• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 9:47:39 CH - Mở cửa
Giám đốc Phân tích SSI: F0 sẽ khiến TTCK mang tính 'cảm xúc con người' nhiều hơn
Nguồn tin: Người đồng hành | 17/02/2021 8:30:33 SA
Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục có những biến động với biên độ mạnh như những gì diễn ra ở khoảng thời gian cuối tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021 do bị chi phối bởi cảm xúc của dòng tiền cá nhân.
Dòng tiền từ nhà đầu tư F0 có đặc điểm là tính lan tỏa quá mạnh mẽ sẽ tác động đến giá cổ phiếu rất nhanh.
3 chủ đề đầu tư được cho là tích cực trong năm 2021 là nhóm hồi phục từ đáy, hưởng lợi từ lãi suất thấp và hạ tầng đầu tư.
 
Nhân dịp năm mới Tân Sửu, Người Đồng Hành phỏng vấn bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2021.

 
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán SSI.
 
- Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020, dưới sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng cả về mặt điểm số và đặc biệt là sự bùng nổ thanh khoản, bà có bất ngờ hay không?
 
- Bản thân dịch Covid-19 xảy ra đã điều bất ngờ với mọi nhà đầu tư hay chuyên gia. Tuy nhiên, chính biến cố chưa từng xảy ra trong lịch sử 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam hay cả vài trăm năm của chứng khoán thế giới đã mang đến những sự thay đổi về cấu trúc và thiết lập các kỷ lục. 
 
Diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam có khá nhiều nét tương đồng với các thị trường chứng khoán trên thế giới. Lãi suất duy trì mức thấp kích thích sự tham gia của nhà đầu tư mới hay còn gọi là F0 giúp thanh khoản tăng mạnh, các chỉ số đi lên. 
 
Tại Việt Nam, trước đây nhà đầu tư trong nước chiếm khoảng 80 – 85% giao dịch trên thị trường nhưng thống kê gần đây cho thấy có tuần chiếm đến 97%. Ít có thị trường nào có mức độ dẫn dắt của nhà đầu tư cá nhân (retail driven) lớn như ở Việt Nam. Cấu trúc thị trường đã thay đổi nên nhà đầu tư phải chấp nhận sự biến động rất lớn – những phiên tăng mạnh hay giảm sâu – mang đầy cảm xúc và “tính con người nhiều hơn”. 
 
Còn về kỷ lục, chẳng hạn như VN-Index đã có mức hồi phục 67% từ mức đáy, nhiều nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất năm 2020 lên tới trên 100% như chứng khoán, thép…  Thanh khoản thị trường tăng mạnh ở mức chưa từng có. Ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến cho thị trường chứng khoán đi những bước dài nhiều năm chỉ trong vòng có 1 năm. 
 
- Vậy bà có nghĩ dòng tiền F0 sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2021?
 
- Theo tôi, đây là xu hướng lớn. Lãi suất quá thấp như hiện tại thì kênh gửi tiết kiệm sẽ kém hấp dẫn. Cho đến lúc dịch bệnh được kiểm soát, các biện pháp hỗ trợ kinh tế giảm dần, lạm phát có dấu hiệu gia tăng và lãi suất tăng trở lại thì mới đảo chiều xu hướng. 
 
Quản lý tài sản cá nhân (wealth management) đang phát triển rất mạnh thời gian qua. Trước đây, mọi người chỉ tìm đến một số loại tài sản truyền thống để cất giữ nhưng giờ đây sự lựa chọn đã mở rộng hơn rất nhiều. Nhà đầu tư cá nhân, nhất là những người trẻ đang cho rằng cổ phiếu/trái phiếu là một phần tất yếu trong rổ tài sản của mình. Vì vậy, cho dù có thể bị lỗ trong ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn kiên trì hoạt động đầu tư. 
 
