Stephen S. Roach là giảng viên tại Đại học Yale, cựu chủ tịch Morgan Stanley châu Á. Ông là tác giả cuốn “Unbalanced: The Codependency of America and China” (Mất cân bằng: Sự đồng phụ thuộc giữa Mỹ và Trung Quốc). Dưới đây là bài viết “Cú sốc Covid-19 của đồng USD” của ông trên Project Syndicate.
Dịch bệnh luôn có những diễn biến hết sức nhanh chóng và khó lường. Điều đó hoàn toàn đúng với tỷ lệ người nhiễm Covid-19 cũng như những nỗ lực nghiên cứu khoa học chưa từng có tiền lệ nhằm tìm ra vắc xin để đối phó với căn bệnh này.
Điều đó cũng đúng với những sự phát triển mang tính chất chuyển hóa, đang được áp dụng bởi các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Khi các biện pháp phong tỏa khiến cho các hoạt động kinh tế toàn cầu “giẫm chân tại chỗ” trong khoảng thời gian 2 tháng, hy vọng về một sự phục hồi nhanh chóng theo hình chữ V bắt đầu xuất hiện khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa.
Kịch bản trên có thể sẽ không dễ dàng đến thế. Các hoạt động kinh tế bỗng dưng dừng hết lại, thêm vào đó là việc dòng vốn đang chảy khỏi các thị trường mới nổi, thường phơi bày ra những vấn để cấu trúc cỗ hữu, thứ có thể làm chậm lại quá trình hồi phục của các nền kinh tế. Điều này cũng có thể là khởi đầu cho những dịch chuyển giá tài sản đột ngột nhằm đối phó với tình hình bất ổn kéo dài.
Một trong những trường hợp điển hình nhất là Mỹ, với nền kinh tế bị tổn hại nghiêm trọng do dịch bệnh. Những biện pháp tài khóa mạnh mẽ nhằm đối phó với dịch bệnh Covid-19 chắc chắn sẽ để lại hệ quả đáng kể. Trái ngược với quan điểm rộng rãi rằng thâm hụt ngân sách sẽ không quá quan trọng bởi lãi suất gần như bằng 0 góp phần giảm nhẹ đi các chi phí trả nợ, nhưng cuối cùng, chằng có thứ gì là “miễn phí”. Tiết kiệm quốc nội Mỹ, vốn đã rơi vào tình trạng không mấy khả quan trong thời gian qua, đang ở trạng thái tiêu cực. Điều đó có thể dẫn tới tình trạng thâm hụt thương mại cao kỷ lục và đồng USD sẽ rớt giá thảm hại.
Không quốc gia nào mong muốn lãng phí các khoản tiết kiệm quốc nội vì đó chính là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Điều này hoàn toàn đúng ngay cả với trường hợp của Mỹ, nơi các quy luật kinh tế thường bị lờ đi bởi vỏ bọc “chủ nghĩa ngoại lệ của người Mỹ”.
Chẳng có gì là mãi mãi. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã gây ra những tác động lớn cho một quốc gia vốn từ lâu được vận hành trên biên độ tiết kiệm rất thấp, dưới mức trung bình.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, tỷ lệ tiết kiệm quốc nội ròng, bao gồm các khoản tiết kiệm kết hợp đã điều chỉnh khấu hao của các hộ gia đình, doanh nghiệp và lĩnh vực công, nằm ở mức 1,4% tổng thu nhập quốc dân, thậm chí thấp hơn cả mức thấp hậu khủng hoảng kinh tế được ghi nhận vào cuối năm 2011. Không cần phải lo lắng, đó chính là lời bào chữa thường được nhắc đến - người Mỹ không bao giờ tiết kiệm.
Hãy nghĩ lại xem. Tỷ lệ tiết kiệm quốc gia luôn ở mức trung bình 7% trong giai đoạn kéo dài đến 45 năm từ năm 1960 đến năm 2005. Trong suốt những năm 1960, giai đoạn nước Mỹ được ghi nhận là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt nhất trong thời kỳ hậu Thế Chiến 2, tỷ lệ này thậm chí còn vươn trên mức bình quân 11,5%.
Việc thể hiện những tính toán này thông qua giá trị ròng không phải là sự hiệu chỉnh đơn thuần. Cho dù tổng tiết kiệm quốc nội quý đầu tiên của năm 2020 ở mức 17,8% tổng thu nhập quốc dân, vẫn thấp hơn mức cao nhất trong giai đoạn 45 năm từ 1960 tới 2005, sự thâm hụt này không ngiêm trọng như khi chúng ta tính toán theo phương pháp giá trị ròng. Điều đó phản ảnh một thực trạng đáng lo khác: tốc độ già hóa dân số nhanh của Mỹ và sự gia tăng tích trữ vốn sản xuất.
