Dưới áp lực của đồng USD rục rịch tăng trở lại cùng lãi suất trái phiếu tăng cao, giá vàng thế giới hôm nay (1/6) giảm xuống mức 1.838,1 USD/ounce. Trong nước, giá vàng vẫn lình xình, giao dịch quanh 69 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, đầu giờ sáng ngày 1/6 (giờ Việt Nam), vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.838,1 USD/ounce; giảm 17,5 USD/ounce so với đầu giờ sáng hôm qua. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 cũng giảm 12,8 USD/ounce xuống còn 1.844,5 USD/ounce.
Vàng miếng SJC đang giao dịch quanh 69 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Int)
Sau khi giảm còn 2,74%, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ bất ngờ tăng trở lại lên mức 2,848%, làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Đồng thời, đồng USD “nhăm nhe” quay trở lại, gần chạm mốc 102 điểm, sau chuỗi ngày đi xuống, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Đầu phiên giao dịch ngày 1/6 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng nhẹ 0,12%, đạt mức 101,78 điểm.
Có thể thấy, trong tháng 5 vừa qua, vàng đã gây thất vọng cho các nhà đầu tư. Do sự ảnh hưởng mạnh mẽ của đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ, giá vàng đã giảm từ gần 1.900 USD/ounce kể từ đầu tháng xuống 1.786,6 USD (ngày 16/5). Kể từ đó, kim loại quý đã phục hồi phần nào nhưng vẫn lình xình không thể vọt lên khỏi ngưỡng 1.850 USD/ounce.
“Trừ khi xuất hiện sự leo thang mạnh mẽ về tình hình tại Đông Âu, dường như xu hướng điều chỉnh giảm của vàng có thể tiếp tục trong tháng 6”, chuyên gia Jeffrey Halley nhận định.
Nhìn theo hướng tích cực, một số chuyên gia khác cho rằng, việc giá dầu thô tăng cao trở lại có thể khiến lạm phát ngày càng “nóng”, từ đó có thể gây ra một cuộc khủng hoảng dầu giống như thập niên 1980. Lo ngại này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng trong thời gian tới.
Trong nước, giá vàng rạng sáng hôm nay (1/6) ổn định khi các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý điều chỉnh nhẹ hoặc giữ nguyên mức giá giao dịch của ngày trước đó.
Cụ thể, Tập đoàn DOJI tại khu vực TP Hồ Chí Minh niêm yết 68,4 - 69,2 triệu đồng/ lượng, tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều mua và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán. Tại Hà Nội, giá vàng điều chỉnh tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán, ở mức 68,3 - 69,2 triệu đồng/lượng.
Ngược lại, Tập đoàn Phú Quý giao dịch ở mức 68,3 - 69,1 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Trong khi đó, Vàng bạc đá quý Sài Gòn ở cả ba khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên mức giao dịch của ngày trước đó. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, vàng SJC đang giao dịch ở mức 68,3 - 69,32 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.
Mặc dù giá vàng trong nước thường biến động theo xu hướng giá thế giới, song với mức chênh lệch quá lớn như hiện nay (từ 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng), người mua đang phải chịu rủi ro rất lớn.
Có thể thấy, nhiều người mua vàng từ lúc giá lên mức đỉnh là 73 triệu đồng/lượng, thì nay “nhấp nhổm” không yên vì mắc kẹt do giá vàng liên tục đứng ở ngưỡng thấp suốt thời gian dài qua.
“Ngay tại thời điểm này, mua vàng có thể chưa phải là quyết định khôn ngoan, bởi đã hết yếu tố bất ngờ”, một chuyên gia nêu ý kiến.