Tại nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, cổ phiếu công nghệ luôn được xếp hạng trong nhóm các cổ phiếu chi phối diễn biến giao dịch. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu công nghệ Việt Nam lại khá chìm lấp, thậm chí nhiều mã còn bị giới đầu tư thờ ơ.
Minh chứng rõ nét nhất cho thấy sự phát triển của cổ phiếu công nghệ là danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes có tới gần một nửa trong top 10 là những "ông trùm" ngành công nghệ.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hoá thị trường lớn nhất thế giới, nhóm cổ phiếu công nghệ chiếm tới 6 vị trí dẫn dầu với những cái tên như AAPL (Apple), MSFT(Microsoft), AMZN(Amazon), FB (Facebook), GOOG (Alphabet), BABA(Alibaba).
Bất lợi về số lượng
Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc cách mạng công nghệ. Kể từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp buộc phải tối ưu hoá hiệu suất hoạt động, từ đó mạnh tay chi tiêu cho công nghệ. Điều này khiến doanh thu và hiệu quả của các công ty công nghệ lớn tăng vọt và được nhận định là mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tìm kiếm cổ phiếu sinh lời.
Theo nhận định của hãng nghiên cứu thị trường IDC, giai đoạn hiện nay đang là "thời điểm vàng" của các công ty công nghệ khi tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này đạt từ 18-20%/năm.
Dù vẫn có những "con sóng" tăng giá nhưng không phải cổ phiếu công nghệ nào cũng hái được "quả ngọt".
Tuy nhiên, dù được kỳ vọng là vậy, nhưng trên sàn chứng khoán hiện nay, số lượng cổ phiếu ngành công nghệ còn chiếm thiểu số trên thị trường. Chỉ có một vài cái tên được chú ý, như:
FPT (CTCP
FPT),
CMG (CTCP Tập đoàn Công nghệ
CMC),
ABC (CTCP Truyền thông
VMG),
YEG (CTCP Tập đoàn Yeah1),
ADG (CTCP Clever Group),
ICT (CTCP Viễn thông - Tin học Bưu điện, CTIN),
MFS (CTCP Dịch vụ kỹ thuật Mobifone).
Trong số này, cổ phiếu
FPT đang nhận được sự quan tâm lớn nhất của thị trường và giới đầu tư. Hiện, cổ phiếu
FPT đang có mức giá 66.900 đồng/cp, tăng trưởng hơn 90% so với mức đáy hồi cuối tháng 3/2020 (tính theo giá điều chỉnh). Khối lượng giao dịch trung bình tăng hơn 50% so với cuối năm 2019.
Cũng là một trong những cổ phiếu công nghệ có mức vốn hoá lớn của ngành, cổ phiếu
CMG hiện đang giao dịch tại vùng giá 37.000 đồng/cp, ghi nhận mức tăng trưởng gần 68% so với đáy tháng 3/2020.
Một cái tên khác cũng khá gây chú ý trong thời gian gần đây là
ADG khi được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng. Chính thức lên sàn UPCoM từ cuối năm 2019, với mức giá tham chiếu là 55.000 đồng/cp nhưng mã này đến nay đang giao dịch quanh vùng giá 65.000 đồng/cp.
Dự kiến
ADG sẽ niêm yết trên HoSE vào ngày 19/2 tới với số lượng trên 18 triệu cổ phiếu. Với mệnh giá 10.000 đồng/cp, vốn điều lệ của Clever Group trên HoSe vào khoảng 180 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có một số cổ phiếu có mức giá niêm yết thấp như
ELC (CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông),
SGT (CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn),
TST (CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Viễn thông), ở vùng 10.000 đồng/cp. Thậm chí, cổ phiếu
ONE (CTCP Truyền thông số 1) chỉ ở mức 5.600 đồng/cp.
E dè về chất lượng
Trong khi cổ phiếu công nghệ Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, thì cổ phiếu công nghệ của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Apple, Tesla, Google... đều đã tăng giá phi mã trong năm 2020.
Nhìn vào diễn biến của những cổ phiếu công nghệ Việt nói trên cho thấy, dù cũng vẫn có những "con sóng" tăng giá nhưng không phải công ty nào trong ngành cũng gặt hái được "quả ngọt". Vẫn còn nhiều mã cổ phiếu đứng bên lề xu thế, chịu cảnh thờ ơ của dòng tiền.
Sự so sánh này có thể được xem là khá khập khiễng vì quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá nhỏ so với thế giới, nhưng cũng cho thấy một mặt cắt phản ánh tốc độ phát triển thực sự của các doanh nghiệp công nghệ trong nước.
Trên thị trường chứng khoán hiện nay, ngoại trừ
FPT có mức thanh khoản lên đến hàng triệu đơn vị mỗi phiên thì những cổ phiếu công nghệ còn lại đều có mức thanh khoản trung bình khoảng vài trăm nghìn đơn vị. Nguyên nhân một phần được cho là đa số các cổ phiếu này đều đang giao dịch trên sàn UPCoM khiến các nhà đầu tư thận trọng.
Ngoài ra, hiệu quả kinh doanh, nội lực và sự nhạy bén với thời cuộc của mỗi doanh nghiệp đều chưa được đánh giá cao.
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc khối phân tích Công ty chứng khoán VNDirect: “Các nhà đầu tư chưa nhìn nhận cổ phiếu công nghệ đang niêm yết ở Việt Nam thật sự là doanh nghiệp công nghệ”.
Bên cạnh việc lực lượng mỏng trên sàn chứng khoán, một trong những tiêu chí mà nhà đầu tư nhìn vào là các bằng sáng chế về công nghệ - điểm còn hạn chế của các công ty đang niêm yết. Đó là một trong những lý khiến nhà đầu tư đưa ra mức định giá thấp cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Ngoài ra, trong phát biểu cách đây không lâu, một chuyên gia đến từ Công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng, sự thiếu hấp dẫn của các công ty công nghệ nằm ở chỗ các tài sản công nghệ của họ không có giá trị cao, trong khi khẩu vị đầu tư trên sàn chứng khoán đang nghiêng về những công ty bền vững có quy mô tài sản lớn.
Đồng thời, việc gia tăng số lượng các cổ phiếu công nghệ cũng đang là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp khi môi trường pháp lý còn nhiều cản trở. Còn nhớ, cách đây 5 năm, các cơ quan chức năng đã cân nhắc về việc thành lập một sàn giao dịch chứng khoán chỉ dành cho các công ty khởi nghiệp công nghệ, nhưng kế hoạch này chưa thể triển khai theo Luật chứng khoán mới, bởi còn quá nhiều những lo ngại rủi ro.