Cả 4 nghị định đều có hiệu lực từ 1/1/2021 nhằm hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán 2019.
Ngày 31/12, Chính phủ vừa ban hành 4 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Bốn Nghị định bao gồm Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.
Trước đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng 5 nghị định và 11 thông tư. 5 Nghị định gồm nghị định chung, phái sinh, quản trị công ty, trái phiếu và thanh tra giám sát. Như vậy, so với kế hoạch thì còn thiếu nghị định về quản trị công ty.
Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán đưa ra các tiêu chí xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần; Điều kiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng để chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần; Trình tự, thủ tục chào bán cổ phiếu riêng lẻ...
Trong khi đó, Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đưa ra mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân; Chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa đủ điều kiện bị phạt tới 600 triệu đồng...
Nghị định Về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh quy định tổ chức, cá nhân được tự do đầu tư vào các chứng khoán phái sinh trên thị trường chứng khoán phái sinh, trừ các trường hợp đầu tư có điều kiện cụ thể. Nghị định cũng quy định điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh đối với công ty chứng khoán như công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 800 tỷ đồng trở lên; Không có lỗ trong 2 năm gần nhất...
Cuối cùng, Nghị định Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế đưa ra điều kiện cụ thể điều kiện chào bán trái phiếu. Trong đó, đối tượng mua trái phiếu phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nếu muốn phát hành trái phiếu nhiều đợt, doanh nghiệp phải có thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên...
Cả 4 Nghị định trên đều có hiệu lực từ 1/1/2021.