GVR đang lên kế hoạch M&A các công ty săm lốp thuộc Vinachem để khép kín chuỗi giá trị sản phẩm cao su.
Hiện Vinachem có 4 đơn vị sản xuất xăm lốp là Casumina, Cao su Đà Nẵng, Cao su Sao Vàng và Inoue Việt Nam.
M&A các công ty săm lốp để khép kín chuỗi giá trị sản phẩm cao su
Trong cuộc họp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE:
GVR) cho biết đang tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, tăng quy mô ngành công nghiệp cao su.
Tập đoàn này sẽ xem xét việc tham gia đầu tư vào các nhà máy sản xuất săm, lốp xe theo hình thức mua bán sáp nhập (M&A) các công ty đã có thương hiệu đang hoạt động tại Việt Nam thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
GVR cho biết các thương hiệu này sẽ giúp khép kín chuỗi giá trị sản phẩm cao su và là nòng cốt để phát triển sản phẩm săm, lốp trong tương lai.
Hiện nay
GVR đang tập trung vào 5 mảng hoạt động chính là trồng và chế biến mủ cao su; chế biến gỗ cao su; sản phẩm công nghiệp cao su; khu công nghiệp đầu tư trên đất cao su; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong mảng cao su thiên nhiên,
GVR đang quản lý hơn 400.000 ha cao su với năng suất bình quân 1,56 tấn/ha trong năm 2019. Tuy nhiên, mảng kinh doanh này đang có chiều hướng đi xuống trong các năm gần đây do giá bán ở mức thấp. Tác động từ dịch Covid-19 càng khiến nhu cầu về cao su trên thị trường giảm sút, sản lượng khai thác giảm, giá gỗ thanh lý thấp…
Do đó, việc mở rộng kinh doanh săm lốp để khép kín chuỗi giá trị sản phẩm cao su có thể đem lại hiệu quả cao hơn. Thực tế, tập đoàn đã bắt đầu xâm nhập mảng này khi đang có liên kết và đặt hàng với Casumina để sản xuất lốp xe thương hiệu
VRG từ năm 2017.
Các công ty săm lốp của Vinachem kinh doanh ra sao?
Vinachem đang là một tập đoàn đa ngành liên quan đến các sản phẩm hóa chất. Với riêng mảng săm lốp, Vinachem là đơn vị lớn trong ngành với 4 đơn vị thành viên đang kinh doanh là Cao su Đà Nẵng (HoSE:
DRC), Cao su Sao Vàng (HoSE:
SRC), Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, HoSE:
CSM) và Công Ty TNHH Cao Su Inoue Việt Nam.
Theo báo cáo năm 2019, các sản phẩm lốp xe đạp bán được 9,4 triệu chiếc, lốp xe máy có 6,48 triệu chiếc và lốp ôtô các loại gần 3,43 triệu chiếc.
Với riêng từng đơn vị, Cao su Đà Nẵng là công ty có quy mô sản xuất nhỉnh hơn với sản lượng săm lốp các loại chiếm khoảng 1/3 toàn tập đoàn. Trong đó săm lốp yếm ôtô là sản phẩm chủ lực khi mang về doanh thu gần 3.450 tỷ đồng năm 2019, chiếm 84% tổng doanh thu.
Báo cáo kết quả kinh doanh bán niên, Cao su Đà Nẵng ghi nhận doanh thu thuần giảm 17% còn 1.592 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế thu về 107 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019 và thực hiện 38% kế hoạch năm.
Theo một báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cho biết hoạt động xuất khẩu đã có cải thiện sau khi bị tác động nặng nề trong quý II bởi Covid-19. Cụ thể, doanh thu xuất khẩu trong tháng 7 và tháng 8 đều ước đạt hơn 6 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân 4,4 triệu USD/tháng trong quý II.
Ngoài ra, việc nhà máy lốp radial toàn thép công suất 600.000 lốp/năm đi vào hoạt động giúp nâng công suất sản phẩm này lên gấp đôi. Nhà máy này sản xuất lốp radial sẽ chính thức hết khấu hao giai đoạn 1 vào cuối năm 2020, BVSC ước tính chi phí khấu hao sẽ giảm khoảng 149 tỷ đồng, mở đường cho doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ hậu khủng hoảng.
Với Casumina và Cao su Sao Vàng, sau giai đoạn khó khăn chung năm 2017-2018, kết quả kinh doanh đã có cải thiện trở lại trong năm 2019 và đầu năm 2020. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế bán niên của Casumina là gần 40 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ và thực hiện 27% kế hoạch năm.
Trong khi đó, Casumina ghi nhận sản lượng săm xe máy là 18,14 triệu chiếc, săm xe đạp 3,73 triệu chiếc, lốp xe máy 3,29 triệu chiếc, lốp xe đạp 2,46 triệu chiếc, lốp ôtô các loại gần 2 triệu chiếc… Đáng chú ý khi Casumina đang có liên kết sản xuất lốp xe thương hiệu
VRG cho Tập đoàn Cao su.
Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế bán niên của Cao su Sao Vàng là hơn 33 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2019 và vượt 58% kế hoạch năm.
Năm ngoái, Cao su Sao Vàng tiêu thụ tổng cộng hơn 15,9 triệu chiếc săm lốp các loại. Trong đó sản lượng tiêu thụ lớn nhất là săm xe máy với 6,77 triệu chiếc, săm xe đạp có 4,27 triệu chiếc, lốp xe đạp 3,24 triệu chiếc, lốp xe máy 1,1 triệu chiếc, lốp ôtô đạt 286.364 chiếc…
Vinachem đang sở hữu bao nhiêu cổ phần?
Đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Ðề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017-2020. Theo đó, tập đoàn này phải thoái vốn cả 3 công ty xăm lốp xuống dưới 51%, định hướng trước mắt là giảm về tỷ lệ 36%.
Tại Cao su Đà Nẵng, Vinachem từng nộp đơn bán đấu giá 17,2 triệu cổ phần với giá khởi điểm 25.170 đồng/cp vào tháng 5/2019. Tuy nhiên, phiên đấu giá này bị hủy bỏ do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia. Vinachem vẫn là công ty mẹ nắm giữ gần 60 triệu cổ phiếu
DRC, tương ứng tỷ lệ 50,51% vốn điều lệ.
Ngược lại tại Cao su Sao Vàng, Vinachem cũng tổ chức bán đấu giá 4,2 triệu cổ phiếu với mức khởi điểm 46.452 đồng/cp và thu hút được 4 nhà đầu tư mua toàn bộ cổ phần. Sau thoái vốn, Vinachem hiện còn nắm giữ 36% vốn điều lệ.
Theo báo cáo thường niên năm 2019, Casumina đang trong quá trình thực hiện chủ trương thoái vốn của Chính phủ Việt Nam xuống mức 36%. Hiện phần vốn Nhà nước tại công ty vẫn là 51%. Đáng chú ý là Đầu tư Sài Gòn
VRG (một đơn vị thành viên thuộc
GVR) đã liên tiếp mua thêm cổ phần
CSM hồi tháng 7/2019 để nâng nắm giữ lên trên 8% vốn điều lệ.
Với Cao Su Inoue Việt Nam, đây là công ty liên doanh giữa Vinachem (chiếm 24% vốn) với các đối tác nước ngoài là Cao su Inoue Nhật Bản và Bridgestone Corporation. Liên doanh sản xuất săm lốp này được đặt tại Vĩnh Phúc, cung cấp cho các hãng xe nổi tiếng như Honda Việt Nam, Yamaha Việt Nam…