VN-Index tăng điểm ngay từ đầu phiên nhờ nhiều cổ phiếu trụ cột tăng giá.
Nhóm chứng khoán biến động tích cực khi các mã như SSI, HCM, VND, MBS... đồng loạt tăng mạnh.
Các cổ phiếu dầu khí như PVD, PVS, GAS... có sự điều chỉnh trở lại.
15h00
Về cuối phiên giao dịch, áp lực bất ngờ dâng cao đẩy hàng loạt cổ phiếu trụ cột lao dốc từ đó khiến VN-Index điều chỉnh sâu. Trong đó, GVR, PVS, PVD, BCM, VHM, VCG, BID, VPB... đều giảm trên 2%.
Một số cổ phiếu lớn tăng giá chỉ có CTG, PLX, HPG, HVN hay THD. Chốt phiên, CTG tăng 1,2% lên 37.500 đồng/cp, PLX tăng 0,9% lên 57.300 đồng/cp, HPG tăng 0,7% lên 43.600 đồng/cp.
Khoảng hơn 14h khi giá trị giao dịch trên HoSE vượt 14.000 tỷ đồng, tình trạng nghẽn lệnh tiếp tục xảy ra.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 15,63 điểm (-1,33%) xuống 1.162,01 điểm. Toàn sàn có 93 mã tăng, 357 mã giảm và 44 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,89 điểm (-0,37%) xuống 237,89 điểm. Toàn sàn có 84 mã tăng, 111 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,33%) xuống 76,22 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 811,6 triệu cổ phiếu, trị giá 18.200 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.370 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn bán ròng hơn 600 tỷ đồng.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
11h30
Áp lực trên thị trường vẫn lớn khi các mã như BCM, PVS, PVD, VHM, VCG, GAS... đồng loạt giảm giá và gây áp lực lên đà tăng của các chỉ số.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 0,34 điểm (0,03%) lên 1.177,98 điểm. Toàn sàn có 200 mã tăng, 213 mã giảm và 71 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,9 điểm (0,38%) lên 239,68 điểm. Toàn sàn có 88 mã tăng, 78 mã giảm và 55 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (0,27%) lên 76,68 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn tương đương so với phiên trước, tổng khối lượng giao dịch đạt 420 triệu cổ phiếu, trị giá 9.394 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 566 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng 233 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
9h35
Mở cửa phiên giao dịch ngày 24/2, thị trường chứng khoán ghi nhận diễn biến tích cực khi sắc xanh bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Các cổ phiếu chứng khoán gồm SSI, VND, HCM, MBS... đồng loạt tăng giá mạnh, trong đó, SSI tăng 2,4% lên 34.400 đồng/cp, VND tăng 2,9% lên 28.350 đồng/cp, HCM tăng 2,2% lên 30.250 đồng/cp, MBS tăng 9,3% lên 22.300 đồng/cp.
Các cổ phiếu trụ cột như CTG, HVN, HPG, PLX, FPT, GVR... cũng đều giao dịch tích cực. CTG tăng 1,8% lên 37.700 đồng/cp, HVN tăng 1,7% lên 29.100 đồng/cp, HPG tăng 1,4% lên 43.900 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu như THD, BCM, PVS, GAS... giảm giá và gây áp lực lên đường đi của các chỉ số. THD giảm đến 5,6% xuống 168.000 đồng/cp và là nhân tố chính đẩy HNX-Index giảm điểm.
Hiện tại, VN-Index tăng 5,2 điểm (0,44%) lên 1.182,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 84,3 triệu cổ phiếu, trị giá 2.091 tỷ đồng. HNX-Index giảm 2,37 điểm (-0,99%) xuống 236,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 39 triệu cổ phiếu, trị giá 522 tỷ đồng. UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (0,01%) lên 76,48 điểm.
Thị trường chứng khoán tiếp tục biến động giằng co tích lũy trong phiên 23/2 với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Khối ngoại giao dịch theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng lên đến hơn 640 tỷ đồng và tập trung vào các cổ phiếu VNM, CTG, HPG...
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động với biên độ hẹp trong phiên tới.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng VN-Index có thể sẽ sớm thử thách lại ngưỡng kháng cự 1.200 điểm trong một vài phiên tới.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Chốt phiên 23/2, Dow Jones, S&P 500 tăng, Nasdaq giảm. Dow Jones tăng 15,66 điểm, tương đương 0,05%, lên 31.537,35 điểm. S&P 500 tăng 4,87 điểm, tương đương 0,13%, lên 3.881,37 điểm. Nasdaq giảm 67,85 điểm, tương đương 0,5%, xuống 13.465,2 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương trái chiều trong phiên 23/2. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,36%. Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 0,17% còn Shenzhen Component giảm 0,611%. Hang Seng của Hong Kong tăng 1,03%. Thị trường chứng khoán Nhật Bản nghỉ lễ. Tại Hàn Quốc, Kospi giảm 0,31%. Chỉ số ASX 200 của Australia tăng 0,86%.
Giá dầu Brent tương lai tăng 13 cent, tương đương 0,2%, lên 65,37 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 3 cent xuống 61,67 USD/thùng nhưng vẫn gần đỉnh kể từ tháng 1/2020. Giá hai loại dầu trước đó trong phiên đều tăng hơn 1 USD/thùng.
Ngày 23/2, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cam kết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục duy trì biên độ lãi suất cho vay ở mức thấp cho tới khi nền kinh tế sử dụng hết nguồn lực lao động và tỷ lệ lạm phát tăng liên tục.