Dù vậy, dòng tiền F0 cũng có đặc điểm là tính lan tỏa quá mạnh mẽ sẽ tác động đến giá cổ phiếu rất nhanh. Khi nhà đầu tư F0 có lãi, thì khả năng có ảnh hưởng rất nhiều tới những F0 khác. Năm 2020 ai cũng muốn có Zoom hay Tesla trong rổ tài sản của mình. Tuy nhiên mặt hạn chế của sự lan tỏa này là một số cổ phiếu tăng trưởng quá “nóng” mà không có yếu tố cơ bản hỗ trợ. Hoặc trong trường hợp thị trường điều chỉnh, có thể gây ra phản ứng dây chuyền, phóng đại sự tiêu cực.
 
- Dù có thêm nhiều quỹ ETF nhưng dòng tiền huy động từ nước ngoài còn nhà đầu tư cá nhân tự giải ngân. Theo bà, việc nhà đầu tư tự giao dịch diễn ở chỉ Việt Nam hay toàn thế giới?
 
- Nhà đầu tư ở các nước trên thế giới phân bổ khá nhiều danh mục vào các chứng chỉ quỹ mở, tỷ lệ tự giao dịch như tại thị trường Việt Nam là không nhiều. Do diễn biến của Covid, số lượng nhà đầu tư mới quyết định tự giao dịch đã tăng mạnh ở thế giới cũng như ở Việt Nam, và có tỷ lệ lớn trong đó là những nhà đầu tư mới, ra quyết định rất nhanh. Chính những nhà đầu tư F0 đã đóng góp 1 phần quan trọng trong việc giúp thị trường cân lại lực bán ròng lớn của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2020. 
 
Khi đầu tư hay quản lý tài sản, nhà đầu tư phải biết lý do tại sao mình sở hữu tài sản đấy. Hiện tại có rất nhiều công cụ để học, nhà đầu tư cá nhân cũng dễ dàng tiếp cận. Vai trò của các công ty chứng khoán tại những thời điểm như thế này là rất quan trọng, mang tính định hướng đầu tư. Nhà đầu tư cá nhân nên lựa chọn các đơn vị uy tín.
 
Hiện tại các công ty chứng khoán cũng có sự thay đổi nhiều và nhanh để đáp ứng được thị hiếu chung của khách hàng, tìm hiểu thêm khẩu vị của nhà đầu tư F0. Nếu chỉ áp dụng tư duy cũ sẽ không còn phù hợp nữa.
 
Trung tâm Phân tích Chiến lược Chứng khoán SSI (SSI Research) có những sản phẩm tư vấn để giúp nhà đầu từ F0 lựa chọn đâu là cổ phiếu tốt, đâu là cổ phiếu không hấp dẫn. Bên cạnh các báo cáo hàng ngày, chiến lược đầu tư hàng tháng, báo cáo ngành hay doanh nghiệp,…chúng tôi cũng mới ra bản tin tư vấn đầu tư hàng tháng dưới dạng video hay danh mục đầu tư mẫu để tăng sự hấp dẫn với nhà đầu tư.
 
- Với dòng tiền từ F0, VN-Index năm 2021 sẽ tiếp tục đi lên?
 
- Mặc dù diễn biến dịch Covid-19 vẫn chưa rõ ràng, năm 2021 vẫn có thể coi là năm hồi phục của các doanh nghiệp từ mức nền thấp trong năm 2020. Chúng tôi ước tính nhuận của các doanh nghiệp trong danh sách theo dõi tăng trưởng 26% - so với khoảng 14 – 18% của các năm bình thường. 
 
Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp tại các thị trường khác cũng tương tự (trên 20%). Nhưng Việt Nam nhận được sự chú ý hơn bởi sau năm 2021, chúng ta vẫn duy trì được mức tăng trưởng hai chữ số, so với một chữ số của các nước khác.
 
Triển vọng thị trường chứng khoán sẽ tích cực nếu như các yếu tố về lãi suất, giải pháp hỗ trợ hay lạm phát không thay đổi. Nếu có các yếu tố vừa kể trên đảo chiều, có thể khiến triển vọng thay đổi nhưng kịch bản này sẽ khó xảy ra trong năm 2021. 
 
