• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 3:44:12 SA - Mở cửa
Chăm lo đời sống công nhân dân tộc thiểu số
Nguồn tin: Báo Nhân dân | 23/05/2022 7:55:00 SA
Với đặc thù vùng nguyên liệu cao su nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, ngành cao su không chỉ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn mà còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống công nhân, người lao động, nhất là công nhân dân tộc thiểu số tại các đơn vị thành viên để họ yên tâm lao động sản xuất.
 
Tinh thần hăng hái lao động của công nhân cao su đang nhân rộng trên các nông trường, nhà máy khi các vườn cây khai thác mủ cao su đã được mở miệng cạo cho mùa vụ mới năm 2022. Khoác lên mình màu áo xanh, nhiều công nhân cao su là người dân tộc thiểu số đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống khi có thu nhập ổn định và được chăm lo tận tình, đầy đủ về mọi mặt.
 
Cuộc sống đổi thay
 
Đến thăm đội 5 nông trường cao su Suối Ngô (Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên) ở xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh chúng tôi cũng vui lây niềm vui của hàng trăm công nhân ở đây. Trên con đường nhựa dẫn vào vườn cao su đang cho khai thác, hai chị em Chu Thị Hoa và Chu Thị Nhi người dân tộc Tày ở Cao Bằng đang cùng các công nhân trong đội hối hả hạ những thùng mủ cao su nặng trĩu về điểm tập kết, chuẩn bị chuyển lên xe tải lớn chở về nhà máy chế biến. Được nông trường Suối Ngô tuyển vào làm từ năm 2014 đến nay chị Hoa và Nhi cùng 273 công nhân của 5 đội sản xuất lúc nào cũng có việc làm và thu nhập ổn định trên diện tích gần 1.900 ha được giao.
 
Chị Chu Thị Hoa cho biết: Trước đây, tôi chỉ làm việc tự do, thu nhập bấp bênh. Sau khi nông trường Suối Ngô tuyển dụng, tôi được đi học nghiệp vụ, sau đó thi đạt chứng chỉ thì được ký hợp đồng chính thức vào làm tại nông trường. Nay, thu nhập trung bình hằng tháng của tôi khoảng 8 triệu đồng. Sau 9 năm làm việc cật lực và tiết kiệm, gia đình tôi đã xây được nhà, mua sắm các vật dụng cần thiết và nuôi các con ăn học, trong đó có một người con đang học đại học ở tỉnh Bình Dương.
 
Với những chế độ đãi ngộ hiện nay của Công ty như ký Hợp đồng lao động, đóng các loại bảo hiểm, công đoàn phí, được hưởng chế độ độc hại, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, chăm lo bữa ăn sáng và giữa ca đầy đủ…chúng tôi hoàn toàn yên tâm và gắn bó lâu dài với cây cao su. Tôi còn giới thiệu cho em gái và chồng cùng vào làm tại nông trường.
 
Theo lời kể chị Chu Thị Nhi, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Công ty bảo đảm chế độ ăn ca mỗi người 35.000 đồng/ngày ăn, công đoàn đơn vị tổ chức nấu và phát cơm riêng theo suất cho từng công nhân vào buổi sáng sớm sau khi cạo mủ và buổi trưa sau khi trút mủ. Để bảo đảm phòng chống dịch, Công ty cũng chia thành nhiều ca và khung giờ ăn khác nhau để tránh tập trung cùng lúc và tuân thủ nguyên tắc 5K.
 
 
 Công nhân tập kết mủ cao su tại nông trường cao su Suối Ngô (Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên) ở xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, cho biết: Trong những năm qua Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên nói chung cũng như nông trường Suối Ngô nói riêng phối hợp chăm lo lao động, làm tốt công tác an sinh trên địa bàn. Với mức thu nhập bình quân của công nhân cao su hiện nay trên 8 triệu đồng một tháng cùng các khoản phúc lợi khác thì đã cao hơn so với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng một tháng của người dân địa phương. Nông trường cao su góp phần giúp tăng độ che phủ của rừng, đảm bảo sinh thái môi trường rừng. Ngoài ra Công ty còn làm tốt hệ thống đường giao thông nối giữa các đội với nhau góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí đường giao thông theo tiêu chuẩn nông thôn mới.
 
