Lãnh đạo công ty khẳng định, hiện tại SJF không có bất cứ biến cố nào tiêu cực để có thể làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu theo hướng đi xuống.
Thông tin vừa được Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (mã chứng khoán
SJF) chia sẻ trong thông cáo báo chí về tình hình cổ phiếu và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong bối cảnh giá cổ phiếu doanh nghiệp tăng trần 12 phiên và sau đó giảm sàn liên tiếp 9 phiên.
Phía công ty cho biết, cổ đông liên lạc với công ty hỏi hoạt động kinh doanh có sự kiện gì bất thường hay không.
Chủ tịch HĐQT Sao Thái Dương Nguyễn Trí Thiện cho rằng, lý do của sự biến động mạnh của cổ phiếu có thể là do dòng tiền của các nhà đầu tư đã vừa đầu tư và đầu cơ theo tin tức về việc
SJF có thể sẽ cung cấp sản phẩm sàn container bằng tre cho Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG).
Về thông tin này, lãnh đạo
SJF thông tin, công ty đã làm việc với HPG từ 1 năm trước để phát triển sản phẩm sàn container bằng tre.
SJF đã cung cấp sản phẩm mẫu lần 1 cho Hòa Phát, tuy nhiên mẫu này chưa đạt. Lý do chưa đạt vì
SJF đã sử dụng công nghệ ép khối, là công nghệ công ty đang làm để tận dụng các máy móc thiết bị có sẵn.
Tuy nhiên lần 2,
SJF đã mua máy làm nguyên liệu mới để làm mẫu dạng composite đúng theo phướng pháp của Trung Quốc đang làm. Phương pháp này giúp cho sản phẩm chịu lực tốt nhưng lại làm cho quy trình sản xuất phức tạp hơn, đây là lý do lần 1 công ty chưa muốn thử nghiệm.
“Mẫu 2 đã được Tập đoàn Hòa Phát gửi đi test theo tiêu chuẩn quốc tế và dự kiến sẽ có kết quả khoảng giữa tháng 12 này. Chúng tôi tin tưởng lần test này sẽ đạt vì phương pháp sản xuất đã giống 90% so với phương pháp đang được thực hiện ở Trung Quốc. Nếu thành công, chúng tôi sẽ làm việc với Tập đoàn Hòa Phát về công suất sản xuất và thời điểm giao hàng. Nếu chưa thành công
SJF sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm mẫu và cung cấp mẫu lần 3”, Chủ tịch Sao Thái Dương cho biết.
Chủ tịch SJF lên tiếng trước quan ngại của cổ đông về hoạt động bất thường của doanh nghiệp khiến giá cổ phiếu điều chỉnh giảm liên tiếp.
Lãnh đạo
SJF cũng chia sẻ, công ty đã có lịch sử nghiên cứu phát triển thành công các sản phẩm trong quá khứ. Cụ thể, công ty đã mất 5 năm để nghiên cứu phát triển thành công sản phẩm tấm lót đường tre với đối tác Crocodile Products của Canada. Sản phẩm này đã đi vào sản xuất hàng loạt từ 2020 với đơn đặt hàng cả năm theo công suất của nhà máy. Hiện trên thế giới chỉ duy nhất có Công ty BWG Mai Châu của
SJF sản xuất sản phẩm này để thay thế sản phẩm từ gỗ cứng tự nhiên, nhựa và sắt.
Gần đây nhất, sản phẩm ván sàn xe tải tre cũng chính thức thành công khi được khách hàng bắt đầu đặt hàng ổn định từ tháng 10/2021. Sản phẩm này công ty đã mất 3 năm nghiên cứu phát triển và thử nghiệm trên đường cùng đối tác Hàn Quốc. Đây là công ty chuyên cung cấp sản phẩm sàn xe tải cho hai tập đoàn xe tải lớn nhất Hàn Quốc là Hyundai và Daiwoo.
Về hướng hợp tác với Hòa Phát, Chủ tịch
SJF khẳng định không mong muốn Hòa Phát đầu tư trực tiếp hay M&A nhà máy vì công ty muốn có khách hàng đa dạng, công ty cũng đang phát triển tốt mà không phải phụ thuộc vào bất cứ một khách hàng lớn nào.