SSI Research đưa ra mức P/E trong kịch bản cơ sở là 18.x, tương ứng VN-Index vào khoảng 1.281 điểm, dựa trên so sánh trung bình của 3 năm vừa qua là  16,4. Nhưng nền tảng Việt Nam đã tốt hơn, môi trường lãi suất thấp cũng khiến nhà đầu tư chấp nhận mức P/E cao hơn. Với kịch bản tích cực, tương ứng P/E trên 20 là mức tương đương các thị trường phát triển. VN-Index từng đạt mức P/E 21,6 lần tại đỉnh tháng 3/2018 và nếu ở mức này, tương ứng VN-Index đạt gần 1.400 điểm.
 
Ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở giai đoạn biến động mạnh do diễn biến dịch Covid-19, tác dụng vaccine chưa rõ ràng. Ngược lại, kết quả kinh doanh quý II dự kiến sẽ rất tốt do quý cùng kỳ năm ngoái đã chạm đáy. Nhìn chung, thị trường hưng phấn quá sẽ phải đến lúc điều chỉnh. 
 
- Vậy nhóm ngành nào sẽ có diễn biến tích cực trong năm 2021 và ngược lại?
 
- Các nhóm ngành được đánh giá có triển vọng tích cực trong năm 2021 dựa trên 3 chủ đề chính. Thứ nhất, nhóm hồi phục từ đáy. Về nguyên tắc, các ngành nào giảm mạnh nhất sẽ phục hồi nhanh nhất. Tuy nhiên, các ngành bị ảnh hưởng mạnh nhất là hàng không và du lịch – theo chúng tôi nhà đầu tư chưa nên để ý đến nhóm ngành này do vẫn còn gặp quá nhiều khó khăn. Doanh nghiệp thuộc hai nhóm ngành trước mắt phải sống sót được, sau đó mới có thể tính đến chuyện phục hồi. Còn với các doanh nghiệp bán lẻ, nếu chống chịu được thì nhất định sẽ hồi phục được. 
 
Thứ 2 là nhóm hưởng lợi từ lãi suất thấp như ngành tài chính hay bất động sản nhà ở. Cuối cùng là nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự phát triển của đầu tư hạ tầng (bất động sản khu công nghiệp, logistics). 
 
Những nhóm ngành được hưởng lợi từ đầu tư công như như thép – lợi nhuận tăng khá mạnh trong năm ngoái nên có thể vẫn tích cực nhưng dư địa không nhiều. Các ngành hưởng lợi nhờ giá hàng hóa thường mức tăng sẽ không kéo dài và sẽ quay trở lại cân bằng. Đối với các ngành được hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào thấp thì bù lại thường không tăng trưởng mạnh như hàng tiêu dùng.
 
Cũng cần lưu ý là trong giai đoạn này phải chấp nhận việc tăng trưởng quá nóng của một số cổ phiếu mà không có yếu tố cơ bản gì hỗ trợ nhờ dòng tiền F0. Bản thân SSI Research cũng nhiều lần phải định giá lại và nâng giá mục tiêu của những ngành tăng trưởng. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ điều chỉnh với những doanh nghiệp có nội lực mạnh mẽ. Giá cổ phiếu của một doanh nghiệp cũng như con lắc, dù có thể dao động rất mạnh thì cuối cùng vẫn phải trở về đúng điểm cân bằng.
 
- Năm 2020, dòng vốn ngoại rút ròng kỷ lục. Bà đánh giá sao về dòng vốn ngoại năm nay khi rõ ràng việc nâng hạng không có nhiều triển vọng và việc nâng tỷ trọng trong rổ MSCI FM diễn ra từ từ?
 
- Việc dòng vốn ngoại rút ra rất lớn năm 2020 là do xu hướng chuyển từ thị trường cận biên (frontier market - FM) và mới nổi (emerging market - EM) về thị trường phát triển (developed market - DM). Diễn biến này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở cả các thị trường khác, đây là một xu hướng toàn cầu. 
 
Tuy nhiên, hiện tại tỷ trọng của các quỹ đầu tư cổ phiếu giải ngân vào thị trường Mỹ đang ở mức rất cao. Vì vậy, sớm muộn việc đảo chiều và dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại các thị trường cận biên hay mới nổi sẽ xảy ra. Báo cáo của nhiều công ty chứng khoán lớn trên thế giới vẫn có sự lạc quan về thị trường mới nổi, và dù Việt Nam chưa được nâng hạng lên EM thì lại là một FM nổi bật.
 
