Đà tăng của Phố Wall, có chỉ số lên gấp đôi so với đáy đại dịch năm ngoái, đang bước vào tháng 9 – tháng được coi là tệ nhất với thị trường chứng khoán.
Nhà đầu tư hiện chú ý đến đợt bùng phát Covid-19 gần đây ở Mỹ và Fed dự định siết chính sách hỗ trợ như thế nào.
Tháng 9 là tháng tệ nhất trong năm đối với S&P 500, với mức giảm trung bình 0,56% kể từ năm 1945, theo Sam Stovall, giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA.
S&P 500 chỉ tăng trong 45% tổng số tháng 9, tỷ lệ thấp nhất so với các tháng còn lại, số liệu từ CFRA cho thấy.
Lần này, Phố Wall có lợi thế là đang trong đà tăng. S&P 500 có phiên lập đỉnh lịch sử thứ 53 năm nay hôm 30/8 và đã tăng 20% kể từ đầu năm, trải qua gần 290 ngày nhưng chưa có đợt điều chỉnh nào 5% hoặc hơn.
Xu hướng tương tự trong quá khứ thường có kết quả mang lại lợi nhuận tốt. S&P 500 có mức tăng trung bình năm khoảng 5,2% trong những năm có 30 lần hoặc nhiều hơn lập đỉnh mới trong tháng 8, theo số liệu từ LPL Financial. Trung bình của tất cả các năm chỉ là tăng 3,6%.
Bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 27/7 giúp xoa dịu phần nào lo ngại ngân hàng trung ương Mỹ có thể thu hồi quá sớm chương trình mua tài sản 120 tỷ USD/tháng đã góp phần giúp thị trường tăng suốt thời gian qua.
Nhân viên môi giới tại sàn NYSE. Ảnh: Business Wire.
Dù vậy, một số nhà đầu tư đang ngày càng thận trọng hơn, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tiếp tục tăng và sự bất định về tiến độ khi Fed bắt đầu siết chính sách.
Với lo ngại liên quan biến chủng Delta phủ bóng thị trường, “tiếp tục nghi ngờ đà tăng hiện tại vì yếu tố mùa vụ là điều dễ hiểu”, theo JJ Kinahan, giám đốc chiến lược thị trường tại TD Ameritrade.
Trong khi các chỉ số chính lập đỉnh, nhiều cổ phiếu bị bỏ lại phía sau. Ngày 24/8 đánh dấu lần đầu tiên trong gần 7 năm S&P 500 lên đỉnh lịch sử trong khi số liệu 10 ngày cho thấy có nhiều cổ phiếu trên sàn NYSE và Nasdaq thấp nhất 52 tuần hơn là cao nhất 52 tuần, theo Willie Delwichie, chiến lược gia đầu tư tại công ty nghiên cứu thị trường All Star Charts.
Nhà đầu tư còn hạ đòn bẩy, với nợ ký quỹ giảm 4,3% xuống 844 tỷ USD trong tháng 7 dù S&P 500 tăng hơn 2%, theo số liệu từ BofA Global Research. S&P 500 thường giảm 71% số phiên trong một năm sau khi nợ ký quỹ đạt đỉnh.
Tỷ lệ đòn bẩy ròng trong các quỹ phòng hộ là 50% khi quý III bắt đầu, thấp hơn so với mức 58% của năm ngoái, theo một báo cáo từ Goldman Sachs.
Dù đà tăng của thị trường từ đầu năm là rất đáng kể, nhà đầu tư vẫn hoài nghi xu hướng này có thể tiếp tục bao lâu nữa. Kết quả một khảo sát từ Reuters cho thấy các chiến lược gia tin S&P 500 sẽ không tăng quá xa so với mức hiện tại khi kết thúc năm.
Ảnh hưởng từ biến chủng Delta đến kinh tế Mỹ sẽ phần nào được bộc lộ ngày 3/9, khi báo cáo việc làm tháng 8 được công bố, sau các số liệu không mấy khả quan về tâm lý người tiêu dùng và doanh số bán lẻ. Số ca nhiễm mới Covid-19 trung bình 7 ngày tại Mỹ vào khoảng 155.000, cao nhất 7 tháng.
“Khi lọc bỏ nhiễu… đó là thứ thị trường đang chú ý lúc này, đơn giản là vậy”, Jack Janasiewicz, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Natixis Investment Managers Solutions, nói.
Dù vậy, vẫn còn nhiều sự ủng hộ cho quan điểm thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên trong cuối năm.
BofA Securities cho biết hoạt động mua lại từ các doanh nghiệp khách hàng trong tuần kết thúc ngày 22/8 cao nhất kể từ tháng 3, mở ra một kênh tiềm năng để hỗ trợ thị trường chứng khoán. Dẫn đầu xu hướng này là lĩnh vực tài chính – với khối lượng mua lại hàng tuần cao nhất từ năm 2010.
“Bất chấp sự gia tăng rõ ràng của biến thể Delta, chúng tôi nghĩ nền kinh tế Mỹ sẽ ‘luồn lách’ được” nhờ chi tiêu từ người tiêu dùng và doanh nghiệp”, theo Rick Rieder, giám đốc đầu tư bộ phận thu nhập cố định toàn cầu tại BlackRock.
Một số nhà đầu tư vẫn sẵn sàng “thoát hàng” nếu có dấu hiệu suy giảm xuất hiện trong vài tuần tới.
“Nếu thấy một đợt suy giảm trong tháng 9, tôi chắc chắn sẽ khuyến nghị khách hàng của mình rằng ‘hãy coi đó là cơ hội để mua vào’”, Janasiewicz nói.