SJF định hướng trở thành nhà sản xuất “thép xanh” hàng đầu thế giới trong 2-3 năm tới với vùng nguyên liệu lớn nhất thế giới mà không phải phụ thuộc vào bất cứ một đối tác cụ thể nào.
“Chúng tôi hoàn toàn có thể trở thành tập đoàn hàng đầu trên thế giới sản xuất các sản phẩm tre công nghiệp mà không cần đến việc sản xuất sản phẩm sàn container. Vì với những sản phẩm tre công nghiệp mà công ty đang nghiên cứu phát triển thành công trong vòng 5 năm qua đã đủ để có thể xây dựng những nhà máy lớn tự động hóa cao với doanh thu nhiều tỷ đô”, Chủ tịch
SJF đề cập.
Lãnh đạo công ty khẳng định, hiện tại
SJF không có bất cứ biến cố nào tiêu cực để có thể làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu theo hướng đi xuống. Các đơn hàng trước kia dừng vì chi phí cận chuyển quá cao do đại dịch COVID-19 đang quay lại. Gần đây, công ty làm việc với một tập đoàn lớn của Nhật chuyên cung cấp sàn xe tải cho các hãng xe tải lớn của Nhật. Đối tác đã thăm quan nhà máy và đang tiến hành đặt đơn hàng mẫu đầu tiên để tiến đến đặt hàng dài hạn từ quý 1/2022. Trước đây đối tác đặt hàng sản phẩm này từ Trung Quốc với số lượng lớn và họ mong muốn chuyển hết sang Việt Nam nếu có thể. Sản phẩm này là dòng ép thanh, quen thuộc với
SJF nên sẽ không vấn đề gì trong việc đảm bảo các tiêu chí của khách hàng.
“Chỉ với khách hàng hiện tại và 2 đối tác của Hàn Quốc, Nhật Bản thì
SJF đang phải lên kế hoạch tái cấu trúc và tăng công suất sản xuất của nhà máy hiện tại gấp 5 lần. Việc này công ty đang thực hiện thủ tục pháp lý đồng thời cũng đang thực hiện xây dựng thêm các hạng mục để nâng công suất nhà máy. Dự kiến hết quý 1/2022 sẽ hoàn thành, công suất cũng như doanh thu của nhà máy tăng đáng kể từ cuối quý 1/2022”, Chủ tịch
SJF thông tin.
Lãnh đạo Sao Thái Dương cũng cho biết, công ty đang có nhiều dự án với sản phẩm mới đã nghiên cứu từ nhiều năm, hiện nay đã test thành công cùng đối tác của châu Âu. Do dịch bệnh các đối tác không sang Việt Nam khảo sát nên các dự án bị chậm lại. Hiện công ty đang hoàn tất những khâu cuối cùng để ký kết và tiến hành giai đoạn xây dựng nhà máy trong 2022. Dự kiến mỗi nhà máy cho doanh thu 5.000 tỷ/năm và hoàn toàn tự động hóa với công nghệ của Ý, là đối tác góp vốn. Công ty đã làm việc với địa phương để đặt nhà máy tại huyện Quan hóa, tỉnh Thanh Hóa. Công ty sẽ công bố dự án này vào đầu năm tới, đây là dự án quan trọng nhất của công ty trong năm 2022.
Ngoài ra,
SJF cũng vừa được tỉnh Hòa Bình cấp phép đầu tư Khu du lịch sinh thái và tâm kinh tại Thung Khe, Tân Lạc. Đây là điểm dừng chân của các đoàn khách du lịch đi Tây Bắc, là điểm khởi đầu trong chuỗi các dự án du lịch sinh thái tre của
SJF.
Chủ tịch
SJF cho rằng, vừa qua một số thông tin xuất hiên trên truyền thông là chưa đúng về tình hình hoạt động của công ty. Các báo không làm việc với công ty để cập nhật hoạt động mà chỉ xem qua BCTC. Theo đó công ty kỳ vọng được hợp tác với các cơ quan truyền thông để cổ đông hiểu được tiềm năng, giá trị nhân văn trong phát triển ngành tre công nghiệp của công ty, giúp nhanh chóng nhân rộng mô hình này trên tất cả dải đất miền Trung vì một Việt Nam xanh, giàu đẹp và không còn cần đến cứu trợ mùa mưa lũ hàng năm.