Các quỹ nước ngoài sẽ tăng tỷ trọng nếu thấy thị trường Việt Nam đủ lớn, đủ hấp dẫn. Các quỹ EM rất cần chỉ tiêu thanh khoản cao, ít nhất 1 triệu USD/ngày/cổ phiếu, thậm chí là phải 3 triệu USD. Hiện tại khá nhiều cổ phiếu Việt Nam đã đáp ứng được. Bên cạnh đó, các yếu tố cơ bản về kinh tế vĩ mô, chính sách… sẽ hấp dẫn các quỹ ngoại. Ngược lại, vẫn có yếu tố rào cản như thanh khoản và room ngoại. 
 
- Với một thị trường được dẫn dắt bởi nhà đầu tư cá nhân và đầy cảm xúc, với kinh nghiệm tư vấn cho các khách hàng nước ngoài trong nhiều năm, bà thấy họ có thay đổi sự đánh giá về sự hấp dẫn của chứng khoán Việt?
 
Bản thân nhà đầu tư tổ chức đã có những thay đổi lớn trong các năm qua. Dòng tiền chuyển từ nhiều quỹ chủ động (active) sang quỹ thụ đông (passive) như ETF – đây là xu hướng lớn trong những năm gần đây. Nhà đầu tư tổ chức tham gia đơn giản là đầu tư theo chỉ số nếu thấy một thị trường có triển vọng hấp dẫn trong dài hạn. 
 
Đối với các nhà đầu tư tổ chức theo hướng chủ động còn lại thì đa phần cũng chuyển sang quỹ mở. Bản chất quỹ mở là có thể bị rút tiền bất kỳ lúc nào nên tập trung nhiều vào cổ phiếu thanh khoản. Các quỹ mở này phần nào sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi hành động của nhà đầu tư cá nhân. 
 
Nhà đầu tư tổ chức với lượng tiền lớn lại ở trong trạng thái tư duy tĩnh hơn cá nhân. Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư cá nhân dù quy mô nhỏ nhưng cùng hành động một lúc khiến thị trường rơi vào trạng thái động và đảo ngược lại so với tính toán của các tổ chức. 
 
Khi tôi tư vấn cho các tổ chức, thì lời khuyên được đưa ra là tập trung vào nhóm cổ phiếu có thanh khoản, thứ 2 là phải có biện pháp quản trị rủi ro tốt để tránh biến cố bất ngờ dẫn đến thị trường lao dốc do phản ứng dây chuyền của nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư tổ chức cũng cần phải đưa ra được điểm dừng hợp lý.
 
- Thị trường chứng khoán tích cực thời gian vừa qua, liệu sẽ thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hay tăng vốn ấm lên sau một năm khá trầm lắng?
 
- Năm 2018, thị trường chứng khoán tăng là do chính làn sóng IPO và cổ phần hóa, thoái vốn làm cho chất lượng, số lượng công ty niêm yết thay đổi đáng kể. Điều này thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia, họ nhận ra thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự thay đổi về chất. 
 
Còn hiện tại, IPO, cổ phần hóa thoái vốn diễn biến chậm một phần đến từ các vướng mắc về quy trình thực hiện. Bộ tài chính và Bộ Tài nguyên và môi trường đang xây dựng các văn bản hướng dẫn Nghị định 140/2020 và được mong chờ sẽ mang đến một số kết quả nhất định. Chúng tôi kỳ vọng từ nửa cuối năm nay, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn sẽ được cải thiện hơn. 
 
Còn về huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, với nền lãi suất thấp như ở hiện tại, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn. Thậm chí, với việc thu hẹp sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của Covid-19, tình trạng thừa vốn có thể diễn ra. Vì vậy, theo những gì chúng tôi quan sát và đánh giá, sẽ không có làn sóng các doanh nghiệp ồ ạt phát hành tăng vốn.