Hầu hết doanh nghiệp logistics thuộc họ "Tân Cảng" như ILB, TCL, TCW... đều tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong nửa đầu năm.
Đơn vị thành viên Dịch vụ biển Tân Cảng sắp lên sàn UPCoM đạt hơn 63 tỷ đồng lãi sau thuế, hoàn thành 48% mục tiêu cả năm.
Sau gần 32 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thuộc Quân chủng Hải quân đã mở rộng hệ thống với 16 cảng biển, 8 ICD (cảng cạn) cùng các cơ sở kho bãi và cảng vệ tinh khắp cả nước, cung ứng dịch vụ tổng hợp giao - nhận - kho - vận. Theo đó, tổng công ty đã trở thành nhà khai thác cảng container hàng đầu Việt Nam với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 90% khu vực phía Nam và hơn 60% thị phần cả nước.
Hệ sinh thái của Tân Cảng Sài Gòn gồm 22 công ty con và 9 đơn vị liên kết kinh doanh trên địa bàn từ Bắc đến Nam với ngành nghề chủ lực là khai thác cảng, dịch vụ logistics, vận tải biển và dịch vụ hàng hải theo định hướng chiến lược của tổng công ty.
Hầu hết các doanh nghiệp thuộc họ “Tân Cảng” đang niêm yết trên sàn đều hoạt động chính trong lĩnh vực logistics như ICD Tân Cảng - Long Bình (HoSE:
ILB), Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (HoSE:
TCL), Kho vận Tân Cảng (UPCoM:
TCW)… Nửa đầu năm nay, các công ty này đều có sự cải thiện ở cả doanh thu và lợi nhuận tương tự nhiều đơn vị cùng ngành nhờ hoạt động xuất/nhập khẩu tăng trưởng tốt, giá cước vận tải bị đẩy lên cao, cộng thêm thiếu hụt container khiến tốc độ lưu thông hàng hóa chậm lại và gia tăng nhu cầu lưu kho hàng hóa. Trong nửa đầu năm, lượng hàng hóa container thông qua cảng biển tăng 25% lên hơn 12,7 triệu teus, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vài năm gần đây (theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam).
Lũy kế 6 tháng, Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (HoSE:
TCL) ghi nhận doanh thu tăng 18% lên 602 tỷ đồng, trong đó hơn nửa đến từ doanh thu dịch vụ thông quan hàng hóa nội địa (ICD/depot). Công ty cũng có gần 8,5 tỷ đồng lãi trong công ty liên doanh liên kết, trong khi cùng kỳ khoản này âm hơn 1,2 tỷ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt 61 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ, hoàn thành 55% kế hoạch.
Năm nay, công ty sẽ tiếp tục tập trung khai thác ICD Tân Cảng Nhơn Trạch, từng bước đẩy nhanh tiến độ xây dựng mở rộng khu vực này thêm 15 ha, đồng thời gia tăng tỷ trọng xếp dỡ tại cảng Cát Lái.
Mặc dù kết quả kinh doanh hai năm đây không tăng trưởng đột biến nhưng công ty trả cổ tức tiền mặt ở mức kỷ lục 70% (năm 2019) và 50% (năm 2020). Trong khi đó, tỷ lệ cổ tức bằng tiền các năm trước chỉ duy trì quanh 15-18%. Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm nay, tỷ lệ cổ tức dự kiến giảm về mức 22%.
Kho vận Tân Cảng (UPCoM:
TCW) ghi nhận gần 431 tỷ đồng doanh thu, tăng 16% so với nửa đầu năm ngoái và hoàn thành 55% chỉ tiêu cả năm. Trong đó, các hoạt động cung cấp dịch vụ như bốc xếp dỡ hàng hóa, khai thác kho bãi, lưu giữ hàng hóa, vận tải… đem về hơn 428 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 15% lên 47 tỷ đồng, tương đương 56% kế hoạch.
Theo doanh nghiệp, dự án kho CFS Cát Lái – Giai đoạn 2 (kho thu gom hàng lẻ) đưa vào hoạt động trong năm nay sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ kho CFS Cát Lái. Ngoài ra, việc triển khai các dự án ngoài cảng Cát Lái như dự án 3.2 ha Phú Hữu, cảng Thủy Nội địa và dự án 7,3 ha Đồng Nai sẽ góp phần mở rộng địa bàn sản xuất, tăng doanh thu cho đơn vị, cũng như giảm áp lực cho hệ thống kho bãi.
Về ICD Tân Cảng – Long Bình (HoSE:
ILB), doanh thu 6 tháng tăng 16% lên gần 256 tỷ đồng, chủ yếu từ dịch vụ cho thuê kho và các dịch vụ đi kèm. Công ty cho biết nhờ tăng trưởng về nhu cầu lưu kho bãi cùng sự tiết giảm chi phí tài chính do lãi suất cho vay giảm nên lợi nhuận sau thuế tăng 28%, đạt hơn 40 tỷ đồng, tương đương 62% kế hoạch năm.
