• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,07 -0,04/0,00%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 2:45:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,07   -0,04/0,00%  |   HNX-INDEX   221,90   -0,58/-0,26%  |   UPCOM-INDEX   92,65   -0,46/-0,50%  |   VN30   1.315,31   +1,83/+0,14%  |   HNX30   461,50   -0,69/-0,15%
20 Tháng Giêng 2025 2:51:07 CH - Mở cửa
Biến động thị trường tiền tệ 2022, thách thức 2023
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 31/12/2022 8:30:00 SA
Thanh khoản, lãi suất, tỷ giá là 3 từ khoá nóng nhất trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2022. Đây sẽ tiếp tục là thách thức trong công tác điều hành thị trường trong năm 2023 khi thế giới tiếp tục đối mặt với rủi ro lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế.
 
https://fireant.vn/charts
 
Vụ việc xảy ra lại SCB là sự kiện nóng nhất ngành ngân hàng năm 2022. Ảnh: Thanh niên.
 
Sự kiện "nóng" nhất năm 2022
 
Sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh COVID-19, năm 2022 thế giới phải đối mặt cùng lúc với tình trạng lạm phát cao và nguy cơ suy thoái kinh tế - "cơn ác mộng" không một nhà hoạch định chính sách nào muốn trải qua. Để chống lạm phát, hàng loạt các quốc gia mạnh tay thắt chặt tiền tệ.
 
Ngày 10/3, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy, lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 2/2022 với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước áp lực lạm phát tăng cao, ngày 17/3, lần đầu tiên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm sau 2 năm giữ ở mức lãi suất 0 - 0,25% để hỗ trợ nền kinh tế. Phần còn lại của năm, FED liên tục tăng lãi suất với mức tăng mỗi lần từ 0,5 - 0,75 điểm phần trăm. Tính đến 14/12, lãi suất cơ bản của Mỹ đã được nâng lên mức cao nhất 15 năm là 4,25 - 4,5%. Cơ quan này cho biết sẽ duy trì mức lãi suất cao trên 5% trong cả năm 2023 và lãi suất có thể chỉ giảm từ đầu năm 2024.
 
Cùng chiều diễn biến tăng lãi suất của Mỹ, lạm phát nhiều nước phát triển cũng tăng lên 2 con số vào tháng 10 và tháng 11, biện pháp chống lạm phát chủ yếu vẫn là tăng lãi suất. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến gần hết năm 2022 đã có ít nhất 260 đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu trong vòng 1 năm - tần suất đã gấp đôi so với năm 2021. 
 
Việc FED liên tục nâng lãi suất dẫn tới đồng bạc xanh tăng giá mạnh, chỉ số Dollar Index đạt mức đỉnh 2 thập kỷ. Trong nước, tỷ giá USD/VND bắt đầu tăng mạnh từ cuối tháng 8. Tâm lý kỳ vọng của thị trường đẩy tỷ giá tăng liên tục, đặc biệt trên thị trường tự do, tỷ giá USD có thời điểm đã vượt 25.100 đồng/USD (bán ra) vào ngày 19/10. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại liên tục treo cao, luôn đứng ở mức trần so với tỷ giá trung tâm. Ngày 17/10, NHNN đã ban hành Quyết định số 1747/QĐ-NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa VND và USD từ ±3% lên ±5% để hỗ trợ các ngân hàng có thể linh hoạt hơn trong hoạt động mua bán USD.
 
Trước áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao, ngân hàng Trung ương các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tỷ giá USD biến động mạnh, ngày 23/9, lần đầu tiên sau 2 năm duy trì mức lãi suất thấp hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh lãi suất điều hành với mức tăng 1 điểm phần trăm, đưa lãi suất tái cấp vốn tăng lên 5%/năm, tái chiết khấu lên 3,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,0%/năm. Động thái này của nhà điều hành như tháo nút thắt áp lực huy động vốn của hệ thống ngân hàng. Ngay sau quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại nhanh chóng cập nhật biểu lãi suất mới với mức tăng trung bình 0,5-1%/năm.
 
