Coteccons, GVR, PVC, CII “đánh rơi” hàng tỷ đồng lợi nhuận trong khi Đất Xanh, Yeah1, VC9 thậm chí còn đào sâu thêm khoản lỗ sau kiểm toán.
Ảnh minh họa.
Mùa báo cáo tài chính năm 2020 xuất hiện không ít doanh nghiệp niêm yết “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán, soát xét trong đó đáng chú ý có “đại gia” ngành xây dựng Coteccons (mã
CTD).
Theo báo cáo hợp nhất kiểm toán năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Coteccons đạt 334,5 tỷ đồng, giảm 28% so với báo cáo tự lập và giảm tới 53% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2014 của nhà thầu xây dựng này. Nguyên nhân sự sụt giảm theo giải trình từ phía công ty là do biến động của các chỉ tiêu lợi nhuận gộp, chi phí quản lý doanh nghiệp, thu nhập thuế TNDN hoãn lại.
Trong đó, lợi nhuận gộp sau kiểm toán đánh giá lại rủi ro trong việc thu hồi công nợ với chủ đầu tư. Công ty điều chỉnh giảm doanh thu ghi nhận trước tương ứng với giá trị hồ sơ thanh toán cho công việc đã thực hiện được chủ đầu tư xác nhận nhưng chủ đầu tư chưa đồng ý nhận hóa đơn. Đồng thời, công ty trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tương ứng. Vì thế, lợi nhuận gộp sau kiểm toán giảm gần 10 tỷ đồng, còn 856,4 tỷ đồng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 30% sau kiểm toán, lên gần 656 tỷ đồng, đến từ việc rà soát, đánh giá lại rủi ro về thu hồi công nợ và trích lập dự phòng phải thu khó đòi.
Thu nhập thuế TNDN hoãn lại lên gấp đôi sau kiểm toán, đạt gần 75 tỷ đồng. Công ty ghi nhận thuế từ các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho và dự phòng nợ phải thu khó đòi công ty đã trích lập trong năm của Coteccons và Unicons.
Doanh thu năm 2020 của Coteccons không biến động nhiều sau kiểm toán, đạt mức 14.558 tỷ đồng, giảm 39% so với năm trước, hoàn thành 91% kế hoạch. Coteccons cho biết doanh thu giảm do ảnh hưởng từ Covid-19 nên nhiều dự án gặp khó khăn, chủ đầu tư ngừng triển khai, nhiều dự án không được khởi động trong năm 2020 trong khi một số công trình đã kết thúc và quyết toán trong năm 2019.
Trước đó, Tập đoàn Cao su (mã
GVR) cũng “chung cảnh ngộ” khi lợi nhuận bị “thổi bay” hơn 500 tỷ đồng, tương ứng 13,5% so với báo cáo tự lập. Ghi nhận trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2020, doanh thu của GVR đạt mức 21.140 tỷ đồng, không thay đổi so với báo cáo tự lập tuy nhiên giá vốn tăng khiến lợi nhuận gộp giảm 5,1% so với tự lập, xuống 4.599 tỷ đồng.
Chi phí tài chính được giảm 300 tỷ đồng tuy nhiên doanh thu hoạt động này cũng giảm so với báo cáo tự lập. Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng thêm gần 200 tỷ đồng sau kiểm toán. Kết quả, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ GVR đạt 3.771 tỷ đồng, vẫn tăng 16% so với năm 2019.
Theo BCTC hợp nhất kiểm toán, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (mã
PVC) cũng giảm gần 16% từ mức 25 tỷ đồng trên báo tự lập xuống còn 21 tỷ đồng sau kiểm toán. Kết quả này thấp hơn 47% so với cùng kỳ năm 2019 chủ yếu do cạnh tranh làm nguồn doanh thu chính từ dịch vụ dung dịch khoan giảm.
PVC cho biết nguyên nhân là do lãi sau thuế công ty mẹ giảm hơn 3,5 tỷ đồng sau khi ghi nhận thêm khoản chi phí tương ứng, đồng thời Tổng Công ty còn tính bổ sung khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại hơn 340 triệu đồng.
Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (mã
CII) cũng mất gần 40 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng mức giảm 13% so với con số trên báo cáo tự lập trước đó. Dù vậy, khoản lãi gần 254 tỷ đồng năm 2020 vẫn tăng trưởng tới 73% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm ngoái.
Theo lý giải từ phía CII, BCTC kiểm toán đã ghi nhận bổ sung khoản thuế thu nhập doanh nghiệp từ phần doanh thu tính thuế tăng lên của dự án bị áp giá theo giá thị trường. Bên cạnh đó, công ty cũng đã điều chỉnh tăng chi phí lãi vay phân bổ vào các dự án và điều chỉnh tăng giá vốn của các công ty con so với báo cáo tự lập trước đó.
LỖ CÀNG THÊM LỖ
Ngoài những doanh nghiệp “đánh rơi” lợi nhuận, không ít cái tên đã lỗ lại càng thêm lỗ sau kiểm toán có thể kể đến như Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG). Theo BCTC kiểm toán 2020, Tập đoàn này báo lỗ ròng gần 496 tỷ đồng, tăng thêm gần 64 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Theo Đất Xanh, nguyên nhân dẫn đến chênh lệch lợi nhuận giữa hai báo cáo chủ yếu là do việc tăng các khoản lập dự phòng nợ phải thu từ một số đơn vị trong cùng hệ thống. Chi phí dự phòng thuộc chi phí quản lý doanh nghiệp trong báo cáo kiểm toán ghi nhận gần 87 tỷ đồng trong khi ở báo cáo tự lập chỉ ghi nhận xấp xỉ 39 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác cũng đào sâu thêm lỗ sau kiểm toán là Tập đoàn Yeah1 (mã YEG) khi khoản lỗ sau thuế tăng hơn 29 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó, lên mức gần 180 tỷ đồng. Giải trình cho mức chênh lệch trên, Yeah1 cho biết do đã tiến hành ghi nhận xóa sổ hàng tồn kho dẫn đến khoản dự phòng gần 44 tỷ đồng được bổ sung vào giá vốn hàng bán trên báo cáo kiểm toán. Do đó, lợi nhuận gộp của Tập đoàn này “bốc hơi” đến 64% so với báo cáo tự lập, còn hơn 36 tỷ đồng.
Trong khi đó, Xây dựng Số 9 (mã VC9) có thể lỗ thêm tới 111 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, nâng mức lỗ lên 132 tỷ đồng do kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với khoản mục giá vốn hàng bán, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi có ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận của công ty.
Theo ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, VC9 chưa ghi nhận đầy đủ giá vốn hàng bán tương ứng với doanh thu đã ghi nhận của một số công trình xây dựng với số tiền hơn 111 tỷ đồng theo các quy định kế toán hiện hành tại Việt Nam.
Nếu phản ánh đầy đủ giá vốn của các công trình trên thì trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2020, chỉ tiêu “Giá vốn hàng bán” sẽ tăng lên là 111 tỷ đồng.