Ngày 13/5/2022 vừa qua là đúng kỷ niệm 20 năm anh Thiều Văn Tiệp, công nhân đội 3, Nông trường cao su Bổ Túc (Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên) tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh chính thức ký hợp đồng với nông trường. Gắn bó với nghề cạo mủ cao su, cuộc sống của gia đình anh hoàn toàn thay đổi. Người đàn ông có thân hình nhỏ nhắn này là một trong những người thợ có năng suất lao động cao nhất của nông trường cao su Bổ Túc. Trong suốt 11 năm qua có 10 năm là chiến sĩ thi đua, 1 năm lao động tiên tiến, đã được nhận bằng khen cấp bộ, chứng nhận công nhân cao su ưu tú của Công đoàn Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, thợ giỏi thu hoạch mủ cấp toàn quốc.
 
Mùa thi đua nước rút vào dịp cuối năm, anh đã nhiều lần đứng ở vị trí cao nhất trong cuộc đua sản lượng hàng tháng. Sự cần mẫn giúp anh có thu nhập ổn định trên 8 triệu đồng mỗi tháng. Anh Tiệp cho biết: nhờ có công việc này, anh đã nuôi sống cả gia đình 4 người gồm vợ và hai con. Vì vậy, anh luôn nỗ lực, làm việc cật lực bất kể nắng mưa. Trở thành công nhân cạo mủ giúp anh có cuộc sống ổn định và sung túc hơn, kể cả những tháng dịch bệnh trong năm 2021, nhờ công ty tổ chức sản xuất an toàn, được tiêm vaccine đầy đủ, anh có việc làm, không những vậy, thu nhập còn cao hơn cả năm trước.
 
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên, Trương Văn Cư chia sẻ: “Là một đơn vị có diện tích cao su chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới giáp với Vương quốc Campuchia, nhưng trong nhiều năm qua, công ty luôn nằm trong các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của ngành cao su. Một trong những yếu tố giúp công ty luôn hoàn thành các kế hoạch sản xuất kinh doanh là việc quan tâm chăm lo mọi mặt đời sống công nhân lao động ở vùng đất gian khó biên cương tổ quốc. Qua đó, công việc và thu nhập công nhân ổn định,đời sống công nhân cao su được nâng lên đáng kể giúp người lao động gắn bó và cống hiến hơn với nghề”.
 
An tâm trên vùng đất mới
 
Theo chân đoàn công tác của Công ty TNHH một thành viên Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (Công ty Cao su Đồng Nai), chúng tôi đến thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân các đơn vị thành viên nhân dịp Tháng Công nhân năm 2022 tại nông trường cao su Cẩm Đường (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai). Trong những năm qua, hầu hết thanh niên ở Đồng Nai đều đi làm công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, dẫn đến tình trạng thiếu hụt công nhân tại các tổ, đội tại nông trường. Ban lãnh đạo công ty cùng với Công đoàn, Đoàn thanh niên đã mạnh dạn tổ chức đoàn công tác đến các địa phương miền núi phía Bắc tiến hành gấp rút tuyển lao động bổ sung.
 
 
 Lãnh đạo Công ty Cao su Đồng Nai thăm hỏi công nhân người dân tộc thiểu số tại nông trường cao su Cẩm Đường.
 
Sau ba năm tuyển dụng, Công ty Cao su Đồng Nai đã bổ sung được gần 1.000 công nhân, trong đó hơn 700 người dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang. Nhiều người trong số đó sau ba năm đã phấn đấu không ngừng và được cho đi học nâng cao trình độ, cá biệt có trường hợp học đại học; nhiều công nhân được bổ nhiệm là tổ trưởng, lãnh đạo nông trường. Ngoài ra, đơn vị cũng đã cử đi học lớp đối tượng đảng một số công nhân xuất sắc tại các nông trường, tổ, đội thành viên của Công ty.
 
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Đồng Nai Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Sau thời gian tuyển dụng, lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số ở Hà Giang đã đáp ứng được các yêu cầu của công ty. Các công nhân từ xa vào đây được chúng tôi quan tâm chăm lo toàn diện nơi ăn, chốn ở, cơ sở vật chất thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày, việc học hành cho các em nhỏ... Mục tiêu của chúng tôi là ổn định, dần dần nâng cao đời sống công nhân, giúp họ yên tâm bám vườn cây, thi đua lao động đạt năng suất cao.”
 