Đó là khi tài khoản vãng lai và đồng USD “nhập cuộc chơi”. Việc thiếu hụt nguồn lực tiết kiệm và mong muốn gia tăng đầu tư, phát triển, Mỹ thường đi vay những khoản tiết kiệm thặng dư từ các quốc gia khác, chấp nhận những khoản thâm hụt tài khoản vãng lai nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Nhờ vào vị thế lớn mạnh của đồng USD- đồng tiền dự trữ có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới, những khoản đi vay này thường được gắn liền với những điều khoản hết sức hấp dẫn, thường không đi liền với lãi suất hoặc các nhượng bộ về tỷ giá hối đoái, điều cần thiết để bù đắp cho những rủi ro nhà đầu tư nước ngoài gặp phải.
Nhưng đó là chuyện của sau này. Trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, những lẽ phải thông thường là điều không hề tồn tại.
Quốc hội Mỹ đã hành động rất nhanh chóng nhằm mang lại sự ổn định trong bối cảnh nền kinh tế đang rơi tự do với tốc độ chưa từng có. Văn phòng ngân sách quốc hội dự báo thâm hụt ngân sách liên bang sẽ cao ở mức chưa từng có, trung bình 14% GDP trong giai đoạn 2020-2021. Và cho dù sự tranh luận chính trị đang diễn ra hết sức quyết liệt, những giải pháp tài khóa mới rất có thể sẽ được bổ sung. Kết quả, tỷ lệ tiết kiệm quốc nội bị đẩy vào trạng thái tiêu ực.
Điều này chỉ diễn ra đúng một lần trước đó: trong suốt và ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi tỷ lệ tiết kiệm quốc gia ròng đạt trung bình -1,8% tổng thu nhập quốc dân trong giai đoạn từ quý II/2008 đến quý II/2010, trong khi đó thâm hụt ngân sách trung bình 10% GDP.
Trong kỷ nguyên Covid-19, tỷ lệ tiết kiệm quốc dân ròng có thể rơi xuống từ -5% tới -10% trong vòng 2-3 năm tới. Điều đó có nghĩa rằng nền kinh tế vốn đã thâm hụt tiết kiệm Mỹ có thể sẽ sớm đối mặt với tình trạng giảm sút nguồn tiền tiết kiệm ròng.
Với áp lực chưa từng có lên vấn đề tiết kiệm quốc nội, nhu cầu nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài của Mỹ có thể sẽ gia tăng, và thâm hụt tài khoản vãng lai có thể diễn biến trầm trọng hơn. Từ năm 1982, thâm hụt tài khoản vãng lai được ghi nhận ở mức trung bình 2,7% GDP. Trong tương lai, khoản thâm hụt kỷ lục lên tới 6,3% GDP được ghi nhận vào quý IV/2005 có thể bị vượt qua. Điều này đã đặt ra một câu hỏi lớn. Liệu các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đòi hỏi các chính sách nhượng bộ để có thể rót lượng vốn đầu tư nước ngoài lớn mà nền kinh tế đang “khát” tiết kiệm Mỹ mong muốn?
Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào việc nước Mỹ có xứng đáng để giữ lại đặc quyền của mình hay không. Đây không phải là một chủ đề mới. Điều mới ở đây chính là cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19, lời phán quyết có thể được đưa ra chỉ trong một thời gian ngắn.
Mỹ đang là quốc gia dẫn đầu xu hướng gia tăng tư tưởng bảo hộ, đảo ngược toàn cầu hóa và tách biệt. Vai trò của đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới đã giảm sút từ mức trên 70% trong năm 2000 còn dưới 60% ở thời điểm hiện tại. Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng là một thất bại “muối mặt” khác của Mỹ. Và lịch sử chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và các vụ bạo lực liên quan đến cảnh sát khiến cho xã hội nước Mỹ luôn sục sôi. Với bối cảnh này, đặc biệt là khi so sánh với các nền kinh tế lớn khác, chúng ta hoàn toàn có lý khi kết luận rằng sự mất cân bằng trong tiết kiệm và tài khoản vãng lại có thể sẽ mang lại những hệ quả nhãn tiền đối với đồng USD và/hoặc lãi suất.
Trong bối cảnh những biện pháp kiềm chế lạm phát có độ trễ nhất định và Fed duy trì quan điểm chính sách tiền tệ ổn định, phần lớn các nhượng bộ sẽ đến từ phía đồng USD hơn là đến từ lãi suất. Do đó, tôi dự đoán sự sụt giảm lên tới 35% của giá USD trong vòng 2-3 năm tới.
Nghe có vẻ thật bất ngờ nhưng sự sụt giảm giá USD lớn như vậy là điều đã có tiền lệ. Tỷ giá hối đoái thực tế của USD đã giảm 33% trong giai đoạn 1970 - 1978, 33% trong giai đoạn 1985 - 1988, và 28% trong giai đoạn 2002-2011. Dịch bệnh Covid-19 có thể bùng phát từ Trung Quốc, nhưng cú sốc tỷ giá thì chắc chắn có nguồn gốc từ nền kinh tế số một thế giới.