Chuyên gia từ Dragon Capital cho rằng năm 2021 nền kinh tế, thị trường chứng khoán nhận được nhiều động lực hỗ trợ, theo đó đánh giá thị trường còn rất hấp dẫn đề đầu tư.
Ông Lê Anh Tuấn, GĐ Nghiên cứu Dragon Capital.
GDP NĂM 2020 TĂNG 7%
Quan điểm vừa được chuyên gia Dragon Capital đưa ra trong phần chia sẻ với các nhà đầu tư chủ đề triển vọng đầu tư 2021 diễn ra sáng 27/1.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu, Dragon Capital dẫn lại, kinh tế Việt Nam 2020 ghi nhận tăng trưởng thuộc top 3 thế giới. Dù dịch bệnh nhưng nguồn vốn FDI giải ngân chỉ giảm ít; tăng trưởng xuất khẩu đứng đầu châu Á, tiền đồng giữ giá…
Chuyên gia này nhận định động lực kinh tế Việt Nam trong các năm qua dựa phần lớn kinh tế vĩ mô ổn định. Đặc biệt là tăng trưởng tầng lớp trung lưu, là nhân tố quan trọng trong 5 năm qua.
Đề cập tới động lực tăng trưởng kinh tế 2021, chuyên gia của Dragon Capital cho rằng, nếu xét giai đoạn 2018-2019 lãi suất tiền gửi ngân hàng còn cao, do đó lãi suất cho vay cao so với khu vực. Khi lãi suất cao với khu vực làm cho giá tiền đồng đắt, tài sản khó tăng giá. Tuy nhiên lãi suất hạ tương đối nhiều trong quý 3,4/2020 là động lực tăng trưởng cho năm 2021.
Về yếu tố lạm phát, tăng trưởng cung tiền cho 2020 vẫn thấp so với 2019. Việt Nam là một trong số quốc gia lãi suất thực dương, điều mà ít nước trên thế giới theo đuổi. Lạm phát 2020 là 3,2%, phần lớn diễn ra do lạm phát lương thực thẩm phẩm mà chủ yếu do giá thịt heo. Nếu không có lương thực thậm phẩm trong rổ tính thì lạm phát năm rồi là âm. Giá thịt heo gần đây đã hạ, theo đó chuyên gia này cho rằng lạm phát 2021 sẽ ở mức thấp, không quá cao, tầm 3-3,5%.
Đặc biệt, chuyên gia Dragon Capital nhận định năm 2021 sẽ là năm đầu tiên VNĐ sẽ tăng giá so với USD. Điều mà trong 25 năm qua chưa ai dự báo. Việc VNĐ tăng giá so với USD sẽ giảm bớt áp lực lạm phát trong năm nay.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiều đường cao tốc Bắc Nam, metro, đường vành đai… được triển khai, sẽ là bước đệm quan trọng để giải tỏa nút thắt cổ chai cho nền kinh tế, tạo động lực quan trọng cho 5 năm tới. Chuyên gia Dragon Capital đánh giá đây sẽ là giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử.
Về bài toán nguồn tiền để triển khai, ông Tuấn cho rằng tổng nợ công hiện thấp so với mặt bằng chung của thế giới, 54% GDP. Trong khi quốc hội cho tới 65%, còn dư địa 11% để có thể vay thêm. Thâm hụt ngân sách cũng không cao, lãi suất trái phiếu hiện thấp. Do đó, chuyên gia này cho rằng Chính phủ có thể vay thêm tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Một động lực mà theo phía Dreagon Capital cho rằng thời gian qua dù có đề cập nhưng chưa đánh giá đúng, đó là tầng lớp trung lưu tăng trưởng. Năm 2012, Việt Nam chỉ có 8 triệu người trong tầng lớp trung lưu, năm 2020 tăng lên mức 32 triệu người và theo tính toán của quỹ thì tới 2030 sẽ đạt khoảng 67 triệu người ở tầng lớp này. Con số này tương đương dân số Thái Lan.
Cùng giai đoạn 2012, tổng chi tiêu là 46 tỷ USD và hiện lên 260 tỷ USD. Nếu các thành phố tiếp tục tăng trưởng với dân số du nhập vào tăng cao, tạo động lực tăng trưởng. Thu nhập bình quân theo dữ liệu là 2.700 USD/người, số liệu mới nhất là 3.600 USD/người. Nhưng nếu lấy dữ liệu của 1.500 doanh nghiệp niêm yết trên sàn, thì tiền lương/thu nhập sẽ khoảng 6.000-7.000 USD/người. Theo đó, ông Tuấn cho rằng con số 3.600 USD vẫn còn thấp.
“Sức mua cộng với tăng trưởng tầng lớp trung lưu sẽ tạo động lực không chỉ thị trường chứng khoán mà cả bất động sản trong 5-10 năm tới là kênh nên đầu tư vào”, ông Tuấn đánh giá.
Ông Tuấn lấy dẫn chứng, ở thị trường Trung Quốc hay Thái Lan, khi mà giai đoạn tăng trưởng mạnh về tầng lớp trung lưu với thu nhập ở mức 6.000-7.000 USD/người thì xuất hiện sự bùng nổ về đầu tư cơ sở hạ tầng, bùng nổ về thị trường vốn, thị trường bất động sản.
