Bộ Công Thương kiến nghị cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không quá 35%.
Bộ Công Thương vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Lo nhà đầu tư ngoại chi phối hoạt động xăng dầu
Tại Tờ trình, Bộ Công Thương đã giải thích quy định cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nếu có hoạt động sản xuất có thể chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không quá 35%.
Ban soạn thảo Nghị định cho biết, trước khi trình lên Thủ tướng, Bộ Công Thương đã tính đến trong quá trình rà soát và đã có giải trình cụ thể trong Tờ trình số 7888 ngày 19/10/2020 gửi Chính phủ.
Theo đó, Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia theo biểu cam kết dịch vụ khi gia nhập WTO, dịch vụ phân phối dầu thô và dầu đã qua chế biến được loại trừ khỏi phạm vi cam kết nên Việt Nam có quyền chủ động cho phép, hoặc không cho phép nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền phân phối xăng dầu tại Việt Nam;
Quy định tại Thông tư số 34/2013 ngày 24/12/2013 của Bộ Công Thương - công bố lộ trình thực hiện phân phối hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - hiện chưa cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối mặt hàng dầu thô và dầu đã qua chế biến.
"Như vậy có thể thấy, việc cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với tỉ lệ không quá 35% hiện không vi phạm cam kết quốc tế, không trái với các Luật và Nghị định trong nước, chỉ không phù hợp với Thông tư số 34/2013/TT-BCT", Ban soạn thảo nêu.
Tuy nhiên, theo ý kiến Ban soạn thảo, tại Công văn số 1538 ngày 10/3/2016 của Văn phòng Chính phủ về phát hành tăng vốn cho cổ đông chiến lược của Petrolimex, lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo “Bộ Công Thương nắm kỹ tình hình, sửa đổi, hoàn thiện các quy định chưa phù hợp để bảo đảm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ cùng Petrolimex đầu tư dài hạn cho dự án nhà máy lọc dầu".
Do đó, việc rà soát và quy định cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là phù hợp với thực tế và định hướng chỉ đạo của Chính phủ.
Nội dung này cũng đã được Bộ Tư pháp thẩm định và có ý kiến: "Việc quy định quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu thuộc quyền quyết định của Nhà nước Việt Nam, không chịu sự điều chỉnh của các cam kết quốc tế".
Đối với nội dung liên quan đến Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết Chính phủ (GGU), Ban soạn thảo đã tiếp thu và điều chỉnh cho phù hợp.
Theo đó quy định “thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không quá 35% sau khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền".
Nếu bất cập sẽ kiến nghị bỏ
Bộ Công Thương khẳng định: Doanh nghiệp xăng dầu, dù thuộc thành phần kinh tế nào, khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam cũng phải tuân thủ các điều kiện, quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Do đó, doanh nghiệp hoàn toàn bị kiểm soát hoạt động để bảo đảm quản lý về an ninh năng lượng, chất lượng, an toàn cháy nổ.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng bổ sung: Trường hợp Thủ tướng Chính phủ thấy nội dung "cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không quá 35%" cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thêm, Bộ kiến nghị bỏ nội dung này ra khỏi dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83.
Đến nay, Nghị định này chưa được thông qua nên phải chờ Chính phủ nhiệm kỳ mới quyết định.