Lội ngược dòng và cán đích 39 tỷ USD năm 2021, liên tục ký kết đơn hàng mới cho năm 2022, xuất khẩu dệt may Việt Nam dần vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng COVID-19 với kỳ vọng mục tiêu xuất khẩu hơn 43 tỷ USD năm 2022.
Đơn hàng dồi dào đến quý 3
Đầu năm 2022, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã có sự khởi đầu thuận lợi khi đơn hàng xuất khẩu dồi dào, đến nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU…
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 01/2022, xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,57 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng trước nhưng tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 1,85 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 51,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Tiếp theo là thị trường EU đã tiêu thụ 382 triệu USD, tăng 39,1%; Hàn Quốc tiêu thụ 314 triệu USD, tăng 33,4%...
Hiện nay, một số doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam như May 10 (
M10), Dệt may Thành Công (
TCM), Sợi Thế Kỷ (
STK)... cho biết đều có đơn hàng cho đến quý 2 và quý 3. Tận dụng những ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Anh quốc (UKVFTA) mang lại, năm 2022, các doanh nghiệp này cũng sẽ tăng tốc đẩy mạnh tiếp cận thị trường châu Âu.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo tín hiệu tích cực trong năm 2022 là các thị trường lớn như Mỹ, EU đã mở cửa trở lại.
VITAS xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản. Thứ nhất, với kịch bản tích cực nhất tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý 1/2022, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 42,5 – 43,5 tỷ USD.
Ở kịch bản trung bình tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hướng đến là 40 – 41 tỷ USD.
Ở kịch bản thấp nhất trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng đạt 38 – 39 tỷ USD.
Nguồn số liệu: VITAS
Ngoài ra theo Báo cáo ngành dệt may của VNDirect, năm 2022, ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật cấm nhập khẩu bông nguyên liệu được sản xuất tại Tân Cương (Trung Quốc), chiếm 11% tổng lượng hàng dệt may nhập khẩu của Mỹ.
Kỳ vọng các nhà sản xuất sợi bông của Việt Nam có thể giành được "miếng bánh" mà các nhà sản xuất Tân Cương để lại.
Rủi ro vẫn tiềm ẩn
Bên cạnh những dấu hiệu tích cực thì xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn, chưa thể hoàn toàn bước vào thời kỳ “sóng yên biển lặng” do tác động của nhiều yếu tố.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ nội tại như bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ, dịch bệnh khiến tình trạng doanh nghiệp thiếu lao động trở thành vấn đề nan giải.
Thời điểm này, giá nhiên liệu tăng kéo theo chi phí vận tải tăng cao, đồng thời tình trạng thiếu container vẫn đang là nút thắt lớn cần tháo gỡ.
VITAS dự báo phải đến nửa cuối năm 2022 khi số lượng container đóng mới được cung cấp ra thị trường vấn đề vận tải mới bắt đầu được giải quyết. Logistics tiếp tục là những khó khăn tác động không nhỏ đến xuất khẩu nói chung và ngành dệt may nói riêng trong năm 2022.
Theo dự đoán của các chuyên gia, giá sợi bông và sản lượng sản xuất sẽ tăng trong 6 tháng đầu năm 2022, nhưng biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất sợi bông có thể sẽ điều chỉnh trong nửa cuối năm. Do đó ước tính hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc sẽ có biên lợi nhuận gộp giảm so với năm 2021 do chi phí vải đầu vào cao trong 6 tháng đầu năm 2022.
Ngoài ra, mặc dù giá trị xuất nhập khẩu Nga và Ucraina rất nhỏ (cả hai thị trường này chỉ chiếm khoảng trên 1,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021), tuy nhiên xung đột 2 nước này hiện nay cũng đang có những tác động gián tiếp đến ngành dệt may Việt Nam.
Lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây lên Nga khiến các đơn hàng của một số doanh nghiệp dệt may có đối tác tại Nga đang bị ngưng trệ, chưa thể xuất được.
Đơn cử như Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại
TNG (
TNG) cho biết hiện nay các đơn hàng của công ty chưa giao được cho bên đối tác tại Nga là Tập đoàn Sportmaster do nhiều doanh nghiệp vận chuyển từ chối.
Hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT cũng đã ngắt nối tới thị trường Nga. Do vậy, nhiều ngân hàng cũng không thể thanh toán hợp đồng của các doanh nghiệp có làm ăn với thị trường Nga thời gian tới…
Một rủi ro nữa mà xuất khẩu dệt may Việt Nam phải đối mặt là còn phụ thuộc vào các thị trường trọng điểm. Hiện nay, xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào 2 thị trường chính là Trung Quốc (chiếm 70,9% xuất khẩu mặt hàng sợi) và Mỹ (chiếm 56,2% xuất khẩu hàng may mặc, thời trang). Do đó, bất kỳ thay đổi nào ở 2 thị trường này cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành dệt may Việt Nam.