Mặc dù xuất hiện tương đối muộn so với các đối thủ, ICD Tân Cảng – Long Bình hiện là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kho vận và dịch vụ điểm thông quan nội địa ICD tại khu vực Đông Nam Bộ. Công ty cũng sở hữu lợi thế khi nằm ở vị trí được bao quanh bởi nhiều khu công nghiệp lớn của tỉnh Đồng Nai và các tuyến đường giao thông huyết mạch, theo đó sẽ là một trong những đơn vị hưởng lợi lớn nhất từ xu thế tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu và nhu cầu vận tải hàng hóa của tỉnh Đồng Nai đến các hệ thống cảng Cát Lái và Cái Mép.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này sở hữu quỹ đất gần 230 ha tại TP Biên Hòa, Đồng Nai, theo đó là đơn vị kho vận và ICD có diện tích mặt bằng lớn nhất cả nước và sở hữu lợi thế theo quy mô vượt trội so với các doanh nghiệp trong khu vực như ICD Transimex (10 ha), ICD Sotrans (10 ha), ICD Phước Long (15 ha).
Ngoải ra, một số doanh nghiệp thuộc họ “Tân Cảng” khác đang niêm yết trên sàn như ICD Tân Cảng - Sóng Thần (UPCoM:
IST) hay Tân Cảng - Phú Hữu (UPCoM:
PNP) cũng có kết quả tương đối tích cực nửa đầu năm.
Đầu tháng 8 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận đăng ký giao dịch 26,5 triệu cổ phiếu TOS của một đơn vị thành viên của Tân Cảng Sài Gòn là CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng. Mức giá chào sàn và ngày chính thức đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên UPCoM chưa được công bố.
Thành lập từ năm 2012, doanh nghiệp này khác với các công ty kinh doanh kho vận và ICD trên khi lấy định hướng khai thác, quản lý đội tàu dịch vụ cho ngành dầu khí làm nền tảng. Cụ thể, một số hoạt động kinh doanh cốt lõi có thể kể đến như cung cấp tàu dịch vụ dầu khí; vận chuyển, lắp đặt công trình dầu khí biển; khảo sát công trình ngầm; lai dắt và cứu hộ cứu nạn; quản lý khai thác cảng, đầu tư tài chính… Dịch vụ biển Tân Cảng cũng sở hữu 4 công ty con và liên kết với ngành nghề đa dạng như cung cấp dịch vụ khách sạn, đại lý du lịch, vận tải đường thủy, xây dựng cảng…
Đội tàu dịch vụ của công ty gồm 19 chiếc, đa dạng về công suất và chủng loại, có khả năng hỗ trợ chiến dịch khoan, thăm dò, khai thác dầu khí, cứu hộ cứu nạn… Đơn vị còn sở hữu 2 sà lan phục vụ các công tác vận chuyển công trình biển và 2 thiết bị khảo sát ngầm.
Trong năm nay, doanh nghiệp tiếp tục triển khai trẻ hóa đội tàu thông qua thanh lý các tàu cũ, độ tuổi cao như TC 69, TC Princess, TC 63 và đầu tư các tàu mới với trang thiết bị hiện đại và tuổi đời ít hơn 10 năm.
Chi tiết một số tàu dịch vụ của Dịch vụ biển Tân Cảng. Nguồn: BCTN năm 2020 của Dịch vụ biển Tân Cảng
Đơn vị cũng dự kiến phát triển dự án cảng dịch vụ Dầu khí Hòn Chông, Kiên Giang; tìm kiếm đầu tư thêm các cơ sở hạ tầng bến bãi, cảng sông/ cảng biển có vị trí chiến lược để đưa vào khai thác tại khu vực Long Sơn – Bà Rịa Vũng Tàu và khu công nghiệp Nghi Sơn – Thanh Hóa. Ngoài ra, công ty lên kế hoạch phát triển thêm tại thị trường mới trong nước và khu vực như Thái Lan, Myanmar, Malaysia; hoàn thiện việc đầu tư xây dựng 9 ha tại ICD Tân Cảng Quế Võ, Bắc Ninh và chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược PSA – Singapore.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, doanh nghiệp đặt mục tiêu 1.049 tỷ đồng doanh thu và 130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 5% và 8% so với thực hiện năm ngoái. Sau nửa đầu năm, doanh thu đi ngang ở mức 630 tỷ đồng, lãi bán cổ phần ICD Quế Võ mang về gần 6 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 63 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Với kết quả bán niên, công ty hoàn thành 60% chỉ tiêu doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến ngày 30/6, Tân Cảng Sài Gòn là cổ đông lớn duy nhất với tỷ lệ sở hữu 35,28%, tương đương hơn 9,3 triệu cổ phần. Tại ĐHCĐ thường niền 2021, cổ đông công ty đã thông qua phương án phát hành thêm hơn 4,2 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và chào bán 298.125 cổ phiếu với giá 10.000 đồng cho nhà đầu tư dự kiến là Tân Cảng Sài Gòn. Theo đó, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 265 tỷ lên 310 tỷ đồng.