Cổ phiếu ngân hàng đang dần “hot” trong các phiên giao dịch gần đây khi liên tục trở thành tâm điểm thị trường. Không chỉ duy trì phong độ, mà nhóm cổ phiếu này còn tác động tích cực, đóng góp không nhỏ cho chỉ số VN-Index. Cùng với đó là mức thanh khoản cải thiện đáng kể khi hút được lượng tiền lớn từ các nhà đầu tư, nhất là khối ngoại.
Chỉ tính riêng trong tuần qua (12-16/12), thanh khoản toàn nhóm cổ phiếu ngân hàng đạt gần 14.500 tỷ đồng, tương đương 2.900 tỷ đồng/phiên.
"Thỏi nam châm" hút tiền
Trong đó, EIB (Eximbank) là cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành tuần qua, đóng cửa phiên 16/12 ở mức 27.400 đồng/cp, tăng 22,9% so với cuối tuần trước đó. Trong 5 phiên giao dịch tuần qua thì cổ phiếu này có đến 3 phiên tăng trần hoặc gần tăng trần (12-14/12). So với mức đáy 18.050 đồng/cp (ngày 21/11), cổ phiếu này đã hồi phục 52%.
Thanh khoản EIB cũng tăng mạnh so với tuần trước đó với giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 511 tỷ đồng, tăng 44%. Ngoài ra, theo phương thức thỏa thuận cũng có hơn 7,8 triệu cổ phiếu được trao tay, giá trị gần 200 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng đang dần “hot” trong các phiên giao dịch gần đây khi liên tục trở thành tâm điểm thị trường cùng mức thanh khoản cải thiện.
Cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là VPB (VPBank) khi ghi nhận mức tăng 9,5% trong tuần qua. Đặc biệt, VPB là tâm điểm của thị trường phiên 15/12 khi tăng kịch trần với khối lượng giao dịch khủng: 66,7 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 1.200 tỷ đồng.
VPB cũng là cổ phiếu ngân hàng có thanh khoản cao nhất tuần qua, đạt hơn 2.700 tỷ đồng, tăng 7% so với tuần trước trong bối cảnh thanh khoản thị trường có xu hướng sụt giảm.
Một số mã cổ phiếu lớn khác cũng tăng giá trên 3% như MBB của MB (+3,3%), TCB của Techcombank (+3,2%), VCB của Vietcombank (+3,1%).
Đặc biệt, 3 cổ phiếu SHB (Sahabank), STB (Sacombank), CTG (Vietinbank) vẫn được khối ngoại tích cực gom mua. Cụ thể, SHB ghi nhận khối lượng mua ròng hơn 7,8 triệu cổ phiếu, STB là 5,8 triệu cổ phiếu, STB là 4,2 triệu cổ phiếu.
Sang đến tuần này, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn duy trì phong độ, tiếp tục hút dòng tiền mạnh mẽ.
Đáng chú ý, trong phiên 22/12, biến động các chỉ số chính chỉ ở mức thấp, thì giao dịch tại 2 cổ phiếu ngân hàng là VPB và EIB vẫn mang đến sức khác biệt.
Phiên này, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là trụ đỡ chính, với VPB là đầu tàu khi +4,5% lên 18.450 đồng, khớp lệnh hơn 52,4 triệu đơn vị, cao nhất thị trường.
Các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng giữ được mức tăng khá còn có LPB của LienVietPostBank (+4,3%), TPB của TP Bank (+3,5%), OCB của Oricombank (+2,9%), các cổ phiếu còn lại phần lớn cũng đóng cửa trong sắc xanh.
Cổ phiếu EIB tiếp tục có thêm một phiên có khối lượng khủng với hơn 123,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.444,4 tỷ đồng.
Trước đó, trong phiên 21/12, VN-Index ghi nhận phiên điều chỉnh mạnh. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn neo giữ chỉ số, với diễn biến tích cực của STB, VPB, LPB , ACB (Ngân hàng Á Châu), EIB, HDB (HDBank), MBB.
Mặc dù dòng tiền đứng ngoài thị trường, thanh khoản HoSE sụt giảm mạnh, song khối ngoại vẫn giữ nhịp mua ròng, giao dịch sôi nổi nhất ở cổ phiếu EIB.
Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào hơn 43,7 triệu cổ phiếu EIB, trong khi chỉ bán ra hơn 158.000 đơn vị. Tính chung, khối ngoại mua ròng hơn 43,5 triệu cổ phiếu EIB, giá trị hơn 1.254 tỷ đồng. Với hơn 43,5 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương ứng gần 3,54% vốn ngân hàng, đây là phiên mua ròng mạnh nhất của khối ngoại tại EIB trong nhiều năm qua.
Mặt khác, phiên 21/12 cũng ghi nhận hoạt động giao dịch thỏa thuận ''khủng'' với cổ phiếu EIB: khối lượng đạt hơn 81,2 triệu đơn vị, giá trị trên 2.269 tỷ đồng.
Trước đó, EIB cũng ghi nhận giao dịch đột biến của khối ngoại trong phiên 28/10 khi nhóm nhà đầu tư này bán ròng hơn 74,4 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 2.933 tỷ đồng.
Có thể thấy, từ tháng 12 đến nay, EIB là cổ phiếu có diễn biến tốt nhất ngành ngân hàng khi liên tục tăng giá, từ mức 22.000 đồng/cp lên 28.800 đồng/cp (gần 31%). Trước đó, cổ phiếu này đã giảm mạnh vào cuối tháng 10 và nửa đầu tháng 11, từ mức 42.000 đồng/cp xuống còn hơn 18.000 đồng/cp.
Các diễn biến đáng chú ý tại cổ phiếu EIB xuất hiện trong bối cảnh một số thông tin "hé lộ" có sự thay đổi thành viên HĐQT. Bên cạnh đó, ngân hàng này đang cũng cho thấy sự trở lại mạnh mẽ khi ghi nhận lãi trước thuế 9 tháng đạt 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 2.542 tỷ đồng, tăng 228%.
Theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng năm 2022. Như vậy, sau 9 tháng, ngân hàng đã vượt kế hoạch cả năm.
Đang ở vùng giá “hấp dẫn”
Thời gian qua, trước áp lực bán rất lớn, VN-Index lùi về dưới 1.000 điểm. Và áp lực này chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng khi có rất nhiều cổ phiếu giảm mạnh, tác động tiêu cực đến thị trường chung.
Điều này được cho là dễ hiểu bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết có giá trị vốn hóa lớn. So với mức giá đạt được cao nhất đầu năm 2022, hiện nhóm cổ phiếu nhà băng đã giảm khoảng 60%. Trong đó, nhiều mã cổ phiếu giao dịch ở sàn UPCoM về dưới mệnh giá như VAB (VietABank), VBB (VietBank), BVB (Viet Capital Bank), NAB (NamABank)...
Trong nửa cuối năm 2022, dù vẫn còn nhiều ẩn số trong hoạt động kinh doanh của ngành do liên quan đến việc nới room tín dụng, tăng lãi suất hay xử lý các khoản nợ tái cơ cấu, cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn được nhìn nhận như một cơ hội đầu tư có tiềm năng tốt, nhất là nhóm ngân hàng TMCP tư nhân có chất lượng tài sản tốt và tốc độ tăng trưởng vượt trội.
Hơn nữa, theo Dragon Capital, cổ phiếu ngân hàng vẫn có sức hút nhất định, bởi đang định giá ở mức hấp dẫn và nhiều rủi ro đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn nên theo dõi xu hướng lãi suất và diễn biến mới của tình hình quốc tế.
Nhóm phân tích của Chứng khoán VNDirect cho rằng, cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ chứng kiến một “bước ngoặt đến gần”, khi những đợt bán tháo ồ ạt trên thị trường chứng khoán nửa đầu năm nay đã đưa định giá các cổ phiếu ngân hàng về vùng “rất hấp dẫn”.
Tương tự, trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán Vietcombank Securities (VCBS) đánh giá, triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở mức phù hợp thị trường, với mức định giá xấp xỉ mức trung bình 5 năm.
“Mặc dù kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng nhất định bởi triển vọng kinh tế vĩ mô không quá khả quan trong năm 2023. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng quốc doanh với chất lượng dư nợ tín dụng tốt nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhận được phân bổ hạn mức tín dụng khả quan trong năm 2023 và theo đó tiếp tục duy trì được mạch tăng trưởng tích cực”, báo cáo nêu.