Nhà sản xuất du thuyền Fiart (Italy) vừa 'bắt tay' với một nhà cung cấp giải pháp du thuyền và bến du thuyền để phân phối các dòng sản phẩm và dịch vụ du thuyền cao cấp.
Với lợi thế nằm giữa 2 trung tâm siêu du thuyền mới nổi là Hải Nam và Sydney, thị trường du thuyền Việt Nam hy vọng sẽ có cú hích sau dịch
Gia nhập thị trường đúng thời điểm
Tập đoàn Fiart, nhà sản xuất du thuyền của Italy vừa “bắt tay” với Saigon Yacht and Marina JSC (SYMC) - công ty chuyên cung cấp các giải pháp du thuyền và bến du thuyền, để phân phối trực tiếp các dòng sản phẩm, dịch vụ du thuyền cao cấp của Fiart tại thị trường Việt Nam. Động thái này cho thấy vị thế, vai trò của thị trường du thuyền, giải trí Việt Nam trong mắt các “ông lớn” sản xuất du thuyền thế giới.
Bà Phạm Thị Báu, Tổng giám đốc Vietyacht Saigon - đơn vị phân phối độc quyền 3 thương hiệu hàng đầu của Ferretti S.p.A (Ý) là Ferretti Yachts, Pershing và Riva cho biết, hiện tại, hầu hết các hãng du thuyền chưa biết nhiều đến thị trường Việt Nam.
“Chúng tôi là đơn vị đầu tiên phân phối hàng chính hãng và đã phải đàm phán tận 3 năm mới đồng ý cho làm đại lý, với điều kiện phải đáp ứng khoảng 10 tiêu chí. Hầu hết các hãng du thuyền hàng đầu là như thế”, bà Báu cho biết.
Việc này có những bất lợi, nhưng cũng là một ưu thế để thế giới càng quan tâm và đổ dồn về một điểm đến hiếm hoi của châu Á, như Việt Nam.
Trước mắt, Fiart sẽ cùng với SYMC phân phối một số loại du thuyền như các mẫu Seawalker, Classic và Cetera, đáp ứng nhu cầu cụ thể của khách hàng Việt Nam về tiện nghi, tốc độ cũng như phong cách thiết kế đặc trưng của Italy.
Là một hãng du thuyền lâu đời của Italy, Fiart Mare nhấn mạnh yếu tố am hiểu về kỹ thuật cũng như các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng. Đây vốn là thế mạnh của SYMC với kinh nghiệm lâu đời thừa hưởng từ công ty mẹ, có hơn 36 năm hình thành và phát triển, cũng như có lợi thế từ hệ sinh thái tư vấn, thiết kế, đóng, bảo dưỡng và vận hành du thuyền. SYMC tập trung vào những chiếc du thuyền phù hợp với địa hình của các thành phố và sông hồ ven biển ở Việt Nam, bao gồm cả catamaran (du thuyền hai thân).
Năm 2019, Aquila International cũng đã bắt tay với SYMC để tham gia thị trường Việt Nam, qua việc phân phối du thuyền của thương hiệu Aquila Power Catamarans. Aquila một trong những thương hiệu du thuyền hai thân chạy máy thủy (Power Catamaran) phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Thời điểm đó, ông Dave Bigge, Phó chủ tịch của Aquila International thừa nhận, thị trường du thuyền Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực du thuyền giải trí. Đây là thời điểm rất tốt để Aquila tham gia thị trường này.
Du thuyền tăng tốc
Theo ông Đỗ Bình Dương, CEO của Công ty SYMC, hơn 2 năm qua, Covid-19 đã làm thay đổi thị hiếu của khách hàng có thu nhập cao, khi họ cần có không gian riêng và du lịch nhóm nhỏ. Chính vì vậy, ngành công nghiệp du thuyền phát triển phi mã, các nhà máy đã kín lịch giao hàng cho đến hết năm 2023. Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi nhu cầu ngày càng tăng.
Trong khi đó, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, khi gặp khó khăn vì đại dịch, lại càng có sự phân hóa với du thuyền. Thị trường du thuyền đang dần trở thành điểm nhấn, cũng như một ưu thế dành cho phân khúc cao cấp.
Với sự tham gia của phần lớn các nhãn hiệu du thuyền cao cấp, Việt Nam hứa hẹn là một thị trường nhiều tiềm năng trong năm nay, với nhiều đột phá ở nhiều phân khúc khác nhau.
Ông Dương khẳng định, các mẫu du thuyền như Seawalker, Classic, Cetera đáp ứng nhu cầu cụ thể của khách hàng Việt Nam về tiện nghi, tốc độ cũng như phong cách thiết kế đặc trưng của Italy.
“Hai năm gần đây, giá cả du thuyền ngày càng tăng do nhu cầu của khách hàng cao, tình trạng khan hiếm sản phẩm, chuỗi logistics từ các nhà cung cấp bị kẹt”, ông Dương cho hay.
Các đơn hàng tăng tăng mạnh, trong khi các hãng giảm nhân công sản xuất, nên thời gian xuất xưởng chậm hơn dự kiến. Thông thường, thời gian sản xuất du thuyền mới khoảng 3 tháng, còn hàng đang sản xuất hoặc có sẵn thì hơn 1 tháng.
Với sự tham gia của phần lớn các nhãn hiệu du thuyền cao cấp, Việt Nam hứa hẹn là một thị trường nhiều tiềm năng trong năm nay, với nhiều đột phá ở nhiều phân khúc khác nhau.
Bà Phạm Thị Báu tiết lộ, du thuyền dưới 10 tỷ đồng cho phân khúc thuyền câu Merryfisher, dưới 20 tỷ đồng cho phân khúc tầm trung và trên 30 tỷ đồng cho hạng sang. Song phân khúc tầm trung (dưới 20 tỷ đồng) đang thịnh hành ở Việt Nam thời điểm này, vì dễ cho thuê, tiết kiệm chi phí, dễ vận hành.
Điểm khó của thị trường không nằm ở hạ tầng hay tầng lớp trung lưu vốn đã hình thành, mà nằm ở thị hiếu và phong cách sống của tầng lớp này.
“Hy vọng, dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy sự thay đổi khẩu vị nghỉ dưỡng và lối sống của tầng lớp trung lưu đang ngày càng được trẻ hóa”, ông Dương cho hay.
Với lợi thế nằm giữa 2 trung tâm siêu du thuyền mới nổi là Hải Nam và Sydney, thị trường du thuyền hy vọng sẽ có cú hích sau dịch, khi du thuyền không còn là một thú chơi xa xỉ của giới nhà giàu, mà là một nền tảng để kết nối đầu tư, một phong cách sống để tận hưởng của giới trẻ.
Nhằm bảo vệ bản thân trước dịch bệnh mà vẫn thỏa mãn niềm đam mê du lịch, giới nhà giàu không tiếc tiền để chi cho các gói du lịch sang chảnh ở các nơi hẻo lánh. Đó có thể là một hòn đảo trên đại dương, nơi có các khu nghỉ dưỡng rộng thênh thang chào đón một lượng khách nhất định. Mọi người tới đây để nghỉ dưỡng, hoặc làm việc từ xa nhằm cách ly khỏi phần lớn thế giới đang chật vật đối phó với dịch bệnh.
“Để khai thác thị trường cao cấp này, cần phải có sự quan tâm và bảo tồn những địa điểm thiên nhiên, tránh đi theo trào lưu du lịch số đông rất thịnh hành ở Việt Nam thời gian qua”, ông Dương chia sẻ.