Liên tục các tuần gần đây, khối ngoại đã giải ngân vào thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhóm VN30. Thị trường đang có sự lệ thuộc vào tiền ngoại và không ít nhà đầu tư đang có sự băn khoăn về trạng thái bị động này. Dưới đây là quan điểm của các chuyên gia.
Từ trái qua: Ông Bùi Nguyên Khoa, ông Bùi Văn Huy, ông Trần Trương Mạnh Hiếu
Giải ngân hơn 500 triệu USD không phải lượng tiền lớn với quỹ ngoại
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô - thị trường CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC)
Theo quan sát của tôi, các quỹ ngoại đã giải ngân trên diện rộng trong đó 2 quỹ Đài Loan là Fubon Đài Loan, CTBC Đài Loan tham gia tích cực nhất. Ngoài ra, các quỹ Van Eck, MSCI, Ishare cũng đều tham gia giải ngân.
Trong bối cảnh thế giới vẫn còn khá phức tạp với chính sách tiền tệ thắt chăt, Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) và các NHTW đang có xu hướng rút tiền về thì việc khối ngoại đổ tiền vào thị trường Việt Nam có vẻ như là diễn biến đi ngược lại xu hướng vận động. Tuy nhiên, thực tế, thị trường tài chính toàn cầu vẫn luôn có tiền và con số 500 triệu USD- 1 tỷ USD với các quỹ không phải là quá sức với các định chế nước ngoài.
Sau các đợt giải chấp chéo diễn ra, thị trường chúng ta đã định giá rất rẻ. Thời điểm hiện tại, các chuyển biến tích cực hơn đã xuất hiện như tỷ giá hạ nhiệt, thanh khoản của hệ thống Ngân hàng được cải thiện, lạm phát được kiểm soát nên các quỹ ETF lẫn các quỹ chủ động đã có cơ hội tham gia.
Tất nhiên, việc dự báo xu hướng dòng tiền là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, chừng nào các chứng chỉ quỹ ngoại vẫn còn Premium thì các quỹ vẫn có thể sẽ hút được thêm tiền.
Trong vài phiên tới, khi tiền ngoại chững lại, thị trường sẽ ổn định và phân hóa theo những câu chuyện riêng. Tuy nhiên, theo tôi VN-Index vẫn có thể giao dịch ở vùng 1.000-1.050 điểm bởi trước đợt giải chấp chéo và sự kiện Vạn Thịnh Phát, VN-Index thực tế đã có giai đoạn khá cân bằng ở vùng 1.100-1.200 điểm.
Có thể, sẽ đan xen nhưng cơ hội cho một số nhóm ngành như Dầu khí khi kinh tế Trung Quốc đang có những tín hiệu thay đổi chính sách chống dịch, hoặc như Ngân hàng với thông tin các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém có thể được nới tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư ngoại từ 30% lên 49% bên cạnh tin đồn room tín dụng đang có.
Cùng với đó, nhóm Đầu tư công và Tiêu dùng cũng có thể sẽ được quan tâm trở lại một khi thị trường đã có những chuyển biến tốt.
"Nhà đầu tư cá nhân có phần hơi bị động và phần đông lỡ sóng"
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, CTCK DSC
Một trong những xu hướng chủ đạo trong thời gian qua là khối ngoại mua ròng rất sốc. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến lực mua ròng mạnh mẽ đến như vậy. Nhà đầu tư khối ngoại rất chủ động giải ngân khi giá về vùng hấp dẫn và các vấn đề liên thị trường tiếp tục ổn định. Đồng Dollar hạ nhiệt, tỷ giá hạ nhiệt là một diễn biến rất đáng ghi nhận. Do đó, khi thị trường tiếp tục hồi, mặt bằng giá lên cao, lực mua có thể giảm đi, tuy nhiên tổng quan dòng vốn ngoại vẫn là tích cực.
