CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) là doanh nghiệp sản xuất phân bón với sản phẩm chủ lực là phân Urea và phân NPK. Hưởng lợi từ việc giá phân bón tăng mạnh trong thời gian qua, Agriseco Research đánh giá KQKD của DCM sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong Q4/2021 và duy trì tích cực cho tới nửa đầu năm 2022. Agriseco kính gửi tới Quý khách một số luận điểm đầu tư sau:
❖ Cập nhật KQKD Q3/2021: Quý 3
DCM ghi nhận doanh thu và LNTT đạt 1.897 tỷ đồng (-8,8% yoy) và 393 tỷ đồng (+257% yoy). Lũy kế 9 tháng 2021, doanh thu đạt 6.333 tỷ đồng (+16,4% yoy) và LNTT đạt 860,1 tỷ đồng (+84% yoy), qua đó vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau 3 quý. KQKD ghi nhận tích cực bởi giá các loại phân bón đã tăng mạnh kể từ đầu năm, xu hướng này được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân bón trên toàn cầu và các chính sách hạn chế xuất khẩu của các quốc gia như Trung Quốc, Nga.
❖ Giá phân bón tăng mạnh: Đà tăng giá phân bón được duy trì từ đầu năm 2021 đặc biệt tăng mạnh kể từ khi Nga, Trung Quốc thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu. Giá Urea thế giới trung bình trong Q4/2021 đã tăng hơn 150% (yoy) và tăng 50% (qoq). Từ đó, Agriseco đánh giá KQKD Q4/2021 của
DCM sẽ có mức tăng trưởng rất ấn tượng ngay cả khi nhà máy Ure Cà Mau có lịch bảo trì trong quý 4 này. Và ngay khi quá trình bảo dưỡng nhà máy hoàn thành,
DCM đã tăng tải nhà máy lên 112% công suất để đáp ứng được nhu cầu phân bón cho vụ Đông Xuân
❖ Vận hành nhà máy phân bón NPK từ Q3/2021: Nhà máy phân bón NPK với công suất 300.000 tấn/năm bắt đầu sản xuất thử nghiệm từ T4/2021 và được đưa vào vận hành chính thức từ Q3/2021, Agriseco cho rằng công suất trong năm 2021 sẽ chỉ đạt từ 25-30% và kỳ vọng trong năm 2022 nhà máy có thể vận hành với hiệu suất cao hơn nhiều.
❖ Hiệu quả hoạt động được cải thiện đáng kể: Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp trong 9T và Q3/2021 đã cải thiện lên mức 23% và 32%, tăng so với chỉ 16,5% trong 9T/2020. Hiện nay lợi nhuận của
DCM chưa được phản ánh đầy đủ do doanh nghiệp sử dụng chính sách khấu hao nhanh đối với nhà máy Đạm Cà Mau, chi phí khấu hao lên tới 1.300 tỷ đồng/năm trong khi đối với DPM chỉ là 500 tỷ đồng/năm. Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ hết khấu hao trong năm 2023 và kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ được phản ánh chính xác hơn kể từ năm 2024.
KHUYẾN NGHỊ
Agriseco Research đánh giá
DCM sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng và vững chắc trong Q4/2021 và các quý đầu năm 2022 khi đà tăng giá phân bón tiếp tục hỗ trợ. Với dự báo LNST Q4/2021 tăng trưởng có thể đạt 300% yoy và tiếp tục duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2022, Agriseco khuyến nghị mua với giá mục tiêu 46.600 đồng/cp (upside 22,6%) trong 3 tháng tới, tỷ lệ cut loss 10%.
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Quan sát trên đồ thị ngày,
DCM sau nhịp giảm giá về vùng Kijun đã phục hồi và hiện đang giao dịch tích luỹ quanh đường MA20 theo xu hướng lên. Agriseco cho rằng đường MA20 sẽ là hỗ trợ ngắn hạn của cổ phiếu. Chỉ báo động lượng RSI đang giao dịch ở vùng 60 điểm, kết hợp với chỉ báo MACD có xu hướng cắt lên, là dấu hiệu tốt cho thấy tâm lý nhà đầu tư tương đối tích cực và củng cố đà tăng giá của cổ phiếu. Bên cạnh đó, đồ thị giá đi tương đối sát với các vùng hỗ trợ/kháng cự của Fibonacci, do đó, giá mục tiêu của
DCM sẽ ở quanh vùng 47.500 đồng/cp (tương ứng chạm mốc Fibonacci 261,8%), cắt lỗ nếu giá xuống dưới vùng 35.500đ/cp (tương ứng mất mốc Fibonacci 161,8%).