Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương đưa ra giả thiết rằng kinh tế Việt Nam có khu vực chưa quan sát được và dòng tiền từ khu vục này bị ngưng trệ chưa đi đâu được nên đi vào thị trường chứng khoán.
Nguy cơ dòng tiền F0 đi ra khỏi thị trường chứng khoán khi các cơ hội ở khu vực kinh tế chưa quan sát được mở lại.
Trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam được cho rằng liên tục đi lên là nhà dòng tiền của nhà đầu tư mới (F0). Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong tháng 6 tiếp tục lập kỷ lục với 140.054 đơn vị, tăng 23,3% so với tháng 5. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp cá nhân mở mới trên 100.000 tài khoản. Tính tổng 6 tháng, cá nhân mở mới 619.911 tài khoản chứng khoán, vượt 58% so với cả năm 2020.
Trong bối cảnh các ngân hàng kiểm soát rất chặt những khoản vay về đầu tư chứng khoán thì một câu hỏi được đặt ra là những nhà đầu tư F0 này đã làm gì trước đây và tại sao họ có nhiều tiền như vậy để đủ sức giúp thị trường chứng khoán đi lên mạnh như thời gian qua?
Ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương.
Tại buổi tọa đàm "Chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm 2021", ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương đưa ra giả thiết rằng kinh tế Việt Nam có khu vực chưa quan sát được. Trong điều kiện bình thường, những khu vực này có hoạt động cho vay, huy động vốn lẫn nhau - còn gọi là "shadow banking". Tuy nhiên, khi kinh tế bị tác động bởi Covid và những khu vực chưa quan sát được bị ảnh hưởng rất lớn, dòng tiền khu vục này bị ngưng trệ nên đi vào thị trường chứng khoán, đây được gọi là dòng tiền nhà đầu tư F0.
Dù vậy, khi các cơ hội ở khu vực này mở lại thậm chí là nhanh hơn ở các khu vực quan sát được thì nhu cầu cầu vốn sẽ tăng nhanh ở những khu vực này, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ dòng tiền F0 đi ra khỏi thị trường chứng khoán.
Về quan điểm kênh bất động sản và chứng khoán có phải bong bóng, ông Tú Anh cho rằng diễn biến của thị trường tài sản có những dấu hiệu tăng trưởng quá nhanh. Lạm phát về giá tài sản đang rất cao và đặt ra những dấu hiểu để các cơ quan xem xét đánh giá điều này có bình thường hay không.