Thực tế, cá nhân tôi thấy tâm lý "chim sợ cành cong" của nhà đầu tư trong nước vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là sau những quãng thị trường chứng kiến những cú sập liên tiếp. Khi giá hồi lên, một bộ phận rất lớn các nhà đầu tư còn kẹp lại tiến hành cắt lỗ khi được giá hơn. Mặt khác những nhà đầu tư bắt đáy cũng không dám giữ hàng quá lâu vì sợ thị trường chỉnh. Có thể nói trong nhịp hồi phục nhanh này, nhà đầu tư cá nhân có phần hơi bị động và phần đông lỡ sóng.
Do đó khi vốn ngoại ngừng mua, nhà đầu tư cá nhân cũng không có hàng bán xuống, trừ khi nhà đầu tư ngoại chuyển trạng thái bán ròng mới đáng ngại. Theo quan sát của tôi, một phần dòng vốn ngoại là cầu chất lượng, sẵn sàng nhìn dài hạn. Một phần có tính chất đầu cơ nhất định, nhưng mua mạnh bạo đến vậy, không thể chỉ rút ra sau vài phiên mà có lẽ sau đó có một cú đặt cược lớn hơn “big bet”.
Tóm lại với việc khối ngoại "mua vét" quyết liệt, rủi ro giảm sâu đã giảm đi đáng kể. Thật tiếc là trong giai đoạn giảm sâu nhiều cơ hội, lần này nhà đầu tư cá nhân nhìn chung lại chịu cảnh đứng ngoài thị trường.
Không cần quá lo lắng khi khối ngoại giảm tốc độ giải ngân
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán KIS Việt Nam
Động lực chính giúp thị trường tăng trưởng trong thời gian qua là dòng vốn của khối ngoại, dòng vốn này bình thường chỉ chiếm khoản 20% giao dịch của thị trường. Tuy nhiên, khi thị trường trầm lắng và rơi vào downtrend như giai đoạn vừa qua thì việc giải ngân mạnh của khối này đã giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên ổn định và hình thành xu hướng tăng hiện tại.
Tuy nhiên, dòng vốn này được kích hoạt khi định giá của thị trường ở mức hấp dẫn. Và khi thị trường đã tăng đến một mức nào đó thì dòng tiền này sẽ giải ngân chậm lại khi các cơ hội đầu tư ít đi. Lúc đó, đà tăng có thể bị chững lại và có thể quay lại xu hướng điều chỉnh. Tuy nhiên, mức điều chỉnh có thể không quá lớn như giai đoạn 04/2022-11/2022. Do chỉ cần các cổ phiếu điều chỉnh về lại vùng đáy cũ thì dòng tiền của khối ngoại sẽ tăng cường giải ngân trở lại.
Nhà đầu tư cần hiểu rằng việc khối ngoại giải ngân mạnh thời gian qua là một tín hiệu tạo đáy ngắn hạn. Tương lai có thể dòng vốn này sẽ chậm lại đáng kể khi thị trường đã tăng đến 1 mức nào đó. Nhà đầu tư có thể sử dụng đây như một tín hiệu để dự báo xu hướng thị trường.
Chiếu lược giao dịch của mỗi nhóm nhà đầu tư lại có sự khác biệt khá lớn. Với nhà đầu tư ngắn hạn có thể sử dụng tín hiện này như một xác nhận về xu hướng phục hồi và thoái vị thế khi dòng vốn này chững lại. Với nhà đầu tư dài hạn thì nên đánh giá thị trường dựa trên các yếu tố cơ bản, định giá chứ không nên quá quan tâm đến giao dịch của khối ngoại.
Nhà đầu tư có thể tập trung vào một số cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt trong thời gian tới, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành nhiệt điện. Khi triển vọng của ngành vẫn tăng trưởng trong tương lai. Thêm vào, sự suy giảm của thị trường và nền kinh tế ít ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhóm này trong dài hạn.