Nhiều khu công nghiệp tại Quảng Bình đang có tỷ lệ lấp đất thấp so với quy hoạch, nguyên nhân do gặp khó trong giải phóng mặt bằng và thu hút đầu tư.
Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, Quảng Bình. Ảnh: Nguyễn Chiến
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình cho biết, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 6 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 3 KCN đã được thành lập là KCN Tây Bắc Đồng Hới (TP. Đồng Hới) thành lập 2005, KCN Bắc Đồng Hới (TP. Đồng Hới) thành lập 2009 và KCN Tây Bắc Quán Hàu (huyện Quảng Ninh) thành lập năm 2017.
Có 2 KCN đã có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt là KCN Cam Liên (huyện Lệ Thuỷ), được phê duyệt quy hoạch năm 2016; và KCN Bang (huyện Lệ Thuỷ) được phê duyệt quy hoạch năm 2011 và đang lập quy hoạch mở rộng. Có 1 KCN chưa được lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết là KCN Lý Trạch (huyện Bố Trạch).
Có 3 KCN tại Khu kinh tế Hòn La đó là KCN cảng biển Hòn La được phê duyệt quy hoạch năm 2003, điều chỉnh mở rộng năm 2019; KCN Hòn La II được phê duyệt quy hoạch năm 2011; KCN cửa ngõ phía Tây được phê duyệt quy hoạch năm 2018.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình cho biết, tại KCN Tây Bắc Đồng Hới, hiện nay đã giải phóng mặt bằng được 66,32ha; diện tích đất cho thuê đạt 36,1195 ha; diện tích đã chuyển nhượng cho thuê sản xuất kinh doanh là 4,616ha; đạt tỷ lệ lấp đầy 98,9%.
Với KCN Bắc Đồng Hới, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng đạt 82,89ha/150ha; diện tích đất đã giao và cho thuê là 37,21ha; diện tích đã chuyển nhượng cho thuê sản xuất kinh doanh là 11,76ha; đạt tỷ lệ lấp đầy 44,48%.
Tại KCN Tây Bắc Quán Hàu, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng tại KCN này đạt 15,28ha; diện tích đất đã giao và cho thuê là 14,22ha; đạt tỷ lệ lấp đầy 8%.
Với KCN Cam Liên, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng tại KCN đạt 21,76ha; diện tích đất đã giao và cho thuê là 21,46ha; tỷ lệ lấp đầy đạt 6,9%.
Tại KCN Bang, hiện diện tích giải phóng mặt bằng tại đây đạt 9,86ha; diện tích đất đã giao và cho thuê là 8,7ha; tỷ lệ lấp đầy đạt 8,81%.
Với KCN Cảng biển Hòn La, đến nay, KCN đã giải phóng mặt bằng được 109,26ha; diện tích đất đã giao và cho nhà đầu tư thuê là 50,54ha; diện tích đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư thuê sản xuất kinh doanh là 9,47ha; tỷ lệ lấp đầy đạt 47,41%.
Còn với KCN Hòn La II, tính đến nay, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng tại KCN này đạt 19,31ha, diện tích đất đã giao và cho thuê 13,88ha; đạt tỷ lệ lấp đầy 11,9%.
Với KCN cửa ngõ phía Tây Khu kinh tế Hòn La, tính đến nay, KCN này đã được giải phóng mặt bằng với 1ha, diện tích đất đã giao và cho thuê là 1ha; đạt tỷ lệ lấp đầy 1,37%.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất để thực hiện các dự án tại các KCN ở Quảng Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế chính sách.
Theo ông Lâm, trong các quy định liên quan của Luật Đất đai 2013, căn cứ để Nhà nước thu hồi đất phục vụ xây dựng phát triển KCN, khu kinh tế đó là phải có dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên thực tế một số địa phương do điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nên hiện vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN và các khu chức năng trong khu kinh tế.
"Các hạng mục này chủ yếu được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nên không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dẫn đến thiếu căn cứ để thu hồi đất phục vụ xây dựng phát triển KCN, khu kinh tế", ông Lâm chỉ rõ.
Phó Chủ tịch Đoàn Ngọc Lâm cho biết, trong thời gian tới, để tăng cường hiệu quả trong việc sử dụng đất tại các KCN, khu kinh tế, tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng kế hoạch xúc tiến, thu hút đầu tư với những đối tác, ngành nghề, dự án phù hợp với quy hoạch các KCN.
"Bên cạnh việc xây dựng các tiêu chí đầu tư trong KCN để lựa chọn ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp, tỉnh sẽ thực hiện nghiêm công tác giám sát đánh giá, chấm dứt hoạt động các dự án chậm tiến độ kéo dài hoặc không triển khai trong các KCN dẫn đến lãng phí quỹ đất. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong đó xác định ưu tiên các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc.. và các ngành nghề chính như công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao… nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả lấp đầy tại các KCN", ông Lâm thông tin.