VN-Index đã có 13/21 lần tăng điểm trong 5 phiên giao dịch đầu tiên sau Tết âm lịch.
47/50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam đều tăng giá so với thời điểm trước Tết.
HoSE ghi nhận một cổ phiếu tăng trần 28 phiên liên tiếp.
Thị trường chứng khoán vừa kết thúc 5 phiên giao dịch đầu tiên của năm Tân Sửu 2021 với diễn biến tích cực, củng cố thêm cho thống kê lịch sử về việc các chỉ số thường tăng sau kỳ nghỉ dài.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/2, VN-Index tăng đến 5,6% so với thời điểm trước Tết lên 1.177,64 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng tăng 6,2% lên 238,78 điểm, mức tăng mạnh nhất trong khoảng thời gian 5 phiên sau Tết âm lịch từ năm 2015.
Thông kê diễn biến VN-Index và HNX-Index trước và sau Tết âm lịch.
Trước kỳ nghỉ Tết âm lịch 2021, dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. Phiên 8/2, các chỉ số chứng khoán rơi mạnh nhưng vẫn ghi nhận dòng tiền bắt đáy lớn với thanh khoản ở mức cao bất chấp tâm lý nghỉ Tết bao trùm - điều này cho thấy một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư kỳ vọng cao vào việc thị trường chứng khoán sẽ biến động tích cực sau kỳ nghỉ dài.
Sự khởi đầu thuận lợi trong các phiên giao dịch đầu Xuân giúp nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu ở phiên cuối cùng của năm Canh Tý (9/2) hay tham gia bắt đáy ở phiên 8/2 lời "đậm".
Thống kê trong 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sau 5 phiên giao dịch vừa qua chỉ có 3 mã giảm giá so với trước kỳ nghỉ Tết là REE của Cơ Điện Lạnh REE (HoSE: REE), VNM của Vinamilk (HoSE: VNM), PNJ của Vàng bạc đa quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) với mức giảm khiêm tốn.
30 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong top 50 vốn hóa toàn thị trường chứng khoán.
Nhà đầu tư nắm giữ từ phiên các cổ phiếu thuộc top đầu về vốn hóa từ phiên 9/3 đều có lãi. Cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) tăng 24,3% chỉ sau 5 phiên giao dịch từ 24.050 đồng/cp lên 29.900 đồng/cp. Bên cạnh đó, 3 cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng là ACB của Ngân hàng Á Châu (HoSE: ACB), MBB của Ngân hàng Quân đội (HoSE: MBB) và TCB của Techcombank (HoSE: TCB) đều giúp nhà đầu tư có lãi trên 10%.
Ngay cả các cổ phiếu hàng không - ngành được cho là bị ảnh hưởng nặng nề từ sự bùng phát của dịch Covid-19 cũng tăng khá tốt. HVN của Vietnam Airlines (HoSE: HVN) tăng 8,5%. VJC của VietJet (HoSE: VJC) tăng 3,9%. Ngoài ra, ACV của Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) cũng tăng 6,1%.
Tính rộng hơn, toàn thị trường chứng khoán ghi nhận 831 cổ phiếu tăng giá sau 5 phiên từ 17-23/2, trong đó có 22 mã tăng trên 30%. Số mã giảm chỉ là 236 trong đó có 12 mã giảm trên 20%.
Một điểm đáng chú ý là các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường chứng khoán đa phần nằm tại sàn HNX và UPCoM với điểm chung là đều thuộc nhóm vốn hóa nhỏ và có thanh khoản rất khiêm tốn như Dược phẩm Trung ương CPC1 (UPCoM: DP1) tăng đến 58,5%, Viglacera Đông Anh (UPCoM: DAC) tăng 58,1%, Viglacera Đông Anh (UPCoM: BHP) tăng 52,5%.
30 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường chứng khoán.
Trong 20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất chỉ có duy nhất 1 mã đến từ sàn HoSE là RIC của Quốc tế Hoàng Gia (HoSE: RIC). Cổ phiếu có đến 28 phiên tăng trần liên tiếp, giá cổ phiếu tăng từ chỉ 4.800 đồng/cp (8/1) lên 28.850 đồng/cp (23/2).
Diễn biến giá cổ phiếu RIC từ đầu năm. Đơn vị: đồng/cp.