Trước đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện nay, phản ứng của thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là bình tĩnh so với đợt đầu năm ngoái. Vậy nguyên nhân nào khiến các nhà đầu tư tự tin như vậy?
Chỉ sau 1 tuần, chỉ số Vn-Index đã lấy lại những gì đã mất trong phiên giao dịch đầu tiên công bố các ca nhiễm Covid-19 mới tại Hải Dương.
Theo báo cáo mới công bố của Vinacapital, trong phiên giao dịch ngày 27/1 cũng là phiên giao dịch đầu tiên khi Việt Nam công bố các ca nhiễm Covid-19 mới tại Hải Dương, chỉ số Vn-Index đã ngay lập tức giảm gần 7%.
Đây là mức giảm lớn nhất từ trước tới nay của thị trường chứng khoán, hàng loạt cổ phiếu “nằm sàn” trước sự hoảng loạn của các nhà đầu tư.Tuy nhiên, Vn-Index đã nhanh chóng lấy lại những gì đã mất chỉ trong vòng 1 tuần sau đó.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 2 hồi cuối tháng 7/2020, Vn-Index cần đến 1 tháng để phục hồi về mức cũ dù tại thời điểm này các ca bệnh mới chưa xuất hiện tại 2 thành phố quan trọng của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM. Chưa kể, khi đó, các ca bệnh mới không liên quan tới loại virut biến chủng mới từ Anh, vốn có khả năng lây nhiễm cao hơn và tính chất nguy hiểm, phức tạp lớn hơn.
Sự bình tĩnh đến bất ngờ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong đợt lây nhiễm lần này theo Vinacapital có thể đến từ 3 yếu tố.
Thứ nhất, các nhà đầu tư nội địa tự tin hơn vào khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 của Chính phủ. Rõ ràng, ngay khi dịch bệnh có diễn biến mới, chỉ số VN-Index thường nhanh chóng xuống dốc, nhưng cũng hồi phục lại ngày càng nhanh.
VinaCapital cho rằng, thông tin về các ca bệnh mới sẽ ngày càng giảm sức ảnh hưởng lên giá cổ phiếu trong thời gian tới, nhất là khi Chính phủ Việt Nam duy trì khả năng kiểm soát đại dịch tốt, đồng thời hạn chế được những tác động tiêu cực của đại dịch tới nền kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, số lượng nhà đầu tư cá nhân mới tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong năm 2020. Số lượng tài khoản mở mới gia tăng nhanh chóng, đạt mức cao nhất trong tháng 12/2020 và tiếp tục tăng thêm 36% trong tháng 1/2020.
Dòng tiền mới trở thành động lực tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhà đầu tư bị thôi thúc tham gia đầu tư chứng khoán khi lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm trong năm 2020.
VinaCapital đánh giá, không có khả năng lãi suất tăng đáng kể trong năm 2021, một số nhà băng thậm chí tiếp tục đưa lãi suất xuống mức thấp hơn. Theo đó, nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục ủng hộ thị trường chứng khoán trong tương lai gần.
Thứ ba, có một số yếu tố cổ vũ xuất phát từ thành công của Đại hội Đảng vừa diễn ra. Theo VinaCapital, việc Đại hội Đảng được tổ chức rất thành công, lựa chọn ra các vị trí cấp cao nhất củng cố niềm tin của nhà đầu tư về việc Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách kinh tế hiện tại, tập trung vào tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, ông Trần Văn Dũng- Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng lên tiếng cho biết, Việt Nam đã vượt qua một “năm Covid” rất ngoạn mục, khi là một trong những quốc gia hiếm trên thế giới có GDP tăng trưởng dương. Tới nay, nước ta vẫn duy trì được các nền tảng tốt để tự tin tin tưởng sẽ vượt qua đại dịch này và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, cũng như các năm tiếp theo.
Năm 2020 dù có nhiều biến động, nhưng cơ bản thị trường chứng khoán đã vượt đại dịch thành công. Nhiều chỉ số, nhiều mảng thị trường đều cho thấy sự hồi phục và tăng trưởng trở lại mạnh mẽ, đặc biệt là sự vào cuộc rất tốt của dòng tiền nội từ nhà đầu tư cá nhân trong nước.
“Đây là nền tảng để thị trường chứng khoán duy trì đà tăng trưởng ổn định và có thể còn tốt hơn khi các tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 sẽ giảm dần trong năm 2021”, ông Dũng nhận định.
Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, GDP của cả nước năm qua chỉ tăng hơn 2%, dù là một trong số ít các nước có tăng trưởng dương, nhưng đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Nhưng thị trường chứng khoán đã tăng gần gấp đôi so với đáy của năm trước.