Đặt vấn đề rủi ro tiềm ẩn, ông Tuấn cho rằng là có. Đặc biệt Việt Nam gặp vấn đề về thuế quan, tuy nhiên vị này cho rằng Việt Nam có kinh nghiệm ứng xử với các tình huống nên đây là rủi ro có thể kiểm soát được.
Về rủi ro lạm phát, nếu lạm phát không ở mức 3-4% thì bức tranh tươi sáng như trên sẽ chậm 1-2 năm. Tuy nhiên vị này đánh giá rủi ro này thấp.
Ông Tuấn cũng đề cập tới vắc xin và cho rằng Việt Nam có thể mở cửa từ quý 3/2021 và cho rằng đây là rủi ro không lớn.
“Năm 2021 chúng tôi dự báo GDP tăng trưởng ở mức 7%. Xuất khẩu vẫn giống năm trước, nhập khẩu tăng tương đối vì kinh tế trong nước phục hồi tốt nên cần nhập khẩu nhiều hơn. Lạm phát sẽ ở vùng 3-3,5%. Tiền đồng tăng giá trong 2021”, Giám đốc nghiên cứu Dragon Capital nhận định.
SẼ CÓ SỰ DỊCH CHUYỂN VỐN NHẤT ĐỊNH VÀO THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Đề cập tới thị trường chứng khoán, câu hỏi đặt ra là sau khi thị trường tăng trưởng một mạch từ đấy thì có đang ở giai đoạn đắt quá hay không, mua vào cổ phiếu có bị thiệt hại hay không?
Chuyên gia này cho rằng, điều quan trọng trong đầu tư không phải đoán đỉnh hay đáy, điều này là khó. Qua trọng là hiểu chu kỳ dài, khi chu kỳ dài sáng, dù không biết ngắn hạn thế nào thì cách đầu tư tốt nhất là đầu tư bình quân.
“Nếu đầu tư vào ngay đỉnh thị trường vào tháng 3/2007 và mất 14 năm sau mới về lại đỉnh, bạn cứ đầu tư 10 triệu đồng/tháng thì sau 14 năm tài sản các bạn có 4 tỷ đồng, tài sản tăng hơn 3 lần. Hiệu suất đầu tư là 11,5%, cao hơn tiền gửi ngân hàng khá nhiều. Thậm chí mua ngay đỉnh thị trường giảm 80%, nếu giữ dài hạn thì hiệu suất đầu tư vẫn tốt hơn lãi suất ngân hàng”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Nói về động lực thị trường thời gian tới, ông Tuấn đánh giá thị trường chứng khoán Việt còn hấp dẫn. Mức tăng trưởng năm 2021 dự đoán khoảng 26%, cao nhất trong 3-4 năm qua, gần bằng 2017. Dù PE thị trường đang ở 18 lần chuyên gia Dragon Cap cho rằng vẫn cảm thấy thị trường vẫn còn rất tốt để tham gia đầu tư.
Động lực ngắn hạn đến từ dòng tiền giá rẻ sẽ được đổ vào chứng khoán. Lãi suất ở vùng 18-19% ở giai đoạn 2011 đã giảm liên tục tới trước 2021. Nhưng có thể thấy mức giảm chưa mạnh trước thời điểm quý 2,3/2020. Từ quý 3,4/2020 lãi suất giảm mạnh, dẫn tới lãi suất tiền gửi giảm mạnh theo, xuống vùng 3-5% với kỳ hạn gửi dưới 6 tháng.
“Trong lượng tiền gửi ở ngân hàng khoảng 320 tỷ USD thì có khoảng 80% nằm ở kỳ gửi ngắn hạn, nên không ngạc nhiên dù Covid-19 nhưng số lượng tài khoản chứng khoán trong quý 3,4/2020 tăng trưởng 108% so với năm trước”, Giám đốc nghiên cứu Dragon Cap lý giải về việc dòng tiền chảy từ kênh tiết kiệm qua chứng khoán. Ông Tuấn nhấn mạnh có nhiều mã chứng khoán nếu đầu tư và nhận cổ tức cũng hấp dẫn.
Trong khi đó động lực dài hạn tầm 3-4 năm tới là việc nâng hạng thị trường. Điều này tạo lực hút dòng vốn ngoại. Bên cạnh đó là sự đa dạng hóa tầng lớp đầu tư trong đó có tầng lớp trung lưu.
Trả lời câu hỏi lượng tài khoản mở mới tăng mạnh thời gian qua đã ở mức “nóng” chưa, ông Tuấn nêu, Đài Loàn vào năm 1988 tài khoản khoảng 1% dân số. Hiện Trung Quốc, Thái Lan có tỷ lệ tài khoản là 6-7% dân số. Việt Nam hiện tỷ lệ dân số có tài khoản chứng khoán chỉ ở mức 0,6 - 0,7%. Theo đó, chuyên gia nhận định sẽ có sự dịch chuyển vốn nhất định vào thị trường…