Các dấu hiệu đáng ngại đang chồng chất và thể hiện tình trạng hỗn loạn vẫn đang tiếp diễn khi các chỉ báo chính cho thấy khả năng nền kinh tế có thể xảy ra suy thoái.
Điều đó có thể làm sâu sắc thêm quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dẫn đầu quan điểm diều hâu giữa các ngân hàng trung ương bên cạnh xung đột ở Ukraine.
Đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã gần đảo ngược - một tình huống khi lãi suất ngắn hạn vượt quá lãi suất có kỳ hạn dài hơn, vốn thường xảy ra trước một đợt suy thoái. Ở châu Âu, chi phí năng lượng đã tăng lên mức chưa từng thấy do các lệnh trừng phạt chống lại Nga làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái hàng hóa toàn cầu.
Ed Clissold, chiến lược gia trưởng của Mỹ tại Ned Davis Research cho biết: “Theo thời gian, ba yếu tố lớn nhất có xu hướng đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái là đường cong lợi suất đảo ngược, một số loại cú sốc giá hàng hóa hoặc chính sách thắt chặt của Fed. Ngay bây giờ, có vẻ như có khả năng xảy ra cả ba điều này cùng một lúc”.
Chênh lệch giữa trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm
Theo UBS Global Wealth Management, giá lương thực ở mức cao đã góp phần vào xu hướng tăng của giá hàng hoá và căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine – hai quốc gia chiếm 28% tổng lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu và 16% ngô - chỉ làm tăng thêm rủi ro về lạm phát.
Trong khi đó, George Saravelos, trưởng bộ phận nghiên cứu tiền tệ toàn cầu của Deutsche Bank cho biết, Fed khó có thể can thiệp để ngăn chặn tình trạng bán tháo trên thị trường tài chính vì nguyên nhân sâu xa của sự gia tăng lạm phát hiện nay là một cú sốc về nguồn cung, khiến cho công cụ dùng để chống lại sự suy thoái trong 30 năm qua trở nên vô dụng.
Theo các nhà kinh tế tại Goldman Sachs, xác suất Mỹ suy thoái trong năm tới có thể lên tới 35%, và ngân hàng đầu tư này cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ do giá dầu tăng cao và ảnh hưởng từ xung đột ở Ukraine. Bank of America cho biết, rủi ro suy thoái kinh tế hiện tại là thấp, nhưng sẽ cao hơn trong năm tới.
Châu Âu chịu ảnh hưởng đáng kể
Lạm phát kỷ lục, sự xoay trục đáng ngạc nhiên của Ngân hàng Trung ương châu Âu và căng thẳng địa chính trị leo thang đã thay đổi mọi thứ và một cuộc “di cư” ồ ạt khỏi chứng khoán của châu Âu đang diễn ra mạnh mẽ trái ngược với triển vọng tích cực hồi đầu năm.
Các chiến lược gia xem châu Âu là nơi chịu nhiều rủi ro nhất bắt nguồn từ chiến tranh, đặc biệt là do vị trí địa lý gần và sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Christophe Barraud, nhà kinh tế trưởng tại Market Securities cho biết: “Khu vực đồng euro có khả năng suy thoái cao nếu tình hình không bình thường hóa nhanh chóng. Những rủi ro bao gồm cú sốc niềm tin từ chiến tranh, ảnh hưởng đến tiêu dùng của các hộ gia đình do giá thực phẩm và năng lượng cao hơn, và sự gián đoạn chuỗi cung ứng khuếch đại do xung đột gây ra”.
UBS Global Wealth Management đã hạ triển vọng chứng khoán khu vực đồng euro. Amundi SA, nhà quản lý tài sản lớn nhất châu Âu cho biết hôm 11/3 rằng một cuộc suy thoái kinh tế trên lục địa này hiện có thể xảy ra.
Thiên đường hàng hóa
Các công ty khai thác và năng lượng là những lĩnh vực duy nhất đã vượt qua được xu hướng giảm trên thị trường chứng khoán châu Âu cho đến nay và điều đó có khả năng sẽ tiếp tục - trừ khi giá tăng đến mức làm phá hủy nhu cầu trong quá trình này.
Nannette Hechler-Fayd’herbe, nhà kinh tế tại Credit Suisse Group AG cho biết: “Lĩnh vực năng lượng trong thị trường chứng khoán là một trong những lĩnh vực có tính trú ẩn. Trong trường hợp tốt nhất, tăng trưởng kinh tế đang bắt đầu và lĩnh vực năng lượng được hỗ trợ bởi điều đó. Trong trường hợp xấu nhất, giá năng lượng tiếp tục tăng và ngành năng lượng cũng tiếp tục được hỗ trợ”.
Trong khi đó, Anh được xem là thị trường tiềm năng vì có nhiều cổ phiếu hàng hoá trong rổ chỉ số FTSE 100. Trong khi chỉ số của MSCI về chứng khoán toàn cầu đã giảm 11% trong năm nay, chỉ số chứng khoán của của Anh chỉ mất 3%.
Các công ty năng lượng và vật liệu, cùng với các lĩnh vực có tính phòng thủ truyền thống như chăm sóc sức khỏe và tiện ích cũng đã tăng lên trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt.
Các ngành công nghiệp như hóa chất nông nghiệp cũng đang hoạt động tốt, và sự thắt chặt liên tục của thị trường phân bón do căng thẳng ở Ukraine có thể là điềm lành cho các công ty như Yara International ASA, OCI NV, Mosaic Co. và Nutrien Ltd.
Kỳ vọng trái ngược
Tuy nhiên, không phải tất cả sự đảo ngược của đường cong lợi suất, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và mức tăng đột biến của hàng hóa đều dẫn đến sự suy giảm kinh tế. Nhưng rủi ro là có, và các nhà đầu tư tìm cách phòng ngừa rủi ro, mặc dù có thể đã quá muộn.
Theo dữ liệu của CFRA từ Thế chiến II, thị trường Mỹ dự đoán thời điểm bắt đầu suy thoái là trước trung bình 7 tháng và dự đoán suy thoái chạm đáy là trung bình 5 tháng trước khi kết thúc suy thoái.
Theo chiến lược gia Sam Stovall của CFRA, vào thời điểm Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) của Mỹ cho biết rằng thị trường đang ở trong thời kỳ suy thoái, là thời điểm “đã đến lúc mua vào”.
Edmund Shing, Giám đốc đầu tư tại BNP Paribas Wealth Management cho biết: “Khi khủng hoảng xảy ra, người tiêu dùng thường đi tìm những thú vui nho nhỏ. Mua ô tô hoặc điện thoại thông minh mới bị ảnh hưởng, trong khi rượu và socola có xu hướng được hưởng lợi”.