Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Châu Âu cấm xe chạy nhiên liệu hóa thạch có thể sẽ làm cho cuộc đua xe điện nóng trở lại.
Với 339 phiếu thuận và 249 phiếu chống, Nghị viện Châu Âu đã thông qua hạn chót cấm xe chạy xăng và diesel vào năm 2035.
Kẻ mừng, người lo
Quyết định trên được áp dụng tại 27 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU), có nghĩa là các hãng xe phải chạy đua giảm phát thải về 0 sau hơn 1 thập kỷ tới. Trước mắt, từ nay đến 2030, EU giảm phát thải 55% so với thời điểm 2021.
Động thái nói trên của Châu Âu phù hợp với tôn chỉ chống biến đổi khí hậu của Hội nghị COP26, góp phần bảo vệ môi trường, nhưng đồng thời làm thay đổi sâu sắc nền công nghiệp xe hơi đang dẫn đầu thế giới.
Vận hội mới đến với những công ty xe điện, và “sợi dây thòng lọng” đang dần siết lại với Mercedes, Renault, Wolkswagen, Daimler, Peugeot, Volvo,…- những tên tuổi đã khẳng định đẳng cấp trên nền tảng động cơ chạy năng lượng hóa thạch.
Tổ chức vận động hành lang cho ngành công nghiệp ô tô Đức cho rằng, cuộc bỏ phiếu của Nghị viện Châu Âu đã “chống lại đổi mới và công nghệ”, chưa xem xét đến mạng lưới bố trí trạm sạc trên toàn Châu Âu.
Quyết định này đã đặt các “ông lớn” xe hơi trứ danh vào tình thế bị bỏ lại phía sau so với Tesla. Đặc biệt, cơ hội sẽ đến với các hãng xe điện Trung Quốc như BYD, SAIC, Xpeng,… được chính phủ hậu thuẫn tối đa, nắm giữ nguồn tài nguyên lithium dồi dào, giá bán rẻ hơn bất cứ nơi nào.
Cạnh tranh khốc liệt hơn
Quyết định táo bạo từ Châu Âu như tiếp thêm “mồi lửa” làm gia tăng sức “nóng” trong lĩnh vực xe điện hiện nay. Hàng loạt công ty ở Trung Quốc, Mỹ bên bờ vực phá sản do thiếu nguyên liệu đầu vào; thị trường chưa thực sự dứt thói quen sử dụng xe chạy xăng, dầu, thì nay lại dồn lực cho cuộc đua tìm kiếm cơ hội mới.
Đặc biệt, cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc tranh giành khoáng sản lithium, cobal, nikel, graphit, mangan - những thành phần không thể thiếu để sản xuất pin xe điện, sẽ ngày một khốc liệt hơn. Cuộc cày phá lòng đất quy mô lớn xảy ra ở miền Tây Bắc Trung Quốc, Nam Mỹ sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Giá mỗi tấn quặng lithium đã tăng từ 6.500 USD năm 2015 lên đến 25.000 USD năm 2020 và dự kiến sẽ còn tăng mạnh hơn nữa khi cuộc cạnh tranh mới đầy rủi ro mang tên “pin xe điện” càng thêm khốc liệt khi châu Âu không còn cách nào khác phải lao vào chạy đua với thời gian nếu không muốn bị qua mặt.
Xe điện- giảm phát thải chỉ giải quyết bề nổi của vấn đề. Sản xuất pin được xác định là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất trên thế giới trong nay mai, vì chỉ khoảng 5% lithium được tái chế. Số khổng lồ còn lại sẽ về đâu?.
Vì vậy, những chương trình tái chế pin lithium-ion là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Nếu không, hậu quả có thể còn tồi tệ hơn nhiều so với ô nhiễm nhựa đang bủa vây các đại dương, khí carbondioxit u ám bầu trời.