Vừa hoàn thành công việc tập kết mủ cao su và trở về nơi ở, anh Sùng Mí Dưa từ huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, chia sẻ: Công việc ở đây không quá vất vả so với làm nương rẫy ở quê nhà, ban đầu khi mới làm tôi còn chưa quen với thời tiết, khí hậu và nhịp sinh hoạt thì thay đổi theo công việc cho nên phải thích nghi dần dần. Ba năm qua tôi đã cố gắng vượt qua khó khăn luôn hoàn thành công việc được giao. Công ty luôn quan tâm chăm lo cho cuộc sống của những người dân tộc xa quê như tôi. Ngày Tết ngoài quà và thưởng Tết công ty còn tặng vé xe hai chiều và cho nghỉ 1 tháng thăm nhà. Bây giờ cả hai vợ chồng tôi đều làm ở nông trường này. Năm nay, nông trường giao kế hoạch sản lượng cho tôi là 10 tấn, vợ chồng tôi sẽ quyết tâm phấn đấu khai thác vượt hơn 20% so với kế hoạch được giao vì phần thưởng của Công ty và Công đoàn “treo” rất cao nên chúng tôi phấn khởi, ai cũng muốn đứng đầu của nông trường để nhận thưởng.
 
Tương tự như Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) cũng giải quyết vấn đề thiếu hụt công nhân bằng phương án tuyển dụng hàng trăm lao động từ tỉnh Nghệ An. Anh Nguyễn Hữu Long, Trợ lý tổ chức hành chính, Bí thư Đoàn thanh niên Nông trường Tân Hưng (Công ty Cao su Đồng Phú) cho biết: Đầu năm 2022, công ty mới tuyển dụng 240 công nhân là người H’Mông, Khơ mú ở tỉnh Nghệ An vào làm việc. Các công nhân này được bố trí chỗ ở trong 141 căn hộ thuộc khu dân cư của nông trường.
 
Vượt qua thời gian đầu bỡ ngỡ công việc và nơi ở mới, nhờ sự quan tâm hỗ trợ tận tình, hiện các công nhân này đã hòa nhập tốt với công việc và cuộc sống mới. Hiện nay nông trường có 404 công nhân (chiếm 78% tổng số lao động) là người dân tộc thiểu số với 9 dân tộc anh em như: Stiêng, Châu ro, Khmer, Tày, Nùng, Thái... Hiện, cuộc sống những công nhân làm việc lâu năm đã ổn định, đa phần đã mua đất, xây nhà riêng, nhiều công nhân còn dành dụm gửi tiền về quê giúp gia đình mua trâu, bò…
 
 
 Công nhân khai thác mủ cao su tại nông trường cao su Cẩm Đường thuộc Công ty Cao su Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai).
 
Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), hiện công nhân lao động là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30% tổng số công nhân, lao động toàn tập đoàn với hơn 84.000 người. Riêng các dự án cao su ở Tây Nguyên và miền núi phía bắc, người dân tộc thiểu số tại chỗ là lực lượng lao động chủ chốt trong các đơn vị thành viên VRG. Lực lượng lao động là người thiểu số có những đóng góp rất quan trọng vào việc hoàn thành các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các đơn vị.
 
Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn VRG Lê Thanh Hưng, cho biết: “Hiểu được tầm quan trọng và vai trò của đội ngũ lao động, trong đó có người dân tộc thiểu số góp phần vào sự phát triển bền vững, các công ty trực thuộc Tập đoàn luôn quan tâm chăm lo tốt nhất cho người lao động và coi đây là mục tiêu hàng đầu, xuyên suốt trong quá trình phát triển của toàn tập đoàn. Cùng với đó, Công đoàn các đơn vị luôn sát cánh để nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng của công nhân, giúp người lao động yên tâm công tác, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
 
Lãnh đạo VRG đã chỉ đạo các đơn vị phát huy thành quả 10 năm của Tháng Công nhân, tập trung tổ chức các hoạt động ý nghĩa chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho công nhân xuyên suốt cả năm, cả nhiệm kỳ. Từ đó, dấy lên các phong trào thi đua trong hoàn cảnh mới, tạo khí thế sôi nổi, người lao động hào hứng, doanh nghiệp ổn định và phát triển, đồng hành cùng người lao động hướng tới bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của đoàn viên”.
 
Với sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo Tập đoàn và Công đoàn các cấp, 100% người lao động, công nhân trong các đơn vị thành viên đăng ký thi đua thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh phong trào bảo vệ tài sản, phong trào tự học tập và nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đơn vị ngày càng phát triển bền vững.