Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, có thể có những diễn biến xấu đi khi cả hai quốc gia này đều đã và đang có những động thái cho thấy họ chuẩn bị sẵn sàng đối đầu trên nhiều “mặt trận” khác nhau, theo một chuyên gia phân tích các rủi ro chính trị.
“Khả năng căng thẳng leo thang là rất lớn. Tôi nghĩ, ở thời điểm hiện tại, rõ ràng chúng ta đang tiến vào chương 'đen tối nhất' trong quan hệ song phương Mỹ - Trung”, Todd Mariano, giám đốc chi nhánh tại Mỹ của Eurasia Group, chia sẻ với CNBC.
"Chúng ta đang được chứng kiến những động thái của hai nước trên mặt trận công nghệ và xuất khẩu. Tôi cho rằng điều khiến chúng ta lo lắng ở đây chính là hai quốc gia này thậm chí còn đang chuẩn bị và đối đầu trên nhiều lĩnh vực khác nữa”.
Trong vài năm qua, những bất đồng giữa hai quốc gia thường tập trung vào các chủ đề như sự mất cân bằng cán cân thương mại và cuộc chạy đua công nghệ, điều đã dẫn đến một cuộc chiến thuế quan dai dẳng mang nhiều tính trả đũa lần nhau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Trong vài tháng gần đây, Mỹ và Trung Quốc đã công kích lẫn nhau trên nhiều “mặt trận” hơn, trong đó có những lùm xùm xung quanh nguồn gốc của Covid-19 và quyền tự trị của Hong Kong.
Hong Kong, một trung tâm tài chính, kinh doanh lớn của châu Á, vùng lãnh thổ tự trị thuộc Trung Quốc, sở hữu mối quan hệ thương mại đặc biệt với Mỹ. Nhưng Washington đã bắt đầu gỡ bỏ một số đặc quyền dành cho thành phố này theo luật pháp của Mỹ, khi Bắc Kinh tăng cường quyền kiểm soát lên vùng lãnh thổ này thông qua áp luật an ninh quốc gia.
Hơn nữa, chiến lược Vành đai và Con đường của Trung Quốc, cùng với đó là những căng thẳng leo thang trên Biển Đông cũng góp phần châm ngòi cho những bất đồng với Mỹ, Mariano cho biết.
Chiến lược Vành đai và Con đường của Trung Quốc tập trung rót tiền vào xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tại một loạt quốc gia trên thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng đây là cách Trung Quốc “bành trướng” tầm ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu thông qua các khoản cho vay xây dựng. Trong khi đó, Biển Đông là nơi có nhiều tuyến đường thương mại biển vô cùng quan trọng của thế giới
“Việc phải đối mặt với những tranh chấp trên diện rộng như thế này, tôi cho rằng, thực sự đã làm khó các nhà hoạch định chính sách trong quá trình giải quyết các căng thẳng liên quan”, theo Marinao.
Trump hay Biden?
Các chuyên gia phân tích cảnh báo Tổng thống Donald Trump, đang tranh cử cho nhiệm kỳ thứ 2 của ông tại Nhà Trắng, có thể sẽ gia tăng những chỉ trích cũng như hành động chống lại Trung Quốc nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cử tri Mỹ. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được dự kiến diễn ra trong tháng 11 năm nay.
Nếu Tổng thống Trump dành chiến thắng, góc nhìn của Washington đối với Bắc Kinh sẽ không có gì thay đổi: sẽ có thêm những lời lẽ hăm dọa lẫn nhau, nhiều nguy cơ hơn và thậm chí các hàng rào thuế quan sẽ không ngừng được dựng lên, theo William Reinsch, chuyên gia tư vấn cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế.
Hiện tại, Bắc Kinh có vẻ vẫn mong muốn ông Trump chiến thắng trước ứng cử viên đảng Dân chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden, Reinsch chia sẻ.
“Tôi đã hỏi câu hỏi đó với rất nhiều các doanh nhân Mỹ đang hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc và họ đều đưa ra chung một đáp án. Họ cho rằng phía Trung Quốc mong muốn ông Trump tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo”, Reinsch trả lời câu hỏi về việc ai sẽ là người mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kỳ vọng sẽ trở thành tống thống tiếp theo của Mỹ.
“Họ tin người Trung Quốc nghĩ rằng những thiệt hại Tổng thống Trump gây ra cho các đồng minh phương Tây thậm chí còn lớn hơn những gì mà ông ấy làm đối với họ”, ông nói.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017, cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết” (America First) của ông Trump khiến cho Mỹ dần trở nên xa cách với các đồng minh lâu đời. Ông từng đe dọa sẽ gia tăng các hàng rào thuế quan đối với Liên minh châu Âu (EU), rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran - thỏa thuận được các đồng minh truyền thống của Mỹ hết sức ủng hộ, trong đó bao gồm Anh, Pháp và Đức.
Trong tháng trước, Tổng thống Trump thông qua kế hoạch rút khoảng 9.500 lĩnh Mỹ khỏi Đức. Đây là hệ quả của việc ông Trump tỏ ra không hài lòng khi Đức chậm trễ trong các khoản đóng góp cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Bắc Đại Tây Dương (NATO), tổ chức quân sự liên chính phủ bao gồm 30 quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu.
“Ông ấy đang làm các đồng minh tức giận, đánh mất đi những người bạn thân thiết- điều đó sẽ cho Trung Quốc cơ hội bành trướng tại châu Âu cũng như các khu vực khác trên thế giới, điều họ chưa thể làm được trước đây”, Reinsch nhận định.