Vấn đề tiền bạc ngày càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt đối với những người lao động trẻ tuổi trong bối cảnh lạm phát, vật giá leo thang.
Khảo sát Gen Z và Millennial năm 2022 của Deloitte làm sáng tỏ nhiều khía cạnh về trải nghiệm của thế hệ trẻ, đáng chú ý nhất là nền tài chính bấp bênh của họ trong thế giới ngày càng đắt đỏ, theo Forbes.
Khi được hỏi về mối quan tâm cấp bách nhất, 29% những người lao động ở độ tuổi Gen Z (sinh năm 1995-2012) cho biết chi phí sinh hoạt, bao gồm tiền thuê nhà, phương tiện đi lại và các hóa đơn điện, nước, là mối lo hàng đầu của họ.
46% chia sẻ rằng toàn bộ thu nhập của họ chỉ đủ chi trả sinh hoạt phí, không dành dụm được đồng nào. Chỉ 25% báo cáo rằng họ có thể thoải mái chi tiêu hàng tháng.
Gen Z cảm thấy khó khăn trong việc chi trả sinh hoạt phí. Ảnh: Alena Darmel/Pexels
Họ cũng không hy vọng nhiều về tương lai sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Trong số những Gen Z được khảo sát, hơn 1/4 không cảm thấy tự tin rằng họ sẽ có đủ tiền nghỉ hưu.
72% nhận thấy khoảng cách giữa những người giàu nhất và nghèo nhất ở đất nước của họ ngày càng lớn. Chỉ 28% tin rằng nền kinh tế quốc gia nơi họ sinh sống có thể cải thiện trong 12 tháng tới.
Họ cũng không coi các doanh nghiệp có thể giúp ích cho tình hình này. Cụ thể, chỉ 45% người thuộc Gen Z đồng ý rằng các công ty đang tác động tích cực đến xã hội. Đây là năm thứ 5 liên tiếp tỷ lệ này giảm, Deloitte lưu ý.
Ở Mỹ, khi xem xét thêm khoản nợ sinh viên trung bình 41.000 USD/người, không khó để hiểu vì sao Gen Z dễ gặp vấn đề kiệt sức và sức khỏe tâm thần.
Nhiều người chọn làm thêm ngoài giờ để thể hiện năng lực, ngoài việc kiếm tiền. Ảnh: Anna Tarazevich/Pexels,
Deloitte nhận thấy rằng mức lương thấp là lý do hàng đầu khiến những người trẻ được hỏi rời bỏ công việc trong vòng 2 năm qua.
15% trong số những người làm việc từ xa đã chuyển đến một địa điểm rẻ hơn để tiết kiệm tiền, và 33% nói rằng làm việc ở nhà đã giúp họ cắt giảm chi phí.
Ngoài ra, 43% người trẻ làm thêm một công việc bán hoặc toàn thời gian bên cạnh công việc chính của họ. Cũng theo nghiên cứu, việc làm thêm không đơn thuần đem lại thu nhập, mà là phương tiện để Gen Z thể hiện khả năng kinh doanh.
Trong công việc chính, nhiều nhân viên trẻ mong muốn được thăng chức, với 49% mong muốn được đào tạo về khả năng quản lý, lãnh đạo từ cấp trên của họ.
Áp lực tiền bạc dẫn đến tình trạng kiệt sức ở nhiều người trẻ. Ảnh: Karolina Grabowska/Pexels.
Deloitte nhận thấy 40% người thuộc Gen Z sẽ nghỉ việc trong vòng 2 năm, và 35% nói rằng họ sẽ làm vậy ngay cả trước khi tìm được công việc khác.
Đáng chú ý, cuộc khảo sát năm 2021 của Deloitte cũng cho thấy gần 1/4 người thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1995) có ý định bỏ việc sau 1 năm đi làm.
Tuy nhiên, khảo sát gần đây của công ty phần mềm tuyển dụng và nhân sự iCIMS lại chỉ ra gần 70% sinh viên tốt nghiệp khóa 2020, 2021 và sắp tốt nghiệp muốn gắn bó với công việc lâu dài. Các nhà nghiên cứu cho rằng nhân sự Gen Z thực sự muốn tìm nơi có sự ổn định sau vài năm bấp bênh.
Nhìn chung, dù có một số điểm khác biệt, Gen Z không khác so với các thế hệ trước trong việc đấu tranh giữa chủ nghĩa lý tưởng và kiếm đủ tiền thanh toán các hóa đơn. Họ chỉ phải đối mặt với những thử thách này ở độ tuổi còn rất trẻ.
Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tiếp tục tăng, Gen Z phải đưa ra những lựa chọn khó khăn để xem sự nghiệp sẽ đưa họ đến đâu trên đường đời.