Dự thảo quy hoạch điện VIII chỉ đưa ra danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện thay vì đề xuất tên những dự án cụ thể như trước đây.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2045 (quy hoạch điện VIII) đã được trình Chính phủ và sẽ được phê duyệt, ban hành trong nhiệm kỳ này”.
Cũng theo ông Hải, quy hoạch điện VIII trước khi được Bộ Công Thương ký và trình Chính phủ đã được lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân (chuyên gia, nhà khoa học). Sau khi nhận được đầy đủ ý kiến góp ý, Bộ Công Thương đã chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu, giải trình và hoàn thành dự thảo.
Tại buổi họp lần thứ 2, với 26/30 thành viên Hội đồng thẩm định do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì đã thông qua toàn bộ nội dung dự thảo quy hoạch điện VIII với tỷ lệ 100%.
Bộ Công Thương đánh giá quy hoạch điện VIII xây dựng bài bản, công phu và cũng được hoàn thiện dựa trên việc ghi nhận những ý kiến góp ý trước đó.
Dự thảo quy hoạch điện VIII được đánh giá là có những phương án phát triển điện lực đạt được những tiêu chí mà Nghị quyết 55/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045, đề ra.
Dự thảo quy hoạch điện VIII đã đưa ra 3 nhóm cơ chế và 11 giải pháp trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những lần lập quy hoạch điện quốc gia trước đây để đảm bảo tính khả thi khi triển khai sau này.
Cơ cấu nguồn điện trong dự thảo quy hoạch điện VIII được phát triển theo hướng đa dạng hơn, giành sự ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo, với cơ cấu và phân bổ hợp lý giữa từng khu vực, vùng miền, không phụ thuộc vào bất kỳ một loại hình nguồn điện nào; Hạn chế tối đa việc phát triển những nguồn điện gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường, phù hợp với cam kết của Việt Nam với cộng đồng Quốc tế trong việc chống lại những nguy cơ gây biến đổi khí hậu.
“Quy hoạch điện VIII còn tính đến đến mở, linh hoạt của quy hoạch điện, đây cũng là những điểm mới trong việc xây dựng đề án. Đây cũng là yêu cầu của Thủ tướng khi giao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch điện VIII cho Bộ Công Thương”.
Theo đó, dự thảo quy hoạch điện VIII chỉ đưa ra danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện, trong đó tập trung xem xét quy hoạch trong giai đoạn 2021-2030 và có tính đến 2045.
Riêng đối với năng lượng tái tạo, năng lượng mới, dự thảo quy hoạch điện VIII chỉ đưa ra tổng công suất dự kiến, phát triển thêm và phân bố không gian theo vùng, địa phương và không đưa danh mục dự án cụ thể.
Quá trình lựa chọn danh mục dự án cụ thể sau này, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, nghiên cứu và đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch điện VIII được duyệt, quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phải tuân thủ theo Luật Đầu tư và Đấu thầu đảm bảo tính minh bạch.
Cũng tại buổi họp, thông tin về thời điểm và chi tiết áp dụng hộ chiếu vaccine Covid-19, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết hộ chiếu vaccine đang được nghiên cứu, tranh luận ở nhiều nước. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đang phối hợp với bộ, ngành khác nghiên cứu, báo cáo Ban Chủ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Chính phủ để đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho người dân và vừa mở cửa nền kinh tế.
Trước hết, Bộ Y tế đang lên phương án nghiên cứu cách ly phù hợp đối với những trường hợp đã tiêm đủ số mũi vaccine. Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị những kế hoạch, kịch bản áp dụng “hộ chiếu vaccine” trong tương lai, đảm bảo việc cân bằng giữa những lợi ích và nguy cơ.
"Lợi ích là việc mở lại đường bay để phát triển kinh tế, nguy cơ là Việt Nam có thể ghi nhận các ca lây nhiễm cộng đồng. Vì vậy, Bộ Y tế cần phải nghiên cứu thêm”, ông Cường nói.