Xung đột giữa Nga - Ukraine và phản ứng dữ dội của thị trường tài chính, hàng hoá toàn cầu không chỉ gây ra thảm họa kinh tế cho nước Nga.
Clay Lowery, Phó chủ tịch điều hành tại Viện Tài chính Quốc tế, một nhóm thương mại gồm các ngân hàng toàn cầu cho biết: “Chúng tôi thực sự đang ở trong giai đoạn chưa từng xảy ra. Chúng tôi biết có những hậu quả mà chúng tôi không thể lường trước được”.
Ít nhất hiện tại, thiệt hại đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung dường như là tương đối nhẹ vì Nga và Ukraine không phải là các cường quốc kinh tế. Nhưng quan trọng hơn là hai quốc gia này là những nhà xuất khẩu năng lượng, kim loại quý, lúa mì và các mặt hàng khác, mặc dù cả hai chỉ chiếm chưa đến 2% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới.
Trong khi đó, hầu hết các nền kinh tế lớn chỉ tiếp xúc thương mại mang tính hạn chế với Nga: Đối với Mỹ, tỷ lệ tiếp xúc thương mại với Nga là 0,5% tổng thương mại trong khi đối với Trung Quốc là khoảng 2,4%.
Adam Slater, nhà kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics cho biết: “Việc ngăn chặn sự leo thang của xung đột ảnh hưởng tới Mỹ, Trung Quốc và hầu hết các quốc gia mới nổi nên được hạn chế”. Ông dự đoán GDP toàn cầu chỉ giảm 0,2% trong năm nay.
Tuy nhiên, Nga vẫn là nhà cung cấp dầu, khí đốt tự nhiên và kim loại cực kỳ quan trọng, và giá cao hơn đối với những mặt hàng này chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại kinh tế trên toàn thế giới. Châu Âu phụ thuộc vào Nga gần 40% lượng khí đốt tự nhiên và 25% lượng dầu.
Đối với lục địa châu Âu, xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm gia tăng đáng kể khả năng xảy ra lạm phát và là một trở ngại kinh tế khác.
Các lệnh trừng phạt bủa vây Nga
Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đã nhắm vào Nga với các biện pháp trừng phạt với quy mô và mức độ nghiêm trọng chưa từng có đối với một nền kinh tế lớn. Họ đã loại bỏ các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Nga và hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng dự trữ ngoại tệ của Moscow.
Các lệnh trừng phạt đã nhanh chóng gây ra thiệt hại. Đồng rúp Nga giảm xuống mức thấp kỷ lục hôm 28/2. Người dân xếp hàng dài tại các máy ATM để cố gắng rút tiền từ hệ thống ngân hàng đang bị tắc nghẽn.
Viện Tài chính Quốc tế dự báo nền kinh tế Nga sẽ phải chịu sự suy giảm hai con số trong năm nay, thậm chí còn tồi tệ hơn mức giảm 7,8% trong năm khủng hoảng kinh tế 2009.
Oxford Economics cho biết, bằng chứng từ các cuộc chiến từ cuộc chiến Iran-Iraq 1980-1988 đến chiến dịch ném bom năm 1999 của NATO chống lại Serbia cho thấy sự sụp đổ đáng kinh ngạc của nền kinh tế Ukraine trong năm nay có thể từ 50% đến 60%.
Thời gian khó khăn của châu Âu
Với sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, nền kinh tế châu Âu hiện đang gặp rủi ro đặc biệt.
Giá khí đốt tự nhiên đã tăng 20% sau khi xung đột vũ trang nổ ra và hiện tại đã gấp gần 6 lần so với mức đầu năm 2021. Cú sốc giá khí đốt đang làm gia tăng lạm phát và gia tăng các hóa đơn điện nước. Kết quả là các hộ gia đình có ít tiền hơn để chi tiêu, trong khi kỳ vọng về sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng sẽ trở lại do ít biện pháp hạn chế về đại dịch hơn và các trường hợp lây nhiễm Covid-19 đã giảm bớt.
Giá khí đốt leo thang đã khiến các nhà kinh tế gọi “sự phá hủy nhu cầu” trong các doanh nghiệp công nghiệp, như các nhà sản xuất phân bón, sử dụng nhiều khí đốt và hiện đã cắt giảm sản lượng. Nông dân đang phải trả nhiều tiền hơn để chạy máy móc và mua phân bón.
Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg cho biết: “Lực cản do giá cả cao hơn và niềm tin bị ảnh hưởng có thể làm giảm tăng trưởng GDP thực tế trong khu vực đồng euro từ 4,3% xuống 3,7% cho năm 2022”.
