi gia HRC sẽ ổn định chứ không tăng cao.
Trong khi nhà máy Dung Quất của Tập đoàn Hoà Phát dự kiến cung cấp hơn 2 triệu tấn HRC ra thị trường nhà máy Formosa sản xuất hơn 5 triệu tấn nữa. Như vậy, tổng công suất HRC trong nước là hơn 7 triệu tấn/năm, đáp ứng 80% nhu cầu của thị trường nội địa.
Giá HRC giảm, sự cạnh tranh của đối thủ đã từng là nguyên nhân khiến Hoa Sen gặp khó, năm 2020 dù tình hình đã cải thiện hơn nhưng vẫn đang có diễn biến gần giống với năm 2018. Điều này dễ hiểu vì sao vẫn có những ý kiến trái chiều về cổ phiếu
HSG dù được giới phân tích đánh giá cao.