Nhiều doanh nghiệp thép báo cáo lợi nhuận quý II kỷ lục, gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước.
Các công ty chứng khoán nhỏ ghi nhận lợi nhuận quý II gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận quý II của Sợi Thế Kỷ, Cao su Đà Nẵng tăng mạnh.
Nhiều doanh nghiệp chủ động công bố kết quả kinh doanh sớm hơn hạn chót với lợi nhuận tăng mạnh và lập kỷ lục mới. Trong đó, nhiều doanh nghiệp thép, chứng khoán và thủy điện nổi bật nhất với con số lợi nhuận gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, doanh nghiệp sợi, cao su thiên nhiên cũng tăng mạnh lợi nhuận khi giá sợi và mủ cao su tăng cao so với mức thấp cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp thép lập kỷ lục lợi nhuận mới
Giá thép cùng sản lượng tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước đã giúp các doanh nghiệp thép hưởng lợi trong quý II. Nhiều doanh nghiệp thép từ lớn đến nhỏ hân hoan báo lãi đột biến.
Đơn vị: tỷ đồng
Thép Nam Kim (HoSE:
NKG) sớm công bố BCTC quý II với khoản doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 203% so với cùng kỳ năm trước nhờ đẩy mạnh kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh từ 4,6% lên 18,6%. Lãi sau thuế gấp 51 lần cùng kỳ năm trước đạt 875 tỷ đồng, lập kỷ lục mới ghi nhận trong 1 quý.
Tương tự, doanh thu quý II của Đầu tư Thương mại
SMC (HoSE:
SMC) đạt 5.950 tỷ đồng, tăng 62%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 502 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp của
SMC cũng cải thiện từ 2,5% lên 11,5%.
Thép Thủ Đức – Vnsteel (UPCoM:
TDS) cho biết sản lượng tiêu thụ tăng trong quý tăng, giá bán bình quân sau khi trừ chiết khấu cũng gấp 1,5 lần cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, doanh thu quý II của đơn vị đạt 655 tỷ đồng, tăng 36%; lãi sau thuế 34 tỷ đồng, gấp 4,4 lần quý II/2020.
Thép Mê Lin (HNX:
MEL) vừa công bố BCTC quý II với doanh thu 212 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Song, biên lãi gộp tăng từ 5% lên 17,4% gúp lãi sau thuế đạt 23 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 1,2 tỷ cùng kỳ năm trước.
2 “ông lớn” ngành thép là Hòa Phát (HoSE:
HPG) và Hoa Sen (HoSE:
HSG) chưa công bố BCTC quý II nhưng cũng hứa hẹn lãi kỷ lục.
SSI Research ước tính lợi nhuận Hòa Phát quý II có thể đạt mức cao kỷ lục 9.700 tỷ đồng, tăng 50%; lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen trong quý III niên độ 2020-2021 có thể tăng 390% so với cùng kỳ năm trước đạt 1.550 tỷ đồng.
Thanh khoản đột biến, công ty chứng khoán báo lãi đậm quý II
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý II tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tốt khi VN-Index vượt ngưỡng 1.400 điểm, thanh khoản nhiều phiên duy trì trên 1 tỷ USD. Do vậy, không nằm ngoài dự đoán, nhiều công ty chứng khoán công bố khoản lợi nhuận khủng, gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước.
Chứng khoán KIS Việt Nam báo cáo doanh thu hoạt động quý II gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước đạt hơn 866 tỷ đồng, chủ yếu nhờ phần lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ tăng vọt gấp 14 lần, lãi cho vay và phải thu gấp 2,1 lần. Lãi sau thuế 133 tỷ đồng, gấp 3,3 lần quý II/2020.
Quý II, doanh thu hoạt động Chứng khoán Everest (HNX:
EVS) đạt 252 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 107 tỷ đồng, gấp gần 7 lần. Hầu hết các doanh thu của Chứng khoán Everest đều tăng như lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ tăng 90%, lãi bán tài sản tài chính tăng 54%, chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính tăng 93%, doanh thu môi giới gấp 3,4 lần, lãi từ cho vay và phải thu tăng 62%.
Nhiều công ty chứng khoán khác công bố ước lợi nhuận quý II tăng trưởng cao như Chứng khoán Rồng Việt (HoSE:
VDS) tăng 42%, Chứng khoán Agribank (HoSE:
AGR) gấp 3 lần, Chứng khoán Techcombank tăng 32%...
