Từ giấy vệ sinh, sữa chua cho đến cà phê, hiện tượng lạm phát thu nhỏ đang ngày càng phổ biến hơn trên thế giới.
Lạm phát thu nhỏ để chỉ việc những nhà sản xuất giảm số lượng/kích thước gói hàng dù giá cả vẫn giữ nguyên.(Ảnh minh hoạ)
“Lạm phát thu nhỏ” tiếng Anh là “shrinkflation”, ghép của hai chữ “shrink” (thu nhỏ) và “inflation” (lạm phát), để chỉ việc những nhà sản xuất giảm số lượng/kích thước gói hàng dù giá cả vẫn giữ nguyên. Tình trạng này rất thường gặp trong thời kỳ lạm phát.
Chẳng hạn ở Mỹ, một gói giấy vệ sinh hiệu Kleenex cỡ nhỏ hiện nay có 60 tờ, trong khi cách đây vài tháng là 65 tờ. Hũ sữa chua hiệu Chobani Flips giảm từ 150g xuống còn 128g. Ở Anh, hộp cà phê hiệu Nescafe Azera Americano giảm từ 100g xuống còn 90g. Ở Ấn Độ, một thanh xà phòng rửa chén Vim giảm từ 155g xuống còn 135g. Và dĩ nhiên tất cả trường hợp giảm định lượng/số lượng này đều không kèm theo việc giảm giá.
Người ta gọi những trường hợp như vậy là lạm phát thu nhỏ. Việc này rất dễ xảy ra ở thời điểm lạm phát cao, khi các công ty phải vật lộn với chi phí nguyên liệu, đóng gói, nhân công, vận chuyển, v.v.. Và thời điểm hiện tại rất đúng với mô tả đó, khi lạm phát giá tiêu dùng toàn cầu lên đến 7% vào tháng 5 và có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9, theo S&P Global.
Theo ông Edgar Dworsky, một cựu phó tổng chưởng lý Massachusetts và là người theo dõi hiện tượng lạm phát thu nhỏ từ hàng chục năm nay, thì lạm phát thu nhỏ diễn ra theo từng đợt. Và đợt này lạm phát thu nhỏ bắt đầu từ khoảng mùa thu năm ngoái.
Ông chỉ ra một số ví dụ như giấy vệ sinh Cottonelle Ultra Clean Care giảm từ 340 tờ mỗi cuộn xuống chỉ còn 312 tờ. Hoặc cà phê Folgers giảm từ hộp 1445g xuống còn 1233g.
Ông nói rằng lạm phát thu nhỏ có một sức hấp dẫn rất lớn đối với nhà sản xuất. Vì các nhà sản xuất biết rằng người tiêu dùng chỉ quan tâm giá cả, chứ không theo dõi sát sao khối lượng tịnh hoặc những chi tiết nhỏ như mỗi hộp khăn giấy có bao nhiêu tờ. Thậm chí họ có thể sử dụng một số mẹo nhỏ để khiến khách hàng chú ý đến những điểm khác trong bao bì.
Các công ty/nhà sản xuất thường có hai xu hướng khi áp dụng lạm phát thu nhỏ.
Xu hướng thứ nhất là im lặng thực hiện.
Chẳng hạn sản phẩm Fritos Scoops của Pepsi Co. Đợt trước một túi Fritos Scoops mang nhãn “kích cỡ bữa tiệc” thường có khối lượng 510g. Bây giờ một túi Fritos Scoops cũng là “kích cỡ bữa tiệc” chỉ còn 440g, mà giá lại đắt hơn. Và hiện nay các chuỗi cửa hàng lớn đều bày bán loại mới hơn, nhỏ hơn này.
Khi được hỏi thì Pepsi Co không phản hồi về Fritos. Họ chỉ thừa nhận là đã thu nhỏ kích thước các chai nước Gatorade. Mẫu cũ là 945ml, mẫu mới chỉ còn gần 830ml. Mẫu mới được thiết kế thuôn nhọn ở giữa để dễ cầm nắm. PepsiCo cho biết mẫu mã mới đã được áp dụng từ nhiều năm nay, không liên quan gì đến lạm phát hiện tại. Tuy nhiên họ không giải thích được vì sao giá 830ml lại đắt hơn 945ml.
Tương tự vậy, Kimberly-Clark không phản hồi vì sao hai sản phẩm Cottonelle và Kleenex bị đóng gói bé lại. P&G cũng không phản hồi khi được hỏi vì sao chai dầu xả Pantene Pro-V Curl Perfection lại giảm từ 340ml xuống còn 307ml mà giá vẫn không đổi. Hoặc Hain Celestial Group cũng không phản hồi vì sao sản phẩm Earth’s Best Organic Sunny Day Snack Bars giảm từ mỗi hộp 8 thanh xuống chỉ còn 7 thanh nhưng giá vẫn là 3,69 đô.
Trong khi đó, ở xu hướng thứ hai, nhiều công ty thẳng thắn thông báo các thay đổi này.
Domino’s Pizza giảm set cánh gà từ 10 xuống còn 8, giá vẫn không đổi
Chẳng hạn ở Nhật, đơn vị sản xuất đồ ăn vặt Calbee Inc. thông báo giảm 10% khối lượng sản phẩm và tăng 10% giá cho nhiều sản phẩm kể từ tháng 5, với nguyên nhân là giá nguyên liệu thô tăng chóng mặt.
Hoặc vào tháng 1, Domino’s Pizza thông báo giảm set cánh gà từ 10 cánh mỗi set xuống còn 8 cánh, giá vẫn không đổi 7,99 đô. Nguyên nhân được đưa ra là giá thịt gà tăng.
Ở Ấn Độ, tại những khu vực nông thôn, nơi người dân nhạy cảm với giá cả hơn, thì người ta dùng lạm phát thu nhỏ. Còn ở thành phố, họ trực tiếp tăng giá sản phẩm.
Nếu các doanh nghiệp đã áp dụng lạm phát thu nhỏ thì chắc chắn sẽ có người mua phát hiện ra. Hiện nay đã một số khách hàng chú ý đến việc này và đăng tải trên mạng xã hội. Nhiều người nói rằng lạm phát thu nhỏ sẽ khiến họ thay đổi thói quen mua sắm.
Chẳng hạn, theo chia sẻ của một người ở Ohio, thì trước nay người này thường mua phô mai Thụy Sĩ cắt lát giá 9,99 đô cho hơn 450g, thì hiện nay cùng giá 9.99 đô gói phô mai chỉ còn 340g. Vậy nên người này có ý định săn các đợt ưu đãi hoặc mua nguyên khối phô mai và tự mình cắt lát.
Theo ông Dworsky, đôi khi xu hướng này sẽ đảo chiều. Tức là khi lạm phát giảm bớt, việc cạnh tranh có thể khiến các nhà sản xuất giảm giá hoặc trở lại kích thước sản phẩm ban đầu. Tuy nhiên theo ông, một khi đã làm gói hàng nhỏ hơn, thì “rất hiếm” trường hợp chịu quay lại định lượng trước đó. Điều đó đồng nghĩa với việc giá cả “một tăng không bao giờ trở lại”.