Ngày 12/12, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, nợ công và nợ tư nhân toàn cầu đã giảm mạnh nhất trong 70 năm vào năm 2021 sau khi đạt mức cao kỷ lục do tác động của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, nhìn chung mức nợ này vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Trong báo cáo nhân dịp khai trương cơ quan Giám sát nợ toàn cầu, IMF cho biết tổng nợ công và nợ tư nhân trên toàn thế giới trong năm 2021 đã giảm 10 điểm phần trăm, xuống tương đương 247% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, từ mức cao kỷ lục là 257% GDP ghi nhận vào năm 2020.
Tuy nhiên, mức nợ này vẫn bỏ xa mức nợ tương ứng khoảng 195% GDP ghi nhận vào năm 2007, trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Giám đốc phụ trách các vấn đề tài chính của IMF Vitor Gaspar nhận định, tỷ lệ nợ dự kiến sẽ giảm ở hầu hết các quốc gia vào năm 2022, do tăng trưởng GDP danh nghĩa cao hơn, nhưng năm 2023 tình hình có thể sẽ khác, với dự báo suy giảm kinh tế ở nhiều quốc gia và chi phí vay nợ tăng cao.
Báo cáo của IMF cho biết, mức giảm 4 điểm phần trăm đối với nợ công, xuống còn 96% GDP, là mức giảm lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
IMF cho hay, tỷ lệ nợ dao động mạnh bất thường là do sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và lạm phát gia tăng nhanh chóng.
Động lực nợ giữa các nước rất khác nhau. Các nền kinh tế tiên tiến chứng kiến mức giảm nợ mạnh nhất, với cả nợ công và nợ tư nhân giảm 5% GDP vào năm ngoái, tiếp theo là các thị trường mới nổi, trừ Trung Quốc. Nhưng các quốc gia có thu nhập thấp, tổng nợ tiếp tục tăng vào năm 2021, do nợ tư nhân cao hơn, với tổng nợ lên tới 88% GDP.
Paulo Medas, người phụ trách Giám sát tài chính của IMF, cho biết mức nợ ở các nước có thu nhập thấp hiện đang ở mức cao nhất kể từ khi được xóa nợ vào những năm 1990 và đầu những năm 2000.
Ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng trả nợ của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, với ước tính khoảng 25% các quốc gia ở thị trường mới nổi và hơn 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang hoặc sắp lâm vào cảnh túng quẫn vì nợ nần./.