Chỉ trong vòng 5 phiên giao dịch từ 10-16/8, khối ngoại đã bán ròng 3.250 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Fubon FTSE Vietnam ETF được cho là bị rút vốn nên buộc phải bán chứng khoán cơ sở tại Việt Nam để hoàn trả trong các phiên giao dịch gần đây.
Một số cổ phiếu sắp phát hành tăng vốn cũng là nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng do các quỹ nắm giữ những mã này buộc phải bán ra do không muốn thực hiện quyền.
Trong tháng 7, khối ngoại mua ròng trở lại 4.717 tỷ đồng sau khi bán ròng đến hơn 15.600 tỷ đồng ở 2 tháng trước đó. Đây cũng là tháng thứ 2 trong năm 2021 khối ngoại mua ròng ở sàn HoSE, trước đó, dòng vốn này cũng mua ròng ở tháng 4 nhưng giá trị chỉ vỏn vẹn 71 tỷ đồng.
Trong báo cáo chiến lược tháng 8, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết trong những ngày đầu tháng 8, dòng vốn ETF vẫn duy trì tích cực khi nhiều quỹ vẫn liên tục được tăng vốn như VFM VN30, VFM VNDiamond, VanEck Vectors và Asian Growth CUBS. Tuy nhiên, sau khi giải ngân mạnh trong tháng 7, cùng với xu hướng dòng vốn yếu hơn ở thị trường Đài Loan, dòng vốn ETF tháng 8 có thể sẽ yếu hơn tháng 7.
Thực tế cho thấy trong một vài phiên giao dịch gần đây, khối ngoại đã bán ròng trở lại mạnh trên sàn HoSE. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, dòng vốn ngoại có 5 phiên bán ròng liên tiếp ở sàn này với tổng giá trị 3.250 tỷ đồng.
Trong đó, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bluechip bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất SSI, VIC, HPG, NVL hay chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND (VNDiamond).
Theo phân tích của ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset Việt Nam cho rằng nhìn chung đợt bán ròng này của ngoại khối tới từ 2 nhánh trọng yếu. Thứ nhất là các ETF đang bị rút ròng, trong đó đặc biệt là Fubon FTSE Vietnam ETF. Sau khoản thời gian giải ngân hơn 4.500 tỷ trong tháng 7, có lẽ Fubon FTSE Vietnam ETF đang bị các cổ đông ở Đài Loan rút vốn và buộc bán chứng khoán cơ sở tại Việt Nam để hoàn trả.
Theo số liệu thống kê mới đây, trong tuần giao dịch 9-13/8, Fubon FTSE Vietnam ETF đã bị rút 37 triệu USD (khoảng 860 tỷ đồng), nâng số vốn lũy kế rút ròng từ đầu tháng 8 tới nay lên 43 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, vấn đề trên theo quan điểm của ông Tuấn là không hề đáng ngại và đây là hoạt động thường kỳ của một quỹ mở như ETF.
Trong khi đó, nhìn dài hơn, chuyên gia đến từ Miare Asset Việt Nam tiếp tục đánh giá Fubon FTSE Vietnam ETF sẽ là một trong những quỹ có quy mô tài sản lớn tại Việt Nam. Cơ sở để đưa ra nhận định trên là tuần trước quỹ ETF này vừa trình hồ sơ xin tăng vốn quản lý lên Ủy ban chứng khoán Đài Loan với quy mô tổng tài sản lên tới 720 triệu USD, tương đương với hơn 16.000 tỷ đồng và lớn hơn quỹ ETF nội lớn nhất Việt Nam hiện tại là VNDiamond ETF.
Điều thứ 2 dẫn đến trạng thái bán ròng của khối ngoại theo ông Tuấn là đến từ một số cổ phiếu thực hiện tăng vốn nhưng không nằm trong kế hoạch của các quỹ. Ở trường hợp này, các quỹ đang nắm giữ những cổ phiếu này sẽ buộc phải bán ra để tránh phải thực hiện quyền.
Chuyên gia đến từ Miare Asset Việt Nam đánh giá khi dịch bệnh được kiểm soát và ổn định thì khối ngoại sẽ quay trở lại mua ròng bởi nền tảng vĩ mô tốt lên và định giá trở nên hấp dẫn. Theo đó, có thể giai đoạn quý IV sẽ là thời điểm mua ròng rất mạnh để đón đầu cho năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng và quay trở lại guồng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.