HoREA khuyến cáo nhà đầu tư xem xét chất lượng công trình xây dựng, công tác quy hoạch, thiết kế toàn nhà cũng như các phương án cải tạo, nâng cấp.
Giá đấu có thể sẽ khá cao hoặc không hiệu quả khi đầu tư.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi đến các doanh nghiệp trong hiệp hội đề nghị quan tâm tham gia đấu giá 3.790 căn hộ tại phường Bình Khánh, quận 2 (nay là TP Thủ Đức).
Hiệp hội được biết, sau khi được cơ quan có thẩm quyền ban hành “Quy chế cuộc đấu giá” thì thông tin về cuộc đấu giá sẽ được niêm yết công khai và công bố theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, mời gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia.
HoREA cho rằng do được quy hoạch thành 2 cụm có kết cấu hạ tầng kỹ thuật độc lập nên có nhiều khả năng TP HCM sẽ tổ chức 2 cuộc đấu giá với “rổ hàng” có giá trị rất lớn, nhằm mời gọi các nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh tham gia đấu giá. Do vậy, sẽ không đấu giá một số căn hộ theo phương thức đấu giá từng căn hộ cho cá nhân có nhu cầu như Hiệp hội đã đề xuất trước đây.
Sau khi trúng đấu giá thì các căn hộ này trở thành nhà ở thương mại. Nhà đầu tư có quyền bán căn hộ cho người tiêu dùng hoặc cải tạo nâng cấp rồi bán lại, hoặc chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác theo dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư xây dựng dự án mới tại khu đất này thì phải đề xuất dự án lên UBND TP và thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư, về xây dựng, về quy hoạch, về kinh doanh bất động sản và phải làm nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước theo quy định (nếu có).
Hiệp hội nhận thấy, dự án có ưu thế tọa lạc tại vị trí “đắc địa”. Nhà đầu tư trúng đấu giá chắc chắn sẽ nâng tầm uy tín thương hiệu. Nếu nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư dự án mới tại vị trí này được UBND TP xem xét chấp thuận thì càng tăng uy tín thương hiệu.
Tuy nhiên, HoREA cũng khuyến cáo một số mặt hạn chế. Trong đó, do các căn hộ có nguồn gốc là dự án nhà tái định cư nên gây quan ngại về chất lượng công trình so với các dự án nhà ở thương mại; nhất là về chất lượng công tác quy hoạch, thiết kế tòa nhà cũng như căn hộ; về các tiện ích phục vụ cư dân. Do vậy, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ và có kế hoạch cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và bổ sung các tiện ích, dịch vụ.
Không những vậy, HoREA còn khuyến cáo các doanh nghiệp phải nghiên cứu thêm các yếu tố như giá khởi điểm đấu giá có thể là khá cao hoặc nếu giá cao quá thì sẽ không hiệu quả. Đồng thời, nhà đầu tư phải chuẩn bị nguồn vốn đầu tư khá lớn, nên vấn đề mấu chốt là đánh giá hiệu quả.
3.790 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang từ 2015 đến nay. Ảnh: Dũng Nguyễn
3.790 căn hộ này thuộc khu tái định cư Bình Khánh, diện tích hơn 38,4 ha, gồm tổng thể 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án hoàn thành từ năm 2015, sở hữu vị trí đắc địa trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, bên cạnh tuyến đường xương sống Mai Chí Thọ nối liền trung tâm TP HCM qua hầm Thủ Thiêm đi TP Thủ Đức (quận 2, quận 9, Thủ Đức cũ). Tuy nhiên đến nay, thành phố ghi nhận khoảng 5.300 căn hộ thuộc dự án này còn để trống, chưa có người ở. Mỗi năm, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cho các căn hộ trống vào khoảng 70 tỷ đồng.
TP HCM đã 2 lần tổ chức đấu giá 3.790 căn hộ trên nhưng không có người mua. Lần đầu tiên vào năm 2017, giá đấu đưa ra là 8.800 tỷ đồng. Lần thứ 2 vào năm 2018, giá đấu 9.100 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP HCM cho biết phiên đấu giá lần thứ 3 này đang chờ duyệt mức giá bán mới, nhưng tăng hơn so với mức giá gần 9.900 tỷ đồng lần trước đưa ra. Phương thức thanh toán cũng sẽ tuân theo các quy định của pháp luật. Nghĩa là các tổ chức, cá nhân muốn mua phải đặt cọc trước 20% giá khởi điểm. Nếu trúng đấu giá, trong vòng một tháng phải nộp 50% giá trị trúng đấu giá (bao gồm 20% đã đặt cọc trước đó), 50% còn lại trong vòng 90 ngày phải thanh toán đủ. Ông Sỹ cũng nói thêm không thể đem đấu giá bán lẻ vì luật chưa có và TP HCM cũng muốn thu “một cục” để còn dùng vào các việc khác.