Đến ngày 25/10, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm. Động thái tăng lãi suất điều hành lần 2 của Ngân hàng Nhà nước phần lớn đến từ vấn đề thanh khoản của hệ thống, vấn đề càng trở nên nóng sau sự kiện trái phiếu Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
 
Làn sóng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại dồn dập từ giữa tháng 9, kéo dài đến giữa tháng 12. Lãi suất điều chỉnh tăng nhanh và mạnh ở nhóm ngân hàng thương mại vừa và nhỏ với mức tăng trung bình ước tính từ 2-3%/năm. Lãi suất 12-13 tháng tại nhiều ngân hàng thương mại được niêm yết ở mức 9,5-10,5%/năm, cá biệt có trường hợp lên tới 11,5%/năm.
 
Việc tăng lãi suất phán ánh sự căng thẳng thanh khoản của hệ thống, lãi suất liên ngân hàng qua đêm có thời điểm lên tới 10%/năm, trong khi các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán đều tắc nghẽn.
 
Thị trường tiền tệ "bớt nóng"
 
Ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) kêu gọi các thành viên đồng thuận giảm lãi suất huy động với mức trần tối đa 9,5%/năm kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất để tránh các ngân hàng "lách luật". Một tuần sau đó, ngày 22/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý.
 
Sau các chỉ đạo của cơ quan quản lý, đã có một làn sóng các ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống dưới 9,5%/năm và nhiều ngân hàng tung các chương trình giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế, tập trung ở một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. 
 
Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng năm 2022 đã hoá giải đồng thời 3 bài toán. Thứ nhất, cung cấp tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế. Thứ hai là ổn định thị trường ngoại hối khi nền kinh tế có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, USD tăng giá mạnh. Thứ 3, khá quan trọng là phải ổn định được thị trường tiền tệ và thanh khoản hệ thống khi chịu tác động bởi sự cố SCB và niềm tin thị trường suy giảm.
 
Tính đến cuối năm 2022, thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước cơ bản ổn định, biến động tỷ giá VND khoảng 3,8%; mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm - thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực.
 
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 21/12/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,85% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 8,31%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,99% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,73%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,87% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 12,53%).
 
Rủi ro về thanh khoản của nền kinh tế tuy vẫn còn hiện hữu khi tăng trưởng huy động vẫn thấp, chỉ bằng 1/2 tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là việc các kênh huy động vốn khác trên thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán vẫn chưa được giải toả, nhưng tình hình đã bớt căng thẳng hơn về cuối năm.
 
Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (so với mục tiêu 14%). Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, điều này thể hiện thanh khoản và sức khoẻ các ngân hàng đã tạm ổn. 
 
Dù có nhiều nhận định rằng khó có thể giải ngân hết số room tín dụng tăng trong năm tài chính 2022, song hầu hết các chuyên gia kinh tế vẫn đánh giá tích cực về động thái này của Ngân hàng Nhà nước vì phần nào mang lại tâm lý hứng khởi hơn cho doanh nghiệp, người dân dịp cuối năm 2022, chuẩn bị tâm thế tốt hơn cho hoạt động kinh doanh, sản xuất phục vụ dịp tết Nguyên đán.
 
Năm 2023, trong bối cảnh lạm phát năm 2022 tăng thấp (3,15%), cùng với diễn biến Bộ Tài chính đang tập trung sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng hỗ trợ thị trường, giúp mở lại kênh huy động vốn quan trọng này, làm giảm áp lực thanh khoản lên thị trường tiền tệ; ngoài ra, tỷ giá cũng đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi Fed bớt "diều hâu" hơn sẽ giúp giảm áp lực lên công tác điều hành lãi suất thời gian tới.
 
Đến thời điểm hiện tại, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn khá thận trọng. Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nhận định, năm 2023, lãi suất, lạm phát thế giới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao; xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên thế giới tiếp tục theo hướng bất lợi cho thị trường mới nổi. Trong nước, lạm phát lõi đang tăng nhanh, tạo nguy cơ lạm phát vòng 2 của yếu tố phi tiền tệ. Vì vậy, định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới là không chủ quan với rủi ro lạm phát.