Tại Lễ đánh Cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham dự và đưa ra những nhiệm vụ cụ thể cho thị trường chứng khoán năm 2022.
Những "con số biết nói"
Tại Lễ đánh Cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2022, người đứng đầu Bộ Tài chính đã đưa ra những đánh giá tích cực về kết quả thị trường chứng khoán trong năm qua.
So với năm 2020, chỉ số VN-Index tăng 35,7%, đạt 1.498,28 điểm khi đóng cửa phiên cuối năm 2021. Thanh khoản gấp 2,6 lần so với năm 2020, đạt 26.600 tỷ đồng/phiên, đặc biệt trong tháng 9/2021, TTCK Việt Nam liên tục có những phiên thanh khoản vượt 1 tỷ USD, thậm chí có những phiên vượt 2 tỷ USD.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7,77 triệu tỷ đồng, tăng 467,8% và đạt 123% so với GDP 2020, đạt 92,6% so với GDP ước tính năm 2021. Số tài khoản mở đạt trên 1,5 triệu tài khoản, bằng tổng số tài khoản mở mới 4 năm công lại. “Đây là những thắng lợi lớn, là những “con số biết nói” của TTCK năm 2021”- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Huy động vốn trên TTCK năm 2021 tăng 25% so với 2020, đặc biệt là phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 155.588 tỷ đồng, tăng 2,3 lần.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, đối với các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nhưng không có tài sản bảo đảm vẫn đang có những lỗ hổng cần bịt lại.
Do vậy, Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP theo hướng siết chặt hơn các điều kiện về phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà không có tài sản bảo đảm, để đảm bào thị trường này phát triển minh bạch hơn, phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp và cạnh trạnh lành mạnh. “Doanh nghiệp vẫn thua lỗ, vẫn nợ xấu, tiềm lực tài chính không có mà vẫn phát hành thì không được, do vậy đây là yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật” – Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh Cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2022.
Đón đầu việc nghẽn lệnh vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm
Sự kiện xử lý thành công hiện tượng nghẽn lệnh trên sàn HOSE cũng là điểm nhấn được Bộ trưởng nhắc tới. Qua 100 ngày đúng kế hoạch, vấn đề nghẽn lệnh đã được khắc phục kịp thời, triệt để, thành công.
Tuy nhiên, với tình hình tăng trưởng nhanh của TTCK hiện nay, Bộ trưởng cũng yêu cầu Sở GDCK Việt Nam và Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh chủ động, có giải pháp đón đầu để hệ thống giao dịch của thị trường không bị xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh, đảm bảo các điều kiện giao dịch tốt nhất cho nhà đầu tư.
Hiện số lệnh giao dịch đã tăng lên 2,5 triệu lệnh trong khi Sở vừa mới nâng giới hạn xử lý lệnh tăng lên 3 triệu lệnh.
Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu ngành chứng khoán tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, từ cập nhật các quy định mới từ Luật, các nghị định, thông tư, chính sách mới và Chiến lược phát triển của TTCK, để đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, đúng đắn.
Về bộ máy, vừa qua, Sở GDCK Việt Nam được thành lập, ở dưới là Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh và Sở GDCK Hà Nội, vì vậy, Bộ trưởng đề nghị phải sắp xếp bộ máy một cách linh hoạt nhất, hiệu quả nhất và chất lượng nhất.
Trong năm 2022, cùng cần phải phải tập trung xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chuyên biệt để tạo thuận lợi cho kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng chỉ đạo phải tăng cường trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, trục lợi trên TTCK.
“Năm 2022, thách thức khó khăn vẫn còn, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tài chính, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của toàn ngành Chứng khoán, TTCK tin tưởng sẽ tiếp tục giành được nhiều thắng lợi” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ tin tưởng.