Tuy nhiên, cũng có công ty chứng khoán báo lỗ là Chứng khoán Eurocapital (ECC), lỗ 1,1 tỷ đồng quý II do nguồn thu không bao nhiêu (239 triệu đồng) mà chi phí quản lý ở mức hàng tỷ đồng (gần 1,2 tỷ đồng). Chứng khoán Đại Việt (DVSC) cũng lỗ 4,2 tỷ đồng.
Thủy văn thuận lợi, nhiều công ty thủy điện tiếp tục lãi lớn
Điều kiện thủy văn thuận lợi, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tăng từ giữa năm 2020 đến nay đã giúp nhiều doanh nghiệp thủy điện tiếp tục ghi nhận thêm 1 quý lãi tăng mạnh.
Lợi nhuận Thủy Điện A Vương (UPCoM:
AVC) phục hồi mạnh từ quý II/2020 và lập đỉnh vào quý IV/2020, đến nửa đầu năm nay giảm dần nhưng vẫn gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý II của doanh nghiệp đạt 125 tỷ đồng, tăng 48%; lãi sau thuế 51 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước.
Đơn vị: tỷ đồng
Thời tiết chuyển mùa mưa từ tháng 5 với lượng mưa nhiều hơn cùng kỳ năm trước đã giúp Thủy điện miền Nam (HoSE:
SHP) ghi nhận doanh thu đạt 134 tỷ đồng, tăng 46%; lãi sau thuế 41 tỷ đồng, gấp gần 7 lần.
Vài doanh nghiệp thủy điện ghi nhận lãi tăng trưởng như Thủy điện Nước Trong (HNX:
NTH) tăng 29%, Sông Vàng (UPCoM:
SVH) tăng 51%...
Doanh nghiệp sợi, cao su thiên nhiên hưởng lợi từ đà tăng giá bán
Quý II, Sợi Thế Kỷ (HoSE:
STK) ước lãi sau thuế 69 tỷ đồng, gấp 24,2 lần mức thấp cùng kỳ năm trước (do dịch bệnh bùng phát mạnh ở các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc trong quý II/2020 khiến đầu ra bị tắc). Bên cạnh đó, yếu tố giá sợi tăng so với cùng kỳ năm trước và doanh nghiệp tăng tỷ trọng mảng sợi tái chế lên 57% từ mức 44% năm 2020.
Đơn vị: tỷ đồng
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex (UPCoM:
VGT), cho biết sau 24 tháng liên tục khó khăn, cầu thấp, nhiều thời điểm giá bán dưới giá thành thì từ tháng 10/2020, tình hình ngành sợi đã sáng lên, cầu và cả giá bán tăng cao. Ước tính hiệu quả của 6 tháng đầu năm về cơ bản có thể bù đắp được toàn bộ phần thiệt hại của 2 năm 2019, 2020.
Lãnh đạo Vinatex tiết lộ doanh thu hợp nhất 6 tháng ước 7.028 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước do không còn doanh thu sản phẩm
PPE (đồ dùng bảo hộ cá nhân). Tuy nhiên, lợi nhuận hợp nhất của Vinatex hoàn thành trên 70% kế hoạch cả năm, tăng khoảng 90% so với cùng kỳ, tăng 40% so với cùng kỳ 2019 trước đại dịch. Riêng ngành sợi đóng góp đến 60% hiệu quả của toàn tập đoàn.
Giá cao su tăng mạnh thời gian qua đã giúp Cao su Tân Biên (
RTB) đạt doanh thu 199 tỷ đồng, gấp 2,4 lần; lãi sau thuế 84 tỷ đồng, gấp đôi quý II/2020.
Hoạt động kinh doanh mủ cao su của Cao su Phước Hòa (HoSE:
PHR) cũng rất khởi sắc khi doanh thu công ty mẹ tăng 142% lên 349 tỷ đồng; lãi gộp gấp 3,6 lần lên 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, hụt thu từ đền bù đất dự án khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 đến 300 tỷ đồng khiến lợi nhuận
PHR giảm sâu 86% xuống 37 tỷ đồng.
Cao su Đà Nẵng (HoSE:
DRC) cho biết doanh thu quý II đạt 1.205 tỷ đồng, tăng 53%. Biên lãi gộp tăng từ 15% lên 19% giúp lợi nhuận sau thuế tăng 121% đạt 106 tỷ đồng. Giá cao su thiên nhiên tăng khiến chi phí nguyên liệu của Cao su Đà Nẵng tăng nhưng chi phí khấu hao giảm khi máy móc của nhà máy Radial giai đoạn 1 hết trích khấu hao giúp giá vốn giảm. Mặt khác, việc doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm như xuất khẩu lốp radial sang thị trường Mỹ, lốp bias sang thị trường Trung Đông Myanmar và Lào giúp doanh thu, lợi nhuận tăng cao.