Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines đã lỗ tới 7.619 tỷ đồng, chiếm tới 96,2% tổng số lỗ của nhóm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý liên quan đến kết quả giám sát đối với nhóm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trong văn bản tổng hợp mà Bộ Tài chính vừa công bố.
Như BizLIVE đã đề cập, theo báo cáo này, tính đến thời điểm 25/10/2021, Bộ Tài Chính vẫn chưa nhận và nhận được chưa đầy đủ báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2021 của khá nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trong đó có 06/20 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 10/63 UBND tỉnh/thành phố.
Dựa trên kết quả báo cáo, Bộ Tài chính đã tổng hợp số liệu của 140 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trên cả nước và 36 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
LỢI NHUẬN LỚN CHỦ YẾU TỚI TỪ NHÓM NGÂN HÀNG
Đối với khối DNNN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 50%), tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 của nhóm này là 243.424 tỷ đồng.
Trong đó, tổng doanh thu của các đơn vị do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm đại diện chủ sở hữu là 151.024 tỷ đồng (tăng 4,6% so với 6 tháng năm 2020), chiếm tới 62% tổng doanh thu các doanh nghiệp này.
Kế đến, tổng doanh thu của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) làm đại diện chủ sở hữu là 76.957 tỷ đồng (giảm 2,5% so với 6 tháng đầu năm 2020), chiếm 31,6% tổng doanh thu của nhóm.
Trong nhóm doanh nghiệp có doanh thu lớn, ngoài các ngân hàng TMCP như: Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) là 56.858 tỷ đồng (tăng 38% so với 6 tháng đầu năm 2020), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) là 49.596 tỷ đồng (giảm 12% so với 6 tháng đầu năm 2020) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 44.570 tỷ đồng (giảm 5% so với 6 tháng đầu năm 2020) còn có sự xuất hiện của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với 55.027 tỷ đồng (tăng 20% so với 6 tháng đầu năm 2020).
Trong kỳ, có 31 đơn vị kinh doanh có lãi với tổng lợi nhuận sau thuế (LNST) 6 tháng đầu năm 2021 của các doanh nghiệp là 34.457 tỷ đồng.
Trong đó, tổng LNST 6 tháng đầu năm 2021 của các đơn vị do NHNN làm đại diện chủ sở hữu là 25.383 tỷ đồng (tăng 37% so với 6 tháng đầu năm 2020, chiếm 73,6% tổng LNST); Tổng LNST của các doanh nghiệp do UBQLV làm đại diện chủ sở hữu là 2.998 tỷ đồng (tăng 61% so với 6 tháng đầu năm 2020, chiếm 8,7% tổng LNST).
Ngoài các ngân hàng TMCP có lợi nhuận cao như: Vietcombank là 10.419 tỷ đồng (tăng 18% so với 6 tháng đầu năm 2020), VietinBank là 8.783 tỷ đồng (tăng 46% so với 6 tháng đầu năm 2020), BIDV là 6.086 tỷ đồng (tăng 70% so với 6 tháng đầu năm 2020), một doanh nghiệp có LNST cao được báo cáo đề cập là Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) với 5.125 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng lợi nhuận của VEAM trong báo cáo còn khuyết, do 6 tháng đầu năm 2020 Bộ Công Thương không gửi báo cáo giám sát tài chính của đơn vị này. Vì vậy, Bộ Tài chính đã không có số liệu để so sánh.
5 DOANH NGHIỆP LỖ 7.655 TỶ ĐỒNG
Ở thái cực khác, trong giai đoạn có 05 doanh nghiệp kinh doanh lỗ bao gồm: Tổng công ty Cơ khí xây dựng; Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Đại học Giao thông vận tải; Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam VSVT; Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA); Tổng công ty Lương thực miền Nam.
Tổng số lỗ các doanh nghiệp này là 7.655 tỷ đồng. Trong đó, riêng VNA đã lỗ 7.619 tỷ đồng, chiếm tới trên 96% số lỗ của nhóm. Nguyên nhân chính được đề cập là do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 tới ngành hàng không (khiến mức lỗ của VNA tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2020).
Ngoài ra, tổng số phát sinh phải nộp ngân sách trong giai đoạn của nhóm này là 12.774 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp có số phát sinh phải nộp NSNN lớn là: Petrolimex với 2.222 tỷ đồng (giảm 16% so với 6 tháng đầu năm 2020).
Một số ngân hàng TMCP có số phát sinh phải nộp NSNN cao là: Vietcombank với 4.636 tỷ đồng (tăng 23% so với 6 tháng đầu năm 2020), VietinBank với 2.025 tỷ đồng (tăng 53% so với 6 tháng đầu năm 2020).
Ở khối doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối do địa phương quản lý, 137 doanh nghiệp trong nhóm có tổng doanh thu là 17.916 tỷ đồng, tổng LNST là 1.446 tỷ đồng, số phát sinh phải nộp ngân sách là 3.774 tỷ đồng.
Trong đó, một số doanh nghiệp có doanh thu lớn là: CTCP Thương mại dầu khí Đồng Tháp với 4.931 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Bình Dương) là 2.833 tỷ đồng; CTCP Điện nước An Giang là 1.027 tỷ đồng.
Trong số các doanh nghiệp được chủ sở hữu báo cáo có: 110 doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Bênh cạnh đó, có 24 doanh nghiệp kinh doanh lỗ với tổng số lỗ là 44,3 tỷ đông. Ngoài ra, còn có 03 doanh nghiệp không có báo cáo lãi/lỗ.