Theo tờ Jakarta Post, quá trình phục hồi ngành du lịch của Indonesia có thể đang đối mặt với những “cơn gió ngược” mạnh hơn do du khách nước ngoài hạn chế chi tiêu trước nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và năm 2023, đồng thời tăng dự báo lạm phát.
Giá năng lượng và lương thực tăng vọt do xung đột tại Ukraine, các chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát và chính sách zero-COVID ở Trung Quốc là một trong những yếu tố được dẫn tới những dự báo ảm đạm này.
Một góc thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: TTXVN
IMF dự báo sức mua hộ gia đình sẽ giảm mạnh do giá cả ngày càng tăng ảnh hưởng đến mức sống trên toàn cầu.
Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Indonesia (PHRI) Maulana Yusrana (Alan) cho rằng, tình hình bất ổn kinh tế toàn cầu hiện nay sẽ ảnh hưởng đến du lịch vì tác động đến khả năng sẵn sàng đi du lịch nước ngoài của du khách.
Ông Alan cho biết: “Nhiều tháng trước, chúng tôi phải vật lộn với những hạn chế đi lại. Khi những hạn chế này được nới lỏng, giờ đây lại đến một rào cản khác là suy thoái và lạm phát tăng vọt ở nhiều quốc gia”.
Ông Alan cho rằng du khách nước ngoài sẽ thực hiện các chuyến du lịch theo kế hoạch của họ trong năm nay, song lưu ý rằng điều này có thể không xảy ra trong năm tới.
Các nước châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương - vốn đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng tăng và lạm phát cao kéo dài - chiếm khoảng ¼ lượng khách du lịch nước ngoài đến Indonesia trong năm 2019. Phần còn lại đến từ các nước ASEAN và các nước châu Á.
Ngoài thời gian lưu lại lâu hơn, du khách châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương chi trung bình 1.200-1.400 USD cho mỗi chuyến đi tới Indonesia vào năm 2019, nhiều hơn so với mức dưới 1.000 USD của các du khách châu Á.
Ngày 3/10, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Sandiaga Uno khẳng định tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ ảnh hưởng đến du lịch Indonesia, song đảm bảo rằng đất nước này có thể vượt qua khó khăn.
Phát biểu họp báo hàng tuần, ông Sandiaga nói: “Chúng tôi chắc chắn rằng sức mạnh của Indonesia nằm ở nền kinh tế trong nước”, đồng thời cho hay quốc gia này đang trên đà đạt được mục tiêu 550 triệu lượt du khách nội địa trong năm nay.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý Du lịch Indonesia (Astindo) Pauline Suharno cho biết quốc gia này thường được coi là kém cạnh tranh hơn so với các điểm đến khác trên thế giới do một số yếu tố, trong đó có yêu cầu thị thực rườm rà và giá vé máy bay đắt đỏ.
Bà Pauline cho rằng du khách trong nước có thể bù đắp một phần cho sự sụt giảm du khách quốc tế, song khó có thể bù đắp hoàn toàn cho sự sụt giảm doanh thu. Các điểm đến, nhất là những điểm không được chọn làm địa điểm tổ chức các sự kiện của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), được dự báo sẽ vắng khách.
Bà Pauline nói: “Đối với các đại lý du lịch, du khách trong nước không thể thay thế cho du khách nước ngoài vì họ thường tự thu xếp đi lại”. Giá vé máy bay tăng cao cũng cản trở sự phục hồi của du lịch nội địa lẫn quốc tế.
Phó Thống đốc Ngân hàng Indonesia (BI) chi nhánh Bali, bà Gusti Agung Diah Utari cũng lo ngại rằng quá trình phục hồi kinh tế của "thiên đường nghỉ dưỡng" này sẽ bị đe dọa từ việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Bà Utari cho biết giới chức đang tìm cách giúp đa dạng hóa nền kinh tế Bali bằng cách khuyến khích người dân quay lại đánh bắt thủy sản và làm nông nghiệp, đồng thời củng cố các doanh nghiệp nhỏ bên ngoài lĩnh vực du lịch.
Andry Satrio - Giám đốc Trung tâm Thương mại, Công nghiệp và Đầu tư thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef) – đánh giá rằng sự sụt giảm khách du lịch nước ngoài sẽ ảnh hưởng lớn đến du lịch Indonesia do đối tượng khách hàng này có xu hướng chi tiêu nhiều hơn du khách trong nước.
Ông Andry dự báo rằng người dân ở nhiều địa phương phụ thuộc vào du lịch sẽ chuyển sang làm việc khác và lưu ý rằng xu hướng này đã bắt đầu.
Tuy nhiên, ông Haris Eko Faruddin - nhà phân tích du lịch, đường biển và vận tải hàng không thuộc ngân hàng quốc doanh Bank Mandiri – cho rằng Indonesia vẫn có thể duy trì sự phục hồi du lịch, đồng thời lạc quan về số liệu du lịch năm 2023.
Ông Faruddin cho rằng, du lịch đã trở thành một phần quan trọng trong lối sống của nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, và nhiều người sẽ cố gắng duy trì ngân sách giải trí của họ bất chấp hoàn cảnh khó khăn hơn.
Ông Faruddin không cho rằng nền kinh tế thế giới đang đầy rẫy khó khăn hiện nay sẽ trở nên tồi tệ đối với ngành du lịch như đại dịch COVID-19, nhắc lại rằng phần lớn các hạn chế đi lại đã được dỡ bỏ và Tổng thống Joko Widodo dự kiến sẽ tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp đại dịch trong tương lai gần. Ngoài ra, theo ông Faruddin, có thể giá dầu toàn cầu sẽ tiếp tục bình thường hóa trong năm tới, kéo giá vé máy bay – vốn phần lớn được quyết định bởi giá nhiên liệu - đi xuống./.