Chuỗi cung ứng tiếp tục gặp thách thức
Sự phục hồi mạnh mẽ bất ngờ của thế giới sau đại dịch suy thoái khiến các công ty phải tranh nhau tìm đủ nguyên liệu và linh kiện để sản xuất hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Các nhà máy, cảng và bãi vận chuyển hàng hóa quá đông đồng nghĩa với việc thiếu hụt, chậm trễ vận chuyển và giá cả cao hơn. Những gián đoạn đối với các ngành công nghiệp của Nga và Ukraine có thể trì hoãn mọi hoạt động trở lại điều kiện bình thường.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics lưu ý rằng, Nga và Ukraine cùng sản xuất 70% đèn neon trên thế giới, thành phần rất quan trọng trong việc sản xuất chất bán dẫn. Điều đó đặc biệt đáng lo ngại vì thế giới và các nhà sản xuất ô tô nói riêng đang phải chịu đựng tình trạng thiếu chip máy tính.
Khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine cách đây 8 năm, giá đèn neon đã tăng 600%, mặc dù nhà kinh tế Zandi lưu ý rằng các nhà sản xuất chip kể từ đó đã tích trữ đèn neon và tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho nguồn cung cấp của Nga.
Nga và Ukraine cùng cung cấp 13% titan của thế giới, được sử dụng để sản xuất máy bay phản lực chở khách và 30% palađi, được sử dụng cho ô tô, điện thoại di động và chất hàn răng. Nga cũng là nước sản xuất niken lớn, được sử dụng để sản xuất pin ô tô điện và thép.
Vanessa Miller, một đối tác tại Foley & Lardner LLP chuyên về chuỗi cung ứng cho biết: “Chuỗi cung ứng không thể nào bắt kịp được”.
Chuỗi cung ứng thực phẩm bị ảnh hưởng
Ukraine và Nga chiếm 30% xuất khẩu lúa mì, 19% ngô và 80% dầu hướng dương của thế giới và được sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Mối đe dọa đối với các trang trại ở miền đông Ukraine và việc cắt xuất khẩu qua các cảng Biển Đen có thể làm giảm nguồn cung cấp lương thực ngay khi giá đang ở mức cao nhất kể từ năm 2011 và một số quốc gia đang thiếu lương thực.
Anna Nagurney, giáo sư tại Đại học Massachusetts Amherst đã mô tả hậu quả của xung đột tới chuỗi cung ứng lương thực là "cực kỳ đáng lo ngại”.
“Lúa mì, ngô, dầu, lúa mạch, bột mì là cực kỳ quan trọng đối với an ninh lương thực, đặc biệt là ở những vùng nghèo hơn trên toàn cầu”, ông cho biết.
Rủi ro lạm phát
Khủng hoảng ở Ukraine trùng với thời điểm rủi ro cao khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đang có ý định tăng lãi suất.
Vào tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1982. Tại châu Âu, số liệu hôm thứ Tư (2/3) cho thấy lạm phát trong tháng 2 của khu vực EU đã tăng nhanh lên mức kỷ lục 5,8% vào so với cùng kỳ năm trước.
Các cuộc giao tranh và các lệnh trừng phạt đã làm gián đoạn thương mại của Nga với nền kinh tế toàn cầu và có nguy cơ đẩy giá hàng hoá lên cao hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với giá năng lượng trong bối cảnh Nga và Ukraine cùng sản xuất 12% lượng dầu và 17% khí đốt tự nhiên của thế giới.
Để chống lại lạm phát, Fed dự kiến sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách diễn ra vào hai tuần tới nhằm đảo ngược chính sách lãi suất cực thấp mà Fed đã áp dụng vào năm 2020 để giúp giải cứu nền kinh tế thoát khỏi đại dịch. Tương tự như vậy, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang rút dần các nỗ lực kích thích thời đại dịch.
Nhưng ngân hàng trung ương hiện đang phải cân nhắc việc áp lực lạm phát gia tăng trước nguy cơ khủng hoảng Ukraine sẽ làm suy yếu các nền kinh tế.
Hiện tại, ở châu Âu, “bất kỳ dấu hiệu nào về việc tăng lãi suất đều không nằm ngoài dự đoán”, Carsten Brzeski, Giám đốc vĩ mô toàn cầu tại ngân hàng ING cho biết.
Trong khi đó, nhà kinh tế Mark Zandi cho biết: “Tôi không mong đợi bất kỳ sự thay đổi nào trong cách điều hành chính sách tiền tệ của Fed do những luồng tác động kinh tế khác nhau được tạo ra bởi xung đột giữa Ukraine và Nga”.