Tỷ lệ lạm phát tháng Chín đã tăng lên mức 5,95% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức 4,69% trong tháng 8, song thấp hơn một chút so với mức 6% dự báo trong một cuộc thăm dò trước đó.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), trong tháng 9/2022, tỷ lệ lạm phát ở quốc gia Đông Nam Á này đã vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2015 do chi phí vận tải đắt đỏ hơn sau khi chính phủ tăng giá nhiên liệu.
Tỷ lệ lạm phát tháng Chín đã tăng lên mức 5,95% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức 4,69% trong tháng 8, song thấp hơn một chút so với mức 6% dự báo trong một cuộc thăm dò trước đó.
Tỷ lệ lạm phát lõi - không bao gồm các mặt hàng do chính phủ kiểm soát và giá thực phẩm biến động - đã tăng lên mức 3,21% trong tháng Chín, cao hơn mức 3,04% trong tháng 8 và mức dự báo 3,6% của các nhà phân tích.
Phát biểu họp báo ngày 3/10, người đứng đầu BPS Margo Yuwono cho biết lạm phát tháng Chín chủ yếu bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng giá nhiên liệu và lạm phát trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Ông Margo cũng cảnh báo rằng lạm phát có thể tăng nhiệt hơn nữa trong tháng 10 trong bối cảnh một số tỉnh thành vẫn chưa tăng giá vé giao thông.
Chính phủ Indonesia đã quyết định tăng giá nhiên liệu được trợ cấp khoảng 30% vào đầu tháng 9 nhằm kiềm chế đà tăng các hóa đơn trợ cấp.
Trong cuộc họp hồi tháng Chín vừa qua, Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) cũng tăng lãi suất điều hành lên 50 điểm cơ bản trong nỗ lực kiểm soát lạm phát, vốn được dự báo sẽ đạt đỉnh trên 6% và lạm phát cơ bản ở mức 4,6% vào cuối năm nay, cao hơn mức mục tiêu là 2-4%.
Cũng trong ngày 3/10, Phó thống đốc BI, ông Aida S Budiman dự báo rằng tỷ lệ lạm phát trong năm tới của Indonesia sẽ vượt mức 4% do ảnh hưởng của việc tăng giá lương thực và năng lượng./.