Bất chấp đà suy giảm của toàn ngành bất động sản, tham vọng chiếm lĩnh thị phần của các “ông lớn”, cùng sự gia nhập của hàng loạt thương hiệu quốc tế mới đang khiến sức cạnh tranh trên thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam ngày càng khốc liệt.
Báo cáo Cushman & Wakefield cho thấy 11 tháng đầu năm 2022, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM không có biến động mạnh, ổn định ở mức khoảng 1,1 triệu m2. Tỷ lệ trống được ghi nhận ở mức trên dưới 5%, giá chào thuê trung bình đạt 49 - 60 USD/m2/tháng, tăng 4% so với năm 2021.
Nội ngoại đua tranh
Ổn định về nguồn cung nhưng thị trường mặt bằng bán lẻ lại đang ghi nhận sự đua tranh vô cùng khốc liệt của các “ông lớn” cả trong và ngoài nước.
Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất là việc cửa hàng số 325 Lý Tự Trọng - mặt bằng được mệnh danh là “nóng” nhất ngã 6 Phù Đổng (quận 1, TP.HCM) , sau nhiều lần đổi chủ đã lộ diện khách thuê mới là thương hiệu vali Mia.
Theo tiết lộ, cửa hàng số 325 Lý Tự Trọng sẽ “ngốn” của Mia một số tiền không nhỏ, với dự toán giá thuê khoảng 26.000 USD/tháng. Đây đã là cửa hàng thứ 23 của chuỗi bán lẻ đình đám này tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Đáng chú ý, vào cuối năm 2021, Mia cho biết mục tiêu đến năm 2027 sẽ mở rộng quy mô lên tối thiểu 100 điểm bán trên toàn quốc và tham vọng trở thành thương hiệu bán lẻ hành lý hàng đầu Việt Nam trong 3 năm tới.
Thị trường mặt bằng bán lẻ đang có sự cạnh tranh mạnh của các ông lớn cả trong và ngoài nước.
Các kết quả thăm dò cho thấy các nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước (đang hoạt động) như MM Mega Market, AEON Mall, Central Retail, SaigonCo.op, Winmart, Thế giới Di động… cũng đang lên kế hoạch mở rộng thị trường, tăng quy mô cửa hàng.
Không chỉ các thương hiệu cũ, thị trường cũng đang ghi nhận sự đổ bộ của hàng loạt thương hiệu mới, điển hình như Columbia, %Arabica, Ain & Tulpe... Cùng với đó là các nhãn hàng đã trì hoãn kế hoạch tham gia thị trường vào năm 2021 như Bath & Body Works, Prima Donna, Sport Direct…
Một trong những đại gia đình đám dậy sóng thị trường bán lẻ thời gian qua là Central Retail. Thương hiệu này đã mở thêm các trung tâm thương mại Go! mới ở Lào Cai, Quy Nhơn, Thái Bình trong năm nay và nhắm đến Đồng Tháp, Bạc Liêu vào năm sau.
Với mục tiêu tăng gấp đôi số lượng siêu thị lên hơn 70 trong vòng 5 năm tới, ông lớn đến từ Thái Lan công bố sẽ chi 30 tỷ baht (tức gần 800 triệu USD) để mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đưa doanh số đến năm 2026 đạt 100 tỷ baht (khoảng 2.8 tỷ USD).
Thị trường “nóng hầm hập”
Tham vọng mở rộng của các đại gia bán lẻ đang hoạt động cùng sự đổ bộ của loạt thương hiệu mới rõ ràng đang khiến sức nóng của thị trường mặt bằng tăng mạnh. Giá thuê mặt bằng theo đó cũng liên tục lập đỉnh mới, với tốc độ tăng 15-20% theo tháng hoặc quý.
Điển hình, tại TP.HCM, giá thuê trên các con phố sầm uất khác ở trung tâm TP.HCM cũng đang ở mức rất cao, dao động trong khoảng 200-400 triệu đồng/căn/tháng. Đặc biệt, giá chào thuê cao nhất trên đường Nguyễn Huệ lên tới 800 triệu đồng/tháng.
Ở Hà Nội, mặt bằng bán lẻ tại các con phố lớn như Kim Mã, Liễu Giai (quận Ba Đình), Cầu Giấy, Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), Hồ Tùng Mậu (từ quận Cầu Giấy sang Bắc Từ Liêm),… cũng gần như không còn chỗ trống. Tình trạng dừng kinh doanh, sang nhượng cửa hàng giảm rõ rệt.
Đáng chú ý, hầu hết các trung tâm thương mại, khối đế bán lẻ, mặt bằng cho thuê đã dừng chính sách ưu đãi được áp dụng trong thời gian dịch bệnh. Các chủ đầu tư cũng nâng thời gian thuê tối thiểu và áp dụng chính sách tăng giá hàng năm lên đến 10%.
Trước sức nóng của thị trường, bà Trang Đỗ, Trưởng phòng Dịch vụ Bán lẻ Colliers (Việt Nam), nhận định các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài đang áp dụng các chiến lược khác nhau để tăng trưởng bằng cách tìm hiểu về mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam.
“Xu hướng nổi lên gần đây là ngày càng nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn đi săn quỹ đất ở khu vực đô thị mở rộng và các thành phố hạng 2, hạng 3, mặc dù chính họ cũng hết sức thận trọng”, bà Trang Đỗ nhấn mạnh.
Cũng theo vị đại diện Colliers, miếng bánh thị phần ngày càng hấp dẫn hơn khi một số thương hiệu bán lẻ đến từ Nga, Mỹ, châu Âu cũng nôn nóng có mặt trên thị trường bán lẻ Việt Nam, với tiềm lực tài chính không kém cạnh gì các “tay chơi” đã hiện diện lâu năm.
Đang có sự đua tranh khốc liệt, nhưng theo giới phân tích, thị trường đang bước vào giai đoạn “cộng sinh” cùng có lợi. Những doanh nghiệp nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam thường tìm kiếm một đối tác bản địa.
Đối tác trong nước là các doanh nghiệp am hiểu thị trường, văn hóa và môi trường kinh doanh để chọn mặt bằng, đưa ra chiến lược phát triển phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy thành công cho nhà đầu tư.
Với những tiềm năng khổng lồ, theo ông Nick Bradstreet, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Savills, giải pháp để ngành bán lẻ Việt Nam hút hơn nữa các thương hiệu quốc tế, đặc biệt ở phân khúc cao cấp, nằm ở vấn đề nguồn cung.
Chủ đầu tư cần chú ý để xây dựng các mặt bằng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh nhà phố bán lẻ, thị trường cần bổ sung thêm trung tâm thương mại cao cấp tại khu vực trung tâm thành phố. Những dự án này cần được thiết kế và vận hành một cách chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các đối tác nước ngoài.