Xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm nay đang ‘bùng nổ’, với nguyên nhân chính là nhiều thị trường đang có nhu cầu lớn với sản phẩm này.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Sơn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực đang có sự bùng nổ về xuất khẩu trong những tháng đầu năm nay. Ước tính trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đã đạt trên 950 triệu USD, tăng tới 94% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong những tháng qua, trước hết là do nhu cầu đối với mặt hàng này tăng cao ở những thị trường chủ lực. Báo cáo Ngành hàng cá tra 2022 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), nhận định, nhu cầu cá tra tăng trưởng mạnh ở các thị trường sau thời gian dài bị dồn nén bởi Covid-19.
Cụ thể, ở các thị trường chủ lực là Mỹ, Trung Quốc và EU, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng trở lại nhờ tỷ lệ tiêm vacxin cao (trên 60% dân số), thậm chí, một số nước đã tiêm thêm mũi tăng cường. Việc tiêm vacxin kỳ vọng duy trì mở cửa kinh tế, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản khi hơn 60% sản lượng thủy sản được tiêu thụ qua kênh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn).
Tại thị trường Mỹ, trong khi nhu cầu tăng cao trở lại thì mức tồn kho cá tra hiện rất thấp sau 2 năm dịch bệnh. Điều này đã khiến cho các nhà nhập khẩu Mỹ tăng cường việc nhập khẩu cá tra.
Thị trường Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh cá tra trở lại từ cuối năm 2021 nhằm phục vụ nhu cầu của Tết Nguyên đán 2022 trong bối cảnh nguồn cá tra tồn kho đã cạn kiệt. Nhờ vậy, quý 1 năm nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng rất mạnh tới 3 con số.
Đặc biệt, kể từ giữa tháng 3/2022, Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa các thành phố để ngăn chặn việc bùng phát dịch Covid-19, đồng thời, tăng cường kiểm tra các lô hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, trong những tuần tiếp sau đó, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc không có dấu hiệu sụt giảm. Điều đó cho thấy nhu cầu nhập khẩu cá tra vẫn cao tại thị trường này.
BSC cho rằng, sau khi phong tỏa ở nhiều thành phố để phòng chống Covid-19, Trung Quốc sẽ dần tiến tới việc mở cửa trở lại. Khi đó, với nhu cầu tiêu thụ cao, Tung Quốc sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra Việt Nam trong nửa cuối năm 2022.
Khủng hoảng lương thực, thực phẩm ở châu Âu, cũng đang là cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam. Theo VASEP, trong nhiều năm qua, “bức tranh” xuất khẩu cá tra sang EU khá ảm đạm khi thường xuyên theo xu hướng sụt giảm. Năm 2021, xuất khẩu cá tra sang khu vực thị trường này giảm 17% so với năm 2020 khi chỉ đạt 106,2 triệu USD. Vậy mà trong quý 1 năm nay, xuất khẩu cá tra sang EU lại tăng vọt tới 86,2% so với quý 1/2021 với giá trị xuất khẩu 46,7 triệu USD. Điều này cho thấy, nhu cầu cá tra đang quay trở lại ở EU - nơi từng là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc thế giới thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng khi thủy sản của Nga (nước xuất khẩu hàng đầu thế giới các loại cá thịt trắng chủ lực như cá tuyết, cá minh thái…) bị trừng phạt bởi xung đột Nga - Ukraina, cũng đang góp phần làm tăng thêm nhu cầu đối với cá tra Việt Nam.
Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra Việt Nam được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Mỹ. Như vậy, đến nay, đã có tổng cộng 19 nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam được công nhận trong danh sách của FSIS.
Thanh Sơn - Minh Sáng