Sau khi giữ im lặng trong hơn 1 tuần trước tình trạng của “bom nợ” Evergrande, cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P Global Ratings chính thức tuyên bố nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã vỡ nợ, theo Reuters.
S&P tuyên bố: “Chúng tôi đánh giá rằng tập đoàn China Evergrande và cánh tay tài chính tại nước ngoài của họ là Tianji Holding đã không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính với những khoản nợ bằng đồng USD của mình”.
Đồng thời, cơ quan này đã hạ bậc xếp hạng của Evergrande xuống mức "vỡ nợ có chọn lọc" - thuật ngữ mà các công ty xếp hạng sử dụng để mô tả tình trạng bỏ lỡ thanh toán một hoặc một vài trong số các khoản nợ trái phiếu.
Evergrande bị S&P xếp hạng “vỡ nợ có chọn lọc” do không thực hiện thanh toán lãi trái phiếu đúng hạn cho khoản nợ lãi trị giá 82,5 triệu USD được ân hạn đến ngày 6/12 vừa qua.
Được biết, sau khi S&P tuyên bố lập trường của mình và hạ xếp hạng, phía Evergrande đã yêu cầu cơ quan này rút lại đánh giá xếp hạng. Tuy nhiên, S&P cho biết cơ quan sẽ giữ nguyên xếp hạng này do “Evergrande, Tianji hay những người được uỷ thác đã không đưa ra bất kỳ thông báo nào với chúng tôi về tình trạng của các khoản thanh toán lãi trái phiếu”.
Động thái của cơ quan xếp hạng toàn cầu S&P được đưa ra sau hơn 1 tuần giữ im lặng về tình trạng của nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc. Trước đó, chỉ có Fitch Ratings hạ xếp hạng Evergrande xuống mức “vỡ nợ giới hạn” sau khi “bom nợ” để lỡ khoản thanh toán trái phiếu ngày 6/12.
Đáng chú ý, mặc dù Evergrande không thể trả được nợ lãi trái phiếu, các cơ quan xếp hạng thế giới giữ vẫn im lặng, khiến nhiều nhà đầu tư vô cùng băn khoăn về tình trạng thực tế của tập đoàn này, theo CNBC.
Bà Alicia Garcia-Herrero, kinh tế trưởng của Natixis khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Chúng ta nên gọi đây là một vụ vỡ nợ kỹ thuật từ lâu rồi, nhưng không ai lên tiếng”.
Bà nói: “Trung Quốc không nói rõ vì họ không có áp lực phải nói rõ. Các cơ quan xếp hạng nên thể hiện vai trò của mình trong lúc này. Không ai muốn gắn nhãn “vỡ nợ” cho Evergrande vì họ không muốn phải gánh chịu hậu quả”, đồng thời cho biết việc không gắn nhãn “vỡ nợ” chính thức cho Evergrande cho phép công ty tái cơ cấu nợ với chi phí thấp hơn.
Về phía Evergrande, tập đoàn với khoản nợ khổng lồ 300 tỷ USD cũng không đưa ra bất kỳ thông báo nào về tình hình tài chính hay thông báo vỡ nợ, thay vào đó chỉ tuyên bố đang cố gắng hết sức phối hợp với các cơ quan nhà nước để chuẩn bị tái cơ cấu.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc Evergrande và phía Trung Quốc “kín miệng” về tình trạng tập đoàn là điều trong dự kiến, bởi các nhà cầm quyền Bắc Kinh không muốn gây ra tình trạng xáo trộn bởi một thông báo chính thức về tập đoàn, đồng thời âm thầm hỗ trợ tái cơ cấu nợ cho tập đoàn bằng cách để các công ty nhà nước và chính quyền địa phương mua lại một số công ty con hoặc phần